Ngày 16/10, Trung Quốc công bố kế hoạch phát triển trung và dài hạn về khoa học vũ trụ, nhằm định hướng sứ mệnh ngành nghiên cứu khoa học vũ trụ của đất nước từ năm 2024-2050.
Tàu vũ trụ Thần Châu 16 kết nối thành công với trạm vũ trụ Thiên Cung ngày 30/5/2023. (Nguồn: THX) |
Tại buổi họp báo do Văn phòng thông tin Quốc vụ viện tổ chức, Viện khoa học Trung Quốc (CAS), Cục vũ trụ quốc gia Trung Quốc và Cơ quan vũ trụ có người lái Trung Quốc (CMSA) lần đầu tiên công bố kế hoạch khoa học ở cấp quốc gia, bao gồm 17 lĩnh vực ưu tiên với 5 chủ đề khoa học chính và 1 lộ trình phát triển 3 giai đoạn.
Phát biểu tại họp báo, Phó Chủ tịch CAS Ding Chibiao cho biết: “Năm chủ đề khoa học chính bao gồm vũ trụ cực hạn, sóng trong không gian – thời gian, toàn cảnh về hệ Mặt trời – Trái đất, hành tinh có thể sinh sống, khoa học sinh học và vật lý trong không gian”.
Chương trình nhằm tìm hiểu các quy luật về chuyển động vật chất và hoạt động của sự sống trong điều kiện không gian để nâng cao hiểu biết về kiến thức vật lý như cơ học lượng tử và thuyết tương đối rộng. Bên cạnh đó, chương trình còn đưa ra lộ trình phát triển khoa học vũ trụ của Trung Quốc đến năm 2050.
Trong giai đoạn đầu kéo dài đến năm 2027, Trung Quốc sẽ tập trung vận hành trạm không gian, thực hiện dự án khám phá và thám hiểm Mặt trăng và các hành tinh khác. Có 5-8 sứ mệnh vệ tinh khoa học sẽ được phê duyệt trong thời gian này.
Trạm nghiên cứu Mặt trăng quốc tế (ILRS) do Trung Quốc khởi xướng sẽ xây dựng trong giai đoạn thứ hai từ năm 2028-2035, tiến hành khoảng 15 sứ mệnh vệ tinh khoa học. Ở giai đoạn cuối của kế hoạch, từ năm 2036-2050, Trung Quốc sẽ phóng hơn 30 tàu vũ trụ vào không gian.