Trung Quốc ngày 19.4 tuyên bố sẽ áp dụng lệnh trừng phạt chống bán phá giá hơn 40% đối với một loại hóa chất nhập từ Mỹ, được sử dụng trong thực phẩm, thuốc trừ sâu, dược phẩm và dược phẩm trung gian. Đây được xem là một động thái “trả đũa đối ứng” của Trung Quốc đối với các hành động gần đây của Mỹ, theo tờ South China Morning Post ngày 19.4.
Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, từ ngày 20.4, các thương nhân phải nộp tiền thuế tương ứng cho hải quan Trung Quốc khi nhập khẩu axit propionic của Mỹ, tức nộp khoảng 43,5% chi phí bổ sung.
Sau khi mở cuộc điều tra về hóa chất này vào tháng 7.2023, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết hàng nhập khẩu từ Mỹ đã gây tổn hại cho ngành sản xuất nội địa. Cuộc điều tra cho thấy tổng nhập khẩu axit propionic từ Mỹ vẫn ở mức tương đối cao từ năm 2019 đến đầu năm 2023, chiếm thị phần từ 13% – 16% trong 3 tháng đầu năm 2023.
“Trong thời gian điều tra, nhu cầu về axit propionic trên thị trường nội địa nhìn chung có xu hướng ngày càng tăng. Thị trường thuận lợi lẽ ra có lợi cho giá cả ổn định hoặc tăng cao. Tuy nhiên, giá các sản phẩm trong nước và nhập khẩu có xu hướng giảm mạnh”, theo Bộ Thương mại Trung Quốc.
Giá nhập khẩu axit propionic từ Mỹ luôn thấp hơn so với các sản phẩm tương tự do các công ty nội địa sản xuất, theo Bộ Thương mại Trung Quốc.
Thông báo này được đưa ra sau khi Tổng thống Joe Biden đã chỉ đạo Cơ quan Đại diện thương mại Mỹ (USTR) cân nhắc áp thuế gấp 3 so với mức thuế hiện tại là 7,5% đối với một số sản phẩm thép và nhôm theo Mục 301. Bên cạnh đó, Mỹ tuyên bố mở cuộc điều tra đối với các ngành hàng hải, hậu cần và đóng tàu của Trung Quốc với cáo buộc Bắc Kinh sử dụng “các chính sách không công bằng, phi thị trường và thực tiễn” để thống trị lĩnh vực này. Cả hai thông báo trên đều được đưa ra vào hôm 17.4.
Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 18.4 cho biết họ “không hài lòng” và “kiên quyết phản đối” cuộc điều tra của USTR, đồng thời nhấn mạnh rằng mức thuế đề xuất đối với các sản phẩm kim loại của Trung Quốc là “chủ nghĩa đơn phương và các hành vi bảo hộ điển hình”.
Căng thẳng thương mại vẫn dâng cao giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, bất chấp các cuộc họp và tương tác gần đây của quan chức cấp cao Mỹ và Trung Quốc.
Nghị sĩ Mỹ tức giận vì máy tính Huawei có chip AI mới của Intel
Ông Stephen Olson, chuyên gia tại Viện Thương mại Quốc tế Yeutter của Đại học Nebraska Lincoln (Mỹ), cho biết: “Trong khi Mỹ – Trung tiếp tục có những hành động cứng rắn chống lại nhau, họ cũng cần gửi tín hiệu rằng mối quan hệ đang được ổn định”.
“Trung Quốc cần làm điều này để trấn an cộng đồng doanh nghiệp Mỹ và quốc tế rằng Trung Quốc vẫn là nơi hấp dẫn để đầu tư. Còn Tổng thống Mỹ Joe Biden cần chứng minh cho cử tri thấy rằng ông có thể quản lý mối quan hệ với Trung Quốc một cách có trách nhiệm, trái ngược với sự hỗn loạn của chính quyền Donald Trump trước đây”, ông Stephen Olson nói thêm.
IMF cảnh báo xung đột thương mại
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong một bài đăng hôm 16.4 nhấn mạnh rằng: sự phân mảnh kinh tế leo thang và sự gia tăng các hạn chế thương mại là những xu hướng có thể gây tổn hại đến triển vọng trung hạn của nền kinh tế toàn cầu.
IMF cho biết nhu cầu nội địa suy yếu ở Trung Quốc có thể dẫn đến thặng dư bên ngoài ngày càng tăng, tăng nguy cơ xảy ra xung đột thương mại trong môi trường địa chính trị vốn đã đầy bất ổn.
“Nhiều nền kinh tế thị trường mới nổi khác đang phát triển mạnh mẽ, nhờ hưởng lợi từ việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu và căng thẳng thương mại gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ. Ảnh hưởng của các quốc gia này đối với nền kinh tế toàn cầu đang ngày càng tăng”, theo IMF.