Đặc phái viên của Trung Quốc về biến đổi khí hậu Liu Zhenmin khẳng định, những đổi mới và năng lực sản xuất rộng lớn của nước này đã giúp thế giới tăng tốc áp dụng năng lượng xanh.
Đặc phái viên của Trung Quốc về biến đổi khí hậu Liu Zhenmin phát biểu tại Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới tổ chức tại Đại Liên, Liêu Ninh, Trung Quốc (WEF Đại Liên 2024) ngày 25/6. (Nguồn: The Straits Times) |
Ngày 25/6, tại Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới tổ chức ở Đại Liên, Trung Quốc (WEF Đại Liên 2024), ông Liu Zhenmin khẳng định, cuộc đàm phán về khí hậu ở Hội nghị COP29 của Liên hợp quốc tháng 11 tới tại Azerbaijan phải có một thỏa thuận toàn cầu mới về tài chính khí hậu, nếu không sẽ có nguy cơ cản trở quá trình chuyển đổi xanh.
Quan chức này nhấn mạnh, những đổi mới và năng lực sản xuất rộng lớn của Trung Quốc đã giúp thế giới tăng tốc áp dụng năng lượng xanh.
Trung Quốc, vừa là nước gây ô nhiễm khí nhà kính lớn nhất thế giới, vừa là nhà sản xuất và đầu tư lớn nhất toàn cầu về năng lượng tái tạo. Nước này coi năng lượng xanh là “chìa khóa” để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Ông Liu cho biết, tốc độ tăng trưởng nhanh chóng ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, với động lực từ khoản trợ cấp của nhà nước, đã giúp cắt giảm chi phí năng lượng xanh trên toàn cầu và việc đầu tư thêm sẽ khiến chi phí còn giảm hơn nữa.
Khẳng định Trung Quốc sẵn sàng hợp tác và giúp đỡ nhiều nước đang phát triển, Đặc phái viên này nhấn mạnh, trên toàn cầu, Bắc Kinh phải duy trì quy trình này cho cả hoạt động đổi mới và sản xuất. “Để thế giới đạt mục tiêu trung hòa carbon, chúng ta cần đầu tư hơn nữa nhằm giảm giá thành công nghệ sạch”, ông nói.
Cuộc thảo luận tại Hội nghị ngày 25/6 ở Đại Liên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và thương mại, cũng như những tác động ngày càng nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu, với năm 2023 là năm nóng nhất được ghi nhận.
Hơn bao giờ hết, các quốc gia cần hợp tác vì sự đổi mới nhằm hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp – lộ trình bảo vệ môi trường quan trọng theo Thỏa thuận Paris năm 2015.
Tài chính khí hậu là một trong những vấn đề gây chia rẽ nhất trong ba thập niên đàm phán về khí hậu của Liên hợp quốc. Các quốc gia nghèo, dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu nhưng ít chịu trách nhiệm nhất về lượng khí thải gây ra, cho rằng các nước giàu nên cung cấp kinh phí để giúp họ thích ứng với tác động và xanh hóa nền kinh tế, tránh phụ thuộc nhiên liệu hóa thạch.
Tuy nhiên, tác động của biến đổi khí hậu vẫn tiếp tục tăng và nhiều quốc gia nghèo đang ngập trong khó khăn. Họ bỏ lỡ nhiều nguồn đầu tư xanh trên toàn cầu vì thiếu tài chính hoặc chính sách hỗ trợ đầu tư. Trong khi đó, các nước giàu thường từ chối cam kết chi phí và muốn phân bổ gánh nặng tài chính sang các quốc gia khác.
Nguồn: https://baoquocte.vn/trung-quoc-coi-nang-luong-xanh-la-chia-khoa-de-dat-phat-thai-rong-bang-0-vao-nam-2050-276394.html