Tờ The Guardian đưa tin Trung Quốc bắt đầu khoan một hố sâu nhất tại nước này vào ngày 6.6 nhằm nghiên cứu khu vực vỏ trái đất sâu bên dưới bề mặt.
Dự án được triển khai tại khu vực lòng chảo Tarim ở phía tây bắc vùng Tân Cương. Với kế hoạch khoan sâu 11.100 m, cái hố sẽ đi qua hơn 10 địa tầng và đến hệ Creta của lớp vỏ trái đất, gồm một loạt đá phân tầng có niên đại 145 triệu năm.
Dự kiến dự án sẽ hoàn thành trong 457 ngày và được các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc ca ngợi là “một bước ngoặt trong hoạt động thăm dò sâu trong lòng đất” của nước này.
Giếng thăm dò sâu sẽ cho phép các nhà khoa học nghiên cứu cấu trúc bên trong và sự tiến hóa của trái đất, đồng thời cung cấp dữ liệu cho nghiên cứu khoa học địa chất, theo thông cáo của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc dẫn đầu dự án.
Theo chuyên gia kỹ thuật Vương Xuân Sanh tham gia dự án, đây là một nỗ lực táo bạo nhằm tìm hiểu khu vực chưa biết của trái đất và mở rộng giới hạn hiểu biết của nhân loại.
Tuy nhiên, đây không phải là công việc dễ dàng. Giàn khoan nặng hơn 2.000 tấn được thiết kế với bộ phận chịu được nhiệt độ lên đến 200 độ C và áp suất khí quyển cao hơn 1.300 lần so với ở mặt đất.
Ngoài ra, khí hậu khô và nóng ở lòng chảo Tarim cũng là thách thức. Dự án nằm trong những nỗ lực nhằm khám phá những giới hạn mới trong không gian và dưới lòng đất.
Vào năm 2021, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chỉ đạo các nhà khoa học hàng đầu phải phá vỡ những giới hạn trong nhiều lĩnh vực, trong đó có việc khám phá lòng đất. Nhà lãnh đạo còn nhấn mạnh nhu cầu đẩy mạnh nguồn cung năng lượng, thúc đẩy các công ty năng lượng lớn tìm kiếm tài nguyên thiên nhiên.
Vùng Tân Cương nổi tiếng giàu dầu và khoáng sản. Tháng trước, Tập đoàn Sinopec tìm thấy mỏ dầu khí lớn tại một giếng thăm dò ở độ sâu 8.500 m tại lòng chảo Tarim.
Lỗ khoan vào lòng đất sâu nhất hiện nay là lỗ khoan Kola Superdeep ở vùng tây bắc Nga, với độ sâu 12.262 m.