Theo WGC, số lượng vàng mua vào trong tháng 5 thấp hơn mức trung bình 12 tháng (là 42 tấn). Việc các ngân hàng trung ương giảm mua vàng không có gì đáng ngạc nhiên với các nhà phân tích do thị trường đang thiếu một nhân tố chủ chốt.

Đầu tháng 6, Trung Quốc đã làm thị trường một phiên sửng sốt khi dữ liệu từ ngân hàng trung ương nước này cho thấy họ không mua vàng trong tháng 5, chấm dứt chuỗi mua vào kéo dài 18 tháng. Thông tin này khiến giá vàng thế giới giao ngay giảm hơn 80 USD phiên 7/6, xuống 2.292 USD. 

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc là một trong những tổ chức mua vàng mạnh nhất thế giới. Năm ngoái, ngân hàng này mua nhiều vàng nhất, với lượng mua ròng 7,23 triệu ounce.

Theo các nhà phân tích, mặc dù Trung Quốc không mua vàng trong tháng 5 nhưng nhiều khả năng nước này sẽ giao dịch trở lại trong thời gian tới. Dự trữ vàng của Trung Quốc mới chỉ tương đương 4,9% tổng dự trữ ngoại hối của nước này.

kitoco (6).jpeg
Các ngân hàng trung ương giảm mua vàng. Ảnh: Kitco

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Kitco News, Christopher Vecchio, Trưởng phòng tại Tastylive, cho biết theo một số dữ liệu khu vực, Trung Quốc có thể mua vàng trong tuần cuối tháng 6.

Không chỉ Trung Quốc, nhiều ngân hàng trung ương khác cũng mua vàng. Juan Carlos Artigas, Trưởng phòng Nghiên cứu tại WGC, phân tích, nhu cầu của ngân hàng trung ương tăng mạnh. Ngày càng có nhiều ngân hàng trung ương tăng dự trữ vàng.

Trong tháng 5, Ngân hàng Trung ương Ba Lan đã mua 10 tấn vàng. Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ mua 6 tấn vàng. Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ mua 4 tấn vàng. Ngân hàng Quốc gia Séc mua 3 tấn vàng.

Ngân hàng bán nhiều nhất vào tháng 5 là Ngân hàng Quốc gia Kazakhstan khi bán ra 11 tấn vàng.

Artigas lưu ý rằng mặc dù vẫn còn sớm nhưng WGC kỳ vọng nhu cầu dự trữ vàng của các ngân hàng trung ương vào cuối năm sẽ ở mức cao hơn con số (500 tấn) của trung bình 10 năm qua.

Nhu cầu của ngân hàng trung ương là trụ cột hỗ trợ quan trọng đẩy giá vàng tăng lên mức cao kỷ lục trên 2.450 USD/ounce.