Trung Quốc là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, dẫn đến nhu cầu năng lượng tăng cao để phục vụ cho sản xuất công nghiệp và tiêu dùng. Trung Quốc đã trở thành quốc gia có công suất lắp đặt điện hạt nhân lớn nhất thế giới trong những năm gần đây, và điều này phản ánh nhiều yếu tố khác nhau trong chính sách năng lượng, kinh tế và môi trường của quốc gia này.
Lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Phúc Thanh, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Theo phóng viên tại Trung Quốc, cơ cấu năng lượng của Trung Quốc tiếp tục được tối ưu hóa, quá trình chuyển đổi xanh và ít carbon đã đạt được những tiến bộ tích cực, đồng thời bước vào con đường chuyển đổi năng lượng phù hợp với điều kiện quốc gia, thích ứng với xu hướng phát triển toàn cầu, phù hợp với yêu cầu của thời đại.
Ông Bạch Vân Sinh, thành viên Ủy ban Cố vấn Chiến lược của Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc, cho biết trong quá trình chuyển đổi năng lượng carbon thấp, năng lượng hạt nhân hiện là một lựa chọn thực tế có thể đạt được sự phát triển quy mô lớn và hỗ trợ chuyển đổi carbon thấp với chi phí thấp. Thế giới không thể đạt được trạng thái trung hòa carbon nếu không có sự đóng góp của năng lượng hạt nhân.
Theo số liệu thống kê, năm 2023, sản lượng điện hạt nhân toàn cầu đạt 2.700 tỷ kWh, chiếm khoảng 9% tổng sản lượng điện của thế giới, chiếm 23% sản lượng điện phát thải carbon thấp của thế giới. Từ năm 1971-2023, việc sản xuất điện hạt nhân toàn cầu đã góp phần giảm khoảng 70 tỷ tấn khí thải carbon dioxide.
Tại Trung Quốc, năm 2023, sản lượng điện năng lượng sạch của nước này đạt khoảng 3.100 tỷ kWh, trong đó điện hạt nhân đạt 430 tỷ kWh, chiếm hơn 13%. Ngoài ra, tại các khu vực trung tâm phụ tải điện như Quảng Đông, Chiết Giang, Phúc Kiến…, tỷ lệ sản xuất điện hạt nhân đã đạt gần hoặc vượt 20%, phát huy hiệu quả vai trò của điện hạt nhân trong việc đảm bảo cung cấp điện, hỗ trợ lưới điện và giảm lượng khí thải carbon.
Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số tổ máy điện hạt nhân đã đưa vào vận hành và đang xây dựng trên toàn quốc đạt 102 tổ. Trong đó, công suất của các tổ máy đã đưa vào vận hành đạt 58,08 triệu kW; công suất của các tổ máy đang xây dựng đạt 55,05 triệu kW, vươn lên đứng đầu thế giới về số tổ máy đã đưa vào vận hành và số tổ máy đang lắp đặt.
Việc xây dựng các tổ máy điện hạt nhân của Trung Quốc đang tiến triển ổn định. Năm 2023, nước này đã phê chuẩn 5 dự án điện hạt nhân mới và khởi công xây dựng 5 tổ máy điện hạt nhân mới. Những năm qua, sản lượng điện hạt nhân của nước này liên tục tăng và đạt hơn 433 tỷ kilowatt giờ vào năm 2023, đứng thứ hai thế giới. Con số này tương đương với giảm tiêu hao hơn 130 triệu tấn than tiêu chuẩn.
Từ những dữ liệu và thông tin trên cho thấy, Trung Quốc đang đạt được bước phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực điện hạt nhân, không chỉ đứng đầu thế giới về công suất lắp đặt, mà còn đóng vai trò quan trọng trong đổi mới công nghệ và cung cấp năng lượng sạch.
Các dự án điện hạt nhân với quyền sở hữu trí tuệ hoàn toàn độc lập của Trung Quốc, điển hình là các lò phản ứng làm mát bằng khí ở nhiệt độ cao “Hoa Long 1” và “Quốc Hòa 1” đã trở thành một bước tiến nhảy vọt trong việc thúc đẩy nâng cấp công nghệ năng lượng hạt nhân, giúp chiến lược công nghệ cao của nước này đạt được những bước đột phá hàng đầu; là một lực lượng quan trọng giúp nước này từ một nước lớn về năng lượng hạt nhân trở thành cường quốc về năng lượng hạt nhân.
Trung Quốc đã cam kết giảm phát thải khí nhà kính và hướng tới phát triển bền vững. Điện hạt nhân là một phần quan trọng trong chiến lược này vì nó giúp giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Chính phủ Trung Quốc đã đặt ra các mục tiêu cụ thể cho phát triển điện hạt nhân, bao gồm xây dựng nhiều nhà máy mới và nâng cao công suất của các nhà máy hiện có.