Việc Trung Quốc cấm nhập khẩu hải sản có nguồn gốc từ Nhật Bản có thể dẫn đến tình trạng dư thừa hàng hóa trong nước và đẩy giá bán buôn giảm sâu.
Trung Quốc công bố cấm nhập khẩu tất cả các sản phẩm thủy sản từ Nhật Bản sau khi nước này xả nước từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển, ngày 24/8. (Nguồn: Kyodo) |
Theo hãng tin Yonhap ngày 26/8, thị trường thủy sản của Nhật Bản đang bị ảnh hưởng mạnh từ việc Trung Quốc công bố biện pháp cấm nhập khẩu tất cả các sản phẩm thủy sản của Nhật Bản sau khi Chính phủ Nhật Bản bắt đầu xả nước bị ô nhiễm từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển hôm 24/8.
Không chỉ Trung Quốc đại lục, Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) cũng tăng số tỉnh. thành phố trực thuộc trung ương ở Nhật Bản bị cấm nhập khẩu thủy sản từ 5 lên 10.
Trước các quyết định trên, ngành thủy sản của đất nước Mặt trời mọc đang bị ảnh hưởng nặng nề.
Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc ban hành lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm của Nhật Bản. Cách đây hơn 10 năm, Trung Quốc đã thông báo áp dụng các biện pháp cấm nhập khẩu thực phẩm, bao gồm cả hải sản từ 10 địa phương của Nhật Bản từ sau vụ rò rỉ phóng xả của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1.
Vào đầu tháng 7/2023, Bắc Kinh một lần nữa ra lệnh tiến hành kiểm tra toàn diện chất phóng xạ đối với hải sản nhập khẩu từ Nhật Bản.
Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) là thị trường xuất khẩu số 1 và số 2 của thủy sản Nhật Bản. Theo Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Nhật Bản sang Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) năm 2022 lần lượt là 87,1 tỷ Yen (khoảng 594 triệu USD) và 75,5 tỷ Yen.
Zenshow Holdings, một công ty sushi băng chuyền của Nhật Bản, cho biết sẽ ngừng bán sò điệp và trứng cá hồi vì các cửa hàng tại Trung Quốc của họ không thể mua được hải sản Nhật Bản.
Theo công ty thông tin tín dụng Deikoku Databank, có khoảng 700 công ty thực phẩm Nhật Bản xuất khẩu sang Trung Quốc, trong đó có 164 công ty liên quan đến thủy sản.
Tokyo đang yêu cầu Bắc Kinh dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thủy sản, đồng thời xem xét hỗ trợ ngư dân.
Phát biểu trước báo giới ngày 24/8, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yasutoshi Nishimura cho biết, chính phủ nước này sẽ phản ứng một cách linh hoạt, trong đó có việc sử dụng quỹ hỗ trợ để giảm thiểu tác động tiêu cực đến sinh kế của ngư dân khi hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn.
Quỹ hỗ trợ có trị giá 30 tỷ Yen (hơn 200 triệu USD) được thành lập trong gói ngân sách bổ sung của năm tài khóa 2021, nhằm gỡ vướng cho các doanh nghiệp kinh doanh hải sản bị ảnh hưởng bởi kế hoạch xả thải.
Theo số liệu thống kê của Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng nông, lâm, thủy hải sản của nước này sang Trung Quốc, Hong Kong và Ma Cao (Trung Quốc) chiếm khoảng 40% và nếu tính cả Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) thì con số này lên tới 50%. Vì vậy, với việc các thị trường trên siết chặt nhập khẩu hải sản có nguồn gốc từ Nhật Bản, có thể dẫn đến tình trạng dư thừa hàng hóa trong nước và đẩy giá bán buôn giảm sâu.
Đại diện ngư dân Nhật Bản đang kêu gọi chính phủ nước này hỗ trợ tìm kiếm các thị trường nước ngoài khác thay thế các thị trường vốn có đang gặp khó khăn.