Cảng Hambantota của Sri Lanka được cho nhiều khả năng sẽ đặt quân cảng nước ngoài kế tiếp của Trung Quốc, sau khi Bắc Kinh đầu tư 2,19 tỉ USD tại đây, Hãng tin Bloomberg hôm 28.7 dẫn phân tích của Dự án AidData thuộc Đại học William & Mary ở bang Virginia (Mỹ).
Bên cạnh Sri Lanka, những địa điểm ở Guinea Xích Đạo, Pakistan và Cameroon cũng lần lượt nằm trong danh sách được Trung Quốc cân nhắc xây căn cứ trong vòng 2 đến 5 năm tới.
“Khoản đầu tư vào cảng biển lớn nhất từ trước đến nay của Trung Quốc chính là cảng Hambantota, và Bắc Kinh trực tiếp quản lý cơ sở hạ tầng này”, theo AidData đề cập trong báo cáo.
Những năm gần đây, Trung Quốc đã trở thành hải quân lớn nhất thế giới nếu tính theo số lượng tàu chiến. Các công ty xây dựng và công trình của nước này bận rộn hoàn thành các dự án cảng biển trên khắp thế giới.
Dữ liệu của AidData cho thấy chính quyền Bắc Kinh cung cấp các khoản cho vay và trợ cấp trị giá gần 30 tỉ USD trong giai đoạn 2000-2021 để xây dựng hoặc mở rộng 78 khu cảng ở 46 quốc gia.
Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc chỉ thiết lập một quân cảng nước ngoài ở quốc gia Đông Phi là Djibouti. AidData cho biết Trung Quốc chi 466 triệu USD cho Djibouti từ năm 2000 đến 2021.
Giới lãnh đạo Sri Lanka từng tuyên bố sẽ không cho phép cảng Hambantota chứa chấp lực lượng vũ trang của nước ngoài. Tuy nhiên, một tập đoàn Trung Quốc trên thực tế đã kiểm soát khu cảng dưới dạng hợp đồng từ năm 2017 sau khi Sri Lanka không thể hoàn trả khoản nợ vay dùng để xây cảng.
Cũng theo phân tích của AidData, thành phố cảng Bata thuộc Guinea Xích Đạo đứng thứ hai sau cảng Hambantota có thể trở thành quân cảng của Trung Quốc, sau khi Bắc Kinh chi 659 triệu USD xây cảng tại đây.