Theo AppleInsider, động thái này là một sự leo thang của chính phủ Trung Quốc sau khi thực hiện một số hạn chế đối với việc sử dụng iPhone tại các cơ quan chính phủ trong thập kỷ qua.
Đáng chú ý, hầu hết iPhone trên thế giới đều được lắp ráp tại Trung Quốc và một tỷ lệ lớn các bộ phận của nó cũng được sản xuất tại đây. Vì vậy, không rõ lý do tại sao Trung Quốc coi thiết bị này là mối đe dọa an ninh, ngoài việc nó được thiết kế bởi một công ty không phải của Trung Quốc.
Nhìn chung, động thái này tương tự lệnh cấm của chính phủ Mỹ đối với công nghệ Huawei tại Mỹ. Nó diễn ra vào thời điểm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các quan chức chính phủ và doanh nghiệp nhà nước thay thế công nghệ nước ngoài bằng các sản phẩm mà họ cho là “an toàn hơn”.
Vào năm 2020, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết trong một cuộc họp báo rằng người Trung Quốc sẽ không có lý do gì để giữ iPhone hoặc các sản phẩm của Apple nếu lệnh cấm WeChat xảy ra. Ông nêu quan ngại rằng các chính trị gia Mỹ có quá nhiều quyền lực để đàn áp các doanh nghiệp không phải từ Mỹ.
WeChat đã bị Mỹ cấm trong một thời gian từ tháng 1.2021 trước khi lệnh cấm được thu hồi vào tháng 6.2021 và được thay thế bằng một sáng kiến của Bộ Thương mại Mỹ nhằm đánh giá các ứng dụng có thể kết nối với đối thủ nước ngoài.
Được biết, khoảng 19% doanh thu iPhone đến từ Trung Quốc và iPhone cũng là sản phẩm dẫn đầu trong phân khúc cao cấp. Tuy nhiên, lệnh cấm có thể không tác động quá mức bởi chi tiêu chính phủ cho iPhone chỉ là một phần nhỏ trong con số 19% đó, trong khi gần như tất cả iPhone được bán ở đây đều dành cho người dân.