Con số trên dẫn ra theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Câu chuyện đang diễn ra như năm 2018, 2019 khi kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam sang Trung Quốc sụt giảm mạnh, chỉ 6 tháng đầu năm 2019, giảm tới 20%.
Dự báo có thể kịch bản sẽ lặp lại, đặt ra động thái mới cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu.
Thị trường biến động, hạn ngạch… bất biến
Với thị trường tỉ dân, có thói quen trở thành văn hóa ẩm thực, đó là thói quen ăn cơm hằng ngày, nhu cầu tiêu dùng đối với gạo tại thị trường này là rất lớn. Nhưng hiện nay lại giảm tiêu thụ gạo. Nhiều lý do được đặt ra.
Ngày 24-10, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thông tin gạo Việt xuất khẩu trong năm 2024, sáng sủa nhất là tháng 3 và tháng 4, xuất khẩu trên 1 triệu tấn/tháng còn lại ở mức dao động 700.000 – 800.000 tấn/tháng. Nhưng riêng thị trường Trung Quốc, đang đà giảm mạnh, chỉ trên dưới 200.000 tấn/tháng.
Theo số liệu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 7 triệu tấn xuất khẩu gạo trong 9 tháng 2024, chiếm hơn 70% chủ yếu xuất khẩu sang thị trường ASEAN (hơn 5 triệu tấn).
Thị trường tỉ dân Trung Quốc chỉ đạt hơn 240.000 tấn, giảm tới 72% so với cùng kỳ năm trước, trong khi tỉ trọng gạo Việt chiếm hơn 35%. Tỉ trọng khá cao so với các nước nhập khẩu sang Trung Quốc.
Bộ này cũng dẫn ra hạn ngạch nhập khẩu gạo của Trung Quốc từ năm 2023 đến nay, luôn ở mức 5,32 triệu tấn, không thay đổi trước sự biến đổi của thị trường.
Đỉnh điểm của Trung Quốc khi nhập khẩu gạo Việt Nam là năm 2017, đạt 1 tỉ USD; nhưng 2019 chỉ xuất khẩu được 240 triệu USD; đến năm 2020-2021 phục hồi và từ 2023 đến nay, có có xu hướng giảm.
“Trung Quốc không còn là thị trường của gạo Việt Nam!?”
Theo một doanh nghiệp có nhà máy xay và xuất khẩu lúa gạo ở miền Tây, ông Nguyễn Chánh cho biết: “Lâu rồi Trung Quốc đã giảm ăn gạo Việt, họ tiết chế giảm dần. Trung Quốc không còn là thị trường của gạo Việt Nam. Có thể quay lại như trước đây, năm 2018 Trung Quốc “quay ngoắt” trong nhập gạo Việt, còn các năm trước dao động từ 1,5 – 2 triệu tấn/năm”.
Giải thích điều nay, ông Chánh cho biết Trung Quốc cũng là nước sản xuất lúa gạo top thế giới, nhưng không xuất nhiều.
“Họ nhập khẩu gạo Việt loại gạo 504 để chế biến công nghiệp là chủ yếu; còn một số gạo đặc sản của Việt Nam dành cho người tiêu dùng cao cấp. Và đối tác mua còn để xuất khẩu sang nước thứ 3, vì người Trung Quốc ở khắp nơi trên thế giới. Nước thứ 3 chủ yếu là nam Thái Bình Dương, các đảo lớn”, ông Chánh nói thêm.
Để giữ khách hàng truyền thống, theo một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở TP.HCM nói ngoài việc đương nhiên là luôn cập nhật thông tin thị trường, nắm bắt các động thái, nhưng doanh nghiệp cần lưu ý:
“Gạo thơm, gạo cao cấp, gạo ST người Trung Quốc rất thích ăn nên các doanh nghiệp phải giữ “khách”, tranh thủ xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam tại thị trường tiềm năng bậc nhất này”.
Chỉ còn hơn 20 trong số 200 doanh nghiệp Việt được phép bán gạo Việt Nam sang Trung Quốc
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Trung Quốc đang có xu hướng giảm nhập gạo, hạn chế chỉ còn hơn 10% doanh nghiệp (trong tổng số 200 doanh nghiệp) được bán gạo sang nước này. Ngoài ra, áp lực còn đến từ sự cạnh tranh từ thị trường gạo nội địa, gạo Thái Lan với đóng gói bao bì bắt mắt…
Trước đó, nhiều chuyên gia trong ngành dự báo, nhập khẩu gạo của thị trường Trung Quốc có xu hướng tăng trở lại vì diện tích trồng lúa và sản lượng giảm, nhu cầu tiêu dùng tăng… Đặc biệt hy vọng này dựa cơ sở Trung Quốc đã thông qua Luật An ninh lương thực mới, có hiệu lực từ ngày 1-6-2024, tức tăng cường an ninh lương thực trước những bất ổn ở thị trường bên ngoài…
Tuy nhiên, bức tranh thực tế hoàn toàn đối lập.
Nguồn: https://tuoitre.vn/trung-quoc-dang-giam-an-gao-viet-nam-kich-ban-co-lap-lai-nhu-nam-2018-2024102411554522.htm