Ý tưởng Trung Quốc vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới được các nhà hoạch định chính sách và kinh tế bàn luận trong nhiều thập niên. Họ lập luận rằng, điều gì sẽ xảy ra khi Mỹ – một trong những nền kinh tế năng động và hiệu quả nhất – bị soán ngôi bởi một nền kinh tế có dân số đông gần nhất thế giới?
Theo chuyên gia, các vấn đề hiện tại mà Trung Quốc phải đối mặt không phải nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Ảnh minh họa. (Nguồn: East Asia Forum) |
Những dự đoán về thời điểm chính xác Trung Quốc sẽ soán ngôi Mỹ ngày càng dày đặc kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 – vốn cản trở sự tăng trưởng ở Washington và châu Âu trong nhiều năm.
Trước khi xảy ra cuộc Đại suy thoái năm 2009, Bắc Kinh đã chứng kiến mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm ở mức hai con số trong ít nhất 5 năm. Trong thập niên sau cuộc khủng hoảng, nền kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng từ 6% đến 9% mỗi năm. Điều đó đã dừng lại khi đại dịch Covid-19 xuất hiện.
Đại dịch dẫn đến các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, tăng trưởng kinh tế giảm mạnh và cường quốc châu Á này còn phải đối mặt với khó khăn đến từ lĩnh vực bất động sản.
Vào thời kỳ đỉnh cao, thị trường bất động sản đóng góp tới gần 1/3 vào GDP nền kinh tế Trung Quốc. Sau năm 2020, nhiều công ty phá sản và khoảng 20 triệu ngôi nhà chưa hoàn thiện hoặc bị trì hoãn không bán được.
Đồng thời, quan hệ thương mại suy giảm với phương Tây cũng làm yếu tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Từng khuyến khích sự trỗi dậy của Trung Quốc trong nhiều thập niên vào cuối những năm 2010, gần đây Mỹ đã chuyển sang hướng kiềm chế các tham vọng kinh tế và quân sự của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Kinh tế Trung Quốc đã đạt đỉnh?
Theo DW, sự thay đổi về “vận mệnh” nền kinh tế Trung Quốc rõ ràng đến mức một thuật ngữ mới đã xuất hiện khoảng một năm trước: “Đỉnh cao của Trung Quốc”.
Lý thuyết cho rằng, nền kinh tế Trung Quốc hiện đang phải gánh chịu nhiều vấn đề về cơ cấu, chẳng hạn như gánh nặng nợ nần chồng chất, năng suất chậm lại, mức tiêu thụ thấp và dân số già đi.
Những điểm yếu đó, cùng với những căng thẳng địa chính trị và hạn chế thương mại của phương Tây, làm dấy lên suy đoán rằng, ưu thế kinh tế sắp xảy ra của Bắc Kinh có thể bị trì hoãn hoặc không bao giờ xảy ra.
Tuy vậy, theo ông Wang Wen, Viện Nghiên cứu Tài chính Chongyang của Đại học Nhân dân Trung Quốc, khái niệm “đỉnh cao của Trung Quốc” là một “huyền thoại”, đồng thời cho biết, tổng sản lượng kinh tế của Trung Quốc đạt gần 80% sản lượng của Mỹ vào năm 2021.
Ông Wang Wen nhận định, miễn là Bắc Kinh duy trì được “sự ổn định bên trong và hòa bình bên ngoài”, nền kinh tế sẽ sớm vượt qua Washington.
Vị chuyên gia nhấn mạnh: “Hàng triệu người dân nông thôn Trung Quốc đã chuyển đến khu vực thành thị, nơi thu nhập và chất lượng cuộc sống được cho là cao hơn nhiều. Tỷ lệ đô thị hóa của Trung Quốc chỉ là 65%. Nếu tính ở mức 80% trong tương lai, điều đó có nghĩa là 200 đến 300 triệu người khác sẽ vào khu vực thành thị, tạo sự gia tăng lớn trong nền kinh tế thực”.
Đối mặt với lệnh hạn chế xuất khẩu của Mỹ, Trung Quốc tăng cường sản xuất chip riêng. (Nguồn: DW) |
Tăng trưởng năng suất đã “biến mất”
Đánh giá về tình hình kinh tế Trung Quốc trong những năm qua, bà Loren Brandt, giáo sư kinh tế tại Đại học Toronto (Canada) nói rằng: “Nền kinh tế tăng trưởng quá nhanh vào đầu những năm 2000 nhờ năng suất cao”.
Bà cho biết thêm, năng suất đóng góp tới khoảng 70% GDP trong ba thập niên cải cách đầu tiên của Trung Quốc, bắt đầu vào năm 1978.
“Sau cuộc khủng hoảng tài chính cho tới hiện tại, tăng trưởng có thể chỉ bằng 1/4 so với trước năm 2008”, bà Loren Brandt nói. Theo bà, đất nước này đang phải đối mặt với nhiều trở ngại kinh tế ngắn hạn.
Đơn cử như, tổng nợ của Trung Quốc đã lên tới hơn 300% GDP – một phần lớn thuộc sở hữu của chính quyền địa phương. Đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giảm 12 tháng liên tiếp ( riêng 5 tháng đầu năm 2024 giảm 28,2%).
“Miễn là Trung Quốc duy trì được sự ổn định bên trong và hòa bình bên ngoài, nền kinh tế sẽ sớm vượt qua Mỹ”. Ông Wang Wen – Viện Nghiên cứu tài chính Chongyang của Đại học Nhân dân Trung Quốc. |
Bất chấp những khoản đầu tư khổng lồ để tăng cường sản xuất công nghệ mới, một số đối tác thương mại của Bắc Kinh đang hạn chế hàng nhập khẩu của Trung Quốc.
Bà Brandt cho hay: “Đây là nền kinh tế đã đầu tư rất lớn vào nghiên cứu và phát triển, con người và cơ sở hạ tầng hạng nhất. Nhưng những vấn đề này không được tận dụng theo cách giúp duy trì tăng trưởng trong nền kinh tế”.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng tiến tới tập trung hóa nền kinh tế nhiều hơn thông qua quyền sở hữu nhà nước đối với các ngành công nghiệp. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đánh giá, làn sóng tăng trưởng tiếp theo sẽ được xây dựng dựa trên tiêu dùng nội địa, cho phép nước này ít phụ thuộc hơn vào xuất khẩu nước ngoài.
Tuy nhiên, nhiều chương trình xã hội đã không theo kịp “phép màu kinh tế” của Trung Quốc. Những người tiêu dùng không còn có thể dựa vào dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục chi phí thấp và hơn cả lương hưu cơ bản của nhà nước, sẽ cảnh giác khi chi tiêu nhiều hơn số tiền tiết kiệm của mình.
Bà Brandt cho biết, tài sản hộ gia đình tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã giảm tới 30% do sự sụp đổ của lĩnh vực bất động sản.
Khó khăn hiện tại không phải vấn đề quan trọng nhất
Điều lo ngại lớn nhất là tất cả những yếu tố này có thể khiến nền kinh tế Trung Quốc đi theo con đường của Nhật Bản hay không? Sau Thế chiến II, Nhật Bản đã trải qua một kỳ tích kinh tế, được đánh dấu bằng nhiều thập niên tăng trưởng cao, gây ra bong bóng thị trường chứng khoán và bất động sản khổng lồ.
Vào thời kỳ đỉnh cao, Nhật Bản được một số nhà kinh tế dự đoán sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Sau đó, vào năm 1992, bong bóng vỡ, vận may bị mất và nền kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái. Kể từ đó, Nhật Bản đã không thể bù đắp được mức tăng trưởng đã mất trong nhiều thập niên.
Trong khi đó, ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, các nhà kinh tế chỉ ra, GDP công nghiệp của Trung Quốc đã gấp đôi GDP của Mỹ. Tốc độ tăng trưởng GDP năm ngoái ở mức 5,2% – cao hơn gấp đôi tốc độ tăng trưởng của Washington.
Nền kinh tế của quốc gia châu Á đã vượt qua Mỹ vào năm 2016 nếu tính theo sức mua tương đương (PPP).
Trong 45 năm qua, sự phát triển của Trung Quốc đã phải đối mặt với nhiều vấn đề kinh tế. Tuy vậy, chuyên gia Wang Wen chỉ rõ, so với cuộc suy thoái cách đây 30 năm, khoản nợ cao cách đây 20 năm và cuộc khủng hoảng nhà ở cách đây 10 năm, vấn đề hiện tại không phải là nghiêm trọng nhất!
Nguồn: https://baoquocte.vn/trung-quoc-co-du-manh-de-soan-ngoi-my-278253.html