“Nhiều quốc gia sẵn sàng mua dầu, các sản phẩm từ dầu của Nga như các nước ở Mỹ Latinh, các nước châu Phi và các nước khác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương”, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với kênh Rossiya-24.
Theo ông Alexander Novak, năm 2023, Nga vận chuyển 1,5 triệu tấn dầu qua tuyến đường biển Phương Bắc (Northern Sea Route). Đây là tuyến vận chuyển mang lại nguồn thu lớn, ngắn hơn khoảng hai lần so với các tuyến truyền thống qua biển Địa Trung Hải, Ấn Độ Dương,…”
Quan chức này cho biết, trong tình hình hiện tại, đối tác hàng đầu của Nga là Trung Quốc và Ấn Độ. “Trước đây, chúng tôi gần như không bán dầu sang Ấn Độ, nhưng sau 2 năm, nguồn cung sang nước này đã tương đương 40%”, ông Alexander Novak cho hay.
Ngược lại, thị phần của châu Âu từ 40-45% trước chiến sự hiện chỉ còn khoảng 4-5%. Một năm qua, Nga tích cực chuyển hướng bán năng lượng từ phương Tây sang châu Á, tận dụng tối đa đội tàu cũ để vận chuyển dầu thô.
Ông Aleksey Miller, Giám đốc điều hành Gazprom cho biết, xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Nga sang Trung Quốc dự kiến tăng tới 50% vào năm 2023 so với cùng kỳ năm ngoái.
Gazprom đã lập kỷ lục mới vào tuần trước về lượng cung cấp khí đốt hàng ngày cho Trung Quốc thông qua đường ống lớn sức mạnh Siberia. Ông Aleksey Miller cũng cho biết, nguồn cung cấp khí đốt cho đối tác thương mại hàng đầu của Nga sẽ tiếp tục tăng trưởng và được dự báo sẽ đạt 38 tỷ m3 vào năm 2025.
Gazprom cung cấp khí đốt tự nhiên cho Trung Quốc theo hợp đồng dài hạn được ký kết với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC). Xuất khẩu khí đốt của Nga sang Trung Quốc dự kiến sẽ tăng lên 100 tỷ m3 mỗi năm.
Năm 2022, Trung Quốc tăng mua dầu của Nga thêm 8,2% lên 86,2 triệu tấn. Giá dầu thô nhập khẩu từ Nga tăng khoảng 43,9%, lên tới 58,37 tỷ USD.
Trung Quốc mua thêm dầu của Nga sau khi nhiều nước phương Tây dần tách khỏi nguồn dầu này vì các lệnh trừng phạt liên quan đến Ukraine. Sau lệnh cấm vận của G7 và việc áp trần giá dầu của Nga năm ngoái, Moskva cũng tích cực chuyển hướng dòng dầu của mình sang châu Á.
Kông Anh(Nguồn: TASS)