SCMP dẫn nguồn tin riêng cho biết, tên lửa siêu thanh tiên tiến DF-27 có thể đã được quân đội Trung Quốc đưa vào trang bị chính thức.
Cũng theo nguồn tin của Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), quân đội Trung Quốc muốn giữ bí mật về hoạt động cũng như trạng thái sẵn sàng chiến đấu của của DF-27. Điều này xuất phát từ việc tên lửa này có khả năng tấn công hầu hết các căn cứ quân sự Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương.
Theo nguồn tin của SCMP, tên lửa DF-27 đã được đưa vào trang bị từ trước năm 2019, tuy nhiên thông tin về loại tên lửa này trước đó được giữ kín. Đến năm 2019, Trung Quốc lần đầu tiên giới thiệu DF-17 -thế hệ trước đó của DF-27.
“DF-27 đã được biên chế trong lực lượng tên lửa chiến lược Trung Quốc từ trước năm 2019, nhưng quân đội Trung Quốc không muốn tiết lộ ‘con át chủ bài’ sớm như vậy”, nguồn tin giấu tên của SCMP nói.
Trong một báo cáo được Lầu Năm Góc đưa ra trước đó, tên lửa siêu thanh DF-27 có khả năng tấn công các mục tiêu quân sự ở Hawaii và nó hoàn toàn có thể xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ trong khu vực.
Cho đến nay, quân đội Trung Quốc gần như không công bố bất cứ thông tin nào về DF-27.
SCMP dẫn lại một bài viết trên mạng xã hội Trung Quốc cho thấy, DF-27 có thể đã tham gia vào cuộc tập trận xung quanh đảo Đài Loan vào tháng 8 năm ngoái.
Nguồn tin của SCMP nói thêm DF-27 được thiết kế có thể mang theo nhiều loại đầu đạn đồng thời cho phép triển khai tấn công cùng lúc nhiều mục tiêu. Nói cách khác DF-27 là một phương tiện lượn siêu thanh mang theo một hoặc nhiều đầu đạn.
Nguồn tin này cho biết, DF-27 có những tính năng kỹ chiến thuật giống với DF-17 như tầm bắn hơn 1.500 km và có thể di chuyển với tốc độ Mach 5 (hơn 6.100 km/h). Để so sánh DF-21D – tên lửa đạn đạo chống tàu sân bay của Trung Quốc có tầm bắn lên đến 1.800 km.
Lầu Năm Góc lần đầu tiên đề cập đến DF-27 trong báo cáo thường niên năm 2021, cho biết nó có tầm bắn từ 5.000 đến 8.000 km – đủ để tấn công Hawaii từ bờ biển Trung Quốc.
Tên lửa này cũng xuất hiện trong một loạt tài liệu tình báo của Mỹ bị rò rỉ vào đầu năm 2023. Các tài liệu cho biết quân đội Trung Quốc đã thực hiện một cuộc thử nghiệm thành công DF-27 vào ngày 25/2/2023. Báo cáo này cũng kết luận rằng DF-27 có khả năng tấn công chính xác cao và có thể vô hiệu hóa hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Nguồn tin của SCMP cũng xác nhận thông tin trong báo cáo của Lầu Năm Góc nhưng cho biết thêm rằng Trung Quốc vẫn đang thực hiện các cuộc thử nghiệm với DF-27. Việc vận hành một hệ thống tên lửa siêu thanh khá phức tạp.
“Với hành trình siêu thanh và tầm bắn xa hơn (so với DF-17 và DF-26), việc thử nghiệm DF-27 phải đảm bảo quỹ đạo của nó ổn định hơn, nếu không khả năng tấn công chính xác của nó sẽ bị ảnh hưởng”.
Theo chuyên gia quân sự Trung Quốc Song Zhongping cho biết, DF-27 là phiên bản nâng cấp của DF-17, trong khi DF-26 là phiên bản nâng cấp của DF-21D.
DF-26 được mệnh danh là “sát thủ đảo Guam”, bởi tầm bắn khoảng 3.500km đủ vươn tới lãnh thổ Mỹ. Tuy nhiên, quân đội Trung Quốc muốn có một tên lửa tầm xa hơn vì họ không muốn bố trí tất cả các tên lửa đạn đạo tiên tiến nhất của mình ở các khu vực ven biển, theo nguồn tin của SCMP.
DF-27 là một phần trong chiến lược răn đe của Trung Quốc nhằm tăng cường trong chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD), nhưng sẽ không nhằm vào vùng lãnh thổ sâu bên trong nước Mỹ mà nó có thể tiếp cận các vùng lân cận như Hawaii hoặc Alaska.
Mỹ đã biết về kế hoạch phát triển DF-27 của Trung Quốc trong vài năm và đã phản ứng bằng cách tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa ở đảo Guam với các Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), theo chuyên gia quân sự Đài Loan Lu Li-shih.
“Mỹ đã triển khai các hệ thống phòng không Patriot tới đảo Guam, nhưng những hệ thống này không có khả năng phát hiện và đánh chặn tên lửa siêu thanh do khả năng hạn chế độ cao đánh chặn”, ông Lu Li-shih nhận định.
“Tuy nhiên hệ thống THAAD có thể đánh chặn các mục tiêu như DF-26 và thậm chí cả DF-27 khi tên lửa đang bay ở giữa hoặc bên ngoài bầu khí quyển”, chuyên gia này nói thêm.
Vào tháng 3, Lầu Năm Góc tuyên bố sẽ đầu tư 1,5 tỷ USD vào việc tăng cường khả năng phòng không của đảo Guam trong năm tài chính 2024.
Ngoài hệ thống THAAD, đảo Guam còn được bảo vệ bởi hệ thống phòng không Aegis trên các tàu khu trục. Trong khi đó, quân đội Mỹ đang lên kế hoạch triển khai thêm các hệ thống cảnh giới và tên lửa phòng không tầm thấp bổ sung các vị trí còn trống mà Patriot không thể bao phủ hết.
Nguồn:https://vtc.vn/trung-quoc-am-tham-trang-bi-ten-lua-sieu-thanh-the-he-moi-ar784344.html