Hôm qua, AP dẫn lời Thủ tướng Fiji Sitiveni Rabuka ngày 7.6 cho biết nước này đang xem xét lại thỏa thuận hợp tác an ninh về việc cho phép cảnh sát Trung Quốc đồn trú tại Fiji. Thậm chí, phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng New Zealand tại Wellington, Thủ tướng Rabuka còn ám chỉ sẽ đình chỉ thỏa thuận trên.
Được ký kết vào năm 2011 và là thành tựu quan trọng của Trung Quốc trong việc mở rộng ảnh hưởng ở các đảo quốc nam Thái Bình Dương, nhưng thỏa thuận trên gây nhiều tranh cãi trong chính nội bộ Fiji. Thời gian qua, Mỹ còn đạt một số thỏa thuận tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực, nhưng dần gặp không ít thách thức khi bị sự cạnh tranh gay gắt từ Mỹ và đồng minh. Vì thế, nếu Fiji ngưng thỏa thuận trên sẽ là một thách thức lớn cho Trung Quốc ở khu vực vốn được mệnh danh là “tiền đồn” vùng Thái Bình Dương.
Từ cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung
Trả lời Thanh Niên ngày 8.6, cựu đại tá hải quân Mỹ Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp – Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii Thái Bình Dương) đánh giá: “Khoảng 5 năm gần đây, Mỹ và Trung Quốc có cuộc cạnh tranh chiến lược ở các quần đảo nam Thái Bình Dương. Trước năm 2017, Mỹ thiếu tăng cường quan hệ các quốc gia ở khu vực này, nên Trung Quốc có điều kiện mở rộng ảnh hưởng tại đây. Trong đó, Quần đảo Solomon đã ký kết các thỏa thuận an ninh với Trung Quốc. Sau này, Mỹ mới nhận ra sai lầm và bắt đầu nỗ lực cạnh tranh”.
“Mỹ nhận ra Trung Quốc không chỉ giành được các mối quan hệ an ninh và tiếp cận các quốc gia đó mà còn xây dựng các sân bay, bến cảng và cơ sở hạ tầng khác cũng có thể được sử dụng cho mục đích quân sự. Các căn cứ của Trung Quốc ở nam Thái Bình Dương có thể gây khó khăn cho hoạt động quân sự của Mỹ ở vùng tây Thái Bình Dương, đồng thời cho phép hải quân và không quân Trung Quốc hoạt động bên ngoài chuỗi đảo thứ nhất”, ông Schuster phân tích.
Thực tế, gần đây, Mỹ dần đạt được một số thỏa thuận và tăng cường hợp tác với các nước ở khu vực này.
Đến sự phối hợp của “Bộ tứ” và Ấn Độ nâng vai trò
Cũng trả lời Thanh Niên ngày 8.6, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) nhận xét quyết định trên của Fiji có thể là một bước rất quan trọng đối với an ninh ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific) vì các lý do sau.
Thứ nhất, vì Trung Quốc đã thành công ở nam Thái Bình Dương, nên quyết định của Fiji là một bước quan trọng để “Bộ tứ” (gồm Mỹ – Nhật Bản – Úc – Ấn Độ) phản công. Gần đây, Trung Quốc đã mở rộng ảnh hưởng ở nam Thái Bình Dương. Trung Quốc đã đồng ý với thỏa thuận an ninh với một số đảo quốc ở khu vực này như Solomon. Vì thế, “Bộ tứ” đã tăng cường cạnh tranh. Chẳng hạn, khi Tonga đối mặt với thảm họa núi lửa gần đây, Mỹ – Úc – Nhật đã gửi tàu cứu hộ tới Tonga dù Tonga cách xa đất nước của họ. Và khi Fiji và Papua New Guinea (PNG) cần vắc xin Covid-19, Ấn Độ đã tài trợ. Trong chuyến thăm PNG gần đây của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, 2 bên đã ký kết thỏa thuận hợp tác quốc phòng với PNG. Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cũng bao gồm Fiji.
Trung Quốc đã có nhiều năm tăng cường ảnh hưởng ở nam Thái Bình Dương. Điều đó nhằm giảm bớt sự ủng hộ của các đảo quốc này đối với Đài Loan, đồng thời lấy khoảng trống mà phương Tây để lại. Điển hình, Bắc Kinh đạt thỏa thuận cho phép cảnh sát Trung Quốc đóng quân tại Fiji. Nhưng gần đây, sự chia rẽ ngày càng sâu sắc giữa Trung Quốc và phương Tây, cùng những lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc thông qua các sáng kiến hợp tác khiến Fiji xem xét lại các thỏa thuận với Bắc Kinh.
Các quốc đảo như Fiji cần phải cân bằng dư luận trong nước với những căng thẳng địa chính trị liên quan Trung Quốc, nhưng cũng không tránh khỏi mọi hình thức hợp tác với Trung Quốc. Thay vì từ chối mọi hợp tác với Trung Quốc, Fiji và các quốc đảo khác cần tăng cường tính minh bạch xung quanh các hoạt động của họ và đảm bảo rằng tất cả các hoạt động đều tuân theo luật pháp trong nước.
GS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản, học giả Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật)
Thứ hai, diễn biến mới xoay quanh quyết định của Fiji có thể tác động tình hình eo biển Đài Loan. Thời gian qua, Bắc Kinh thuyết phục các nước nam Thái Bình Dương thay đổi lập trường ngoại giao đối với Đài Loan. Solomon và Kiribati đã chấm dứt quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Bắc và thiết lập quan hệ với Bắc Kinh. Đây là khu vực vốn có nhiều nước đặt quan hệ chính thức với Đài Loan. Nếu Đài Loan mất quan hệ ngoại giao chính thức với các nước khác, thì khi Trung Quốc sử dụng vũ lực để hợp nhất Đài Loan sẽ trở thành vấn đề nội bộ, chứ không phải vấn đề quốc tế.
Thứ ba, diễn biến lần này ở Fiji là trường hợp đầu tiên mà Ấn Độ góp phần tác động đến quan điểm của các nước nam Thái Bình Dương. Trong nhóm “Bộ tứ” thì Úc là quốc gia có ảnh hưởng nhất ở khu vực này. Nhưng việc Trung Quốc gần đây tăng cường ảnh hưởng thành công cho thấy ảnh hưởng của Úc chưa đủ. Vì vậy, Mỹ và Nhật đã nỗ lực nhiều hơn nhưng vẫn chưa đủ.
Vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến thăm PNG. Lẽ ra đây là chuyến thăm lịch sử của một Tổng thống Mỹ đến các đảo quốc nam Thái Bình Dương. Nhưng cuối cùng, chuyến thăm bị hủy (chỉ Ngoại trưởng Blinken đã đến PNG) do ông Biden phải ưu tiên nghị trình chính trị tại Mỹ. Tuy vậy, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đến thăm PNG. Đối với PNG, chuyến thăm của ông Modi đã cứu vãn thể diện của lãnh đạo nước này. Do đó, ảnh hưởng của Ấn Độ đang tăng lên.
Kể từ năm 2014, Ấn Độ đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Ấn Độ – các đảo quốc Thái Bình Dương và mở rộng ảnh hưởng tại đây. Năm 2021, Ấn Độ đã tặng nhiều loại vắc xin cho Fiji và PNG. Giờ đây, Fiji đang đổi ý vì Ấn Độ. Một nửa dân số Fiji có nguồn gốc Ấn Độ. Như vậy, Ấn Độ có ảnh hưởng thông qua các mối liên hệ của Ấn Độ.
TS Nagao khẳng định: Trong bối cảnh hiện nay, Ấn Độ thể hiện tầm ảnh hưởng ở nam Thái Bình Dương thì là động thái đáng hoan nghênh đối với các thành viên khác trong “Bộ tứ”.