(LĐXH) – Khi ngày càng nhiều người trẻ tham gia vào thị trường lao động, các công ty Trung Quốc đang tìm cách kết nối các thế hệ nhân viên với nhau.
Nếu phần bánh phía trên của một chiếc hamburger đại diện cho các nhà lãnh đạo công ty phần lớn thuộc thế hệ Gen X (sinh từ năm 1965 đến 1980) và phần bánh dưới đại diện cho các nhân viên Gen Z (sinh từ năm 1997 đến 2012) thì Grace He sẽ mô tả nhóm của cô như nhân ở giữa – phần thiết yếu của chiếc bánh.
Là người thuộc Gen Y (sinh từ năm 1981 đến 1996), Grace He là giám đốc hành chính tại công ty quảng cáo có trụ sở ở Quảng Đông, Trung Quốc. Vai trò của cô là cần thiết trong môi trường làm việc hiện đại, giúp kết nối các nhân viên thuộc nhiều thế hệ với tư duy và cách tiếp cận công việc khác nhau.
“Khi làm việc với các đồng nghiệp thuộc thế hệ Gen Y, chúng tôi chỉ cần giải thích ngắn gọn cách thực hiện một nhiệm vụ. Nhưng đối với các đồng nghiệp Gen Z, chúng tôi cần thêm thời gian để giải thích cẩn thận ý nghĩa của nhiệm vụ, không chỉ cho công ty mà còn phải phù hợp với các giá trị của họ”, cô nói.
Khi ngày càng nhiều nhân viên Gen Z gia nhập lực lượng lao động, 85% nhà tuyển dụng Trung Quốc cho rằng sự hợp tác giữa các thế hệ tạo ra khó khăn nhất định trong công việc, theo một báo cáo khảo sát lương năm 2025 của công ty tư vấn tuyển dụng Robert Walters công bố hồi tháng 12/2024.
“So với các thế hệ trước, Gen Z ở Trung Quốc nhận được nhiều hỗ trợ tài chính hơn từ gia đình, được giáo dục tốt hơn và mang tính cá nhân cao hơn. Họ cũng có tiếng nói lớn hơn trong việc phân bổ tài sản gia đình so với các bạn đồng trang lứa ở các quốc gia khác”, báo cáo cho biết.
Theo khảo sát, những thách thức chính mà các tổ chức ở Trung Quốc gặp phải trong việc quản lý nhân viên Gen Z và hòa nhập họ vào đội ngũ gồm: Thu hẹp khoảng cách giao tiếp và kỳ vọng giữa các thế hệ (56%), đáp ứng mong muốn về cân bằng công việc – cuộc sống (49%), cung cấp phản hồi và hướng dẫn đầy đủ (48%).
Những thách thức này được dự báo trở thành các vấn đề quản lý quan trọng trong những năm tới.
Trên phạm vi toàn cầu, nhân viên Gen Z nhanh chóng trở thành lực lượng quan trọng tại nơi làm việc. Năm 2025, 75% lực lượng lao động toàn cầu dự kiến là người thuộc Gen Y và đến 2030, 1/3 lực lượng lao động toàn cầu dự kiến thuộc Gen Z.
“Khi làm việc với nhiều thế hệ, chúng tôi thường đối mặt với sự khác biệt về phong cách và giá trị công việc”, He cho biết và nói thêm rằng trong công ty cô, 80% nhân viên là Gen Y, khoảng 10% sinh vào những năm 1970 và phần còn lại sinh vào những năm 2000.
“Những nhân viên Gen X và Y thường hướng tới làm việc theo nhóm trong việc xử lý các mối quan hệ cá nhân và có xu hướng hy sinh cuộc sống cá nhân hoặc làm thêm giờ để phát triển sự nghiệp tương lai. Tinh thần tập thể độc đáo của Trung Quốc vẫn còn rất rõ nét ở các nhân viên thuộc các nhóm tuổi này”, cô nói.
Trong khi đó, các đồng nghiệp Gen Z lại có xu hướng ưu tiên nhu cầu cá nhân hơn tại nơi làm việc.
“Họ có xu hướng tập trung vào việc liệu một nhiệm vụ có phù hợp với các giá trị của họ hay không. Nếu không, họ thường từ chối hoặc thực hiện kém hiệu quả.
Chúng tôi không thể đơn giản ra lệnh cho họ thực hiện một nhiệm vụ. Thay vào đó phải tiếp cận từ góc độ của họ và giải thích giá trị của dự án, cả đối với cá nhân lẫn công ty. Chỉ khi đó, họ mới hiểu và tham gia”, cô cho biết.
Hầu hết Gen Z của Trung Quốc được sinh ra trong thời kỳ chính sách một con và trưởng thành trong giai đoạn phát triển kinh tế nhanh chóng, hưởng lợi từ mức sống cao hơn và các nguồn lực giáo dục tốt hơn.
Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp trong số sinh viên tốt nghiệp đại học gần đây cao hơn so với các năm trước. Do triển vọng kinh tế không chắc chắn, các thanh niên Gen Z có thể cảm thấy giá trị và ý nghĩa của công việc giảm đi. Điều này đang là mối lo ngại ngày càng tăng đối với nhiều công ty.
Đức Hoàng (theo SCMP)
Báo Lao động và Xã hội số 5
Nguồn: https://dansinh.dantri.com.vn/nhan-luc/trung-quoc-cong-ty-tim-cach-ket-noi-cac-the-he-nhan-vien-20250110112914967.htm