Thông tin được các chuyên gia cho biết tại hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về tác hại của đồ uống có đường với sức khỏe, và vai trò của chính sách thuế trong kiểm soát tiêu dùng, sáng 5/4.
TS Angela Pratt, Trưởng đại điện Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, tăng tiêu thụ đồ uống có đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường túyp 2, sâu răng, thừa cân béo phì. Tình trạng thừa cân béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ và các bệnh khác bao gồm ung thư.
WHO khuyến cáo, việc tiêu thụ đường tự do – bất kỳ loại đường nào được thêm vào thực phẩm hoặc đồ uống – nên được giới hạn ở mức dưới 10% tổng năng lượng, lý tưởng là dưới 5%. Vì vậy, đó là khoảng 25 gram mỗi ngày cho một người trưởng thành trung bình.
Tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng đồ uống có đường tăng nhanh trong 10 năm qua. Ước tính, trung bình một người Việt tiêu thụ 1 lít đồ uống có đường mỗi tuần.
“Chúng ta thấy tỷ lệ thừa cân và béo phì tăng nhanh, đặc biệt là ở người trẻ tuổi. Ở thành phố, cứ 4 thanh thiếu niên trong độ tuổi 15-19 thì hơn một người bị thừa cân hoặc béo phì. Chúng ta cần hành động kịp thời quyết đoán để đảo ngược xu hướng tiêu cực này”, TS Angela Pratt nói.
WHO cũng khuyến nghị đưa ra các biện pháp gồm ghi nhãn dinh dưỡng ở mặt trước đồ uống, hạn chế quảng cáo, hạn chế đồ uống có đường trong trường học và giáo dục về dinh dưỡng lành mạnh cho trẻ em và thanh thiếu niên.
PGS.TS.BS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế) cho biết, béo phì trở thành vấn nạn trên thế giới. Tỷ lệ thừa cân, béo phì đặc biệt ở trẻ em tăng nhanh, cứ 5 trẻ có 1 trẻ bị thừa cân béo phì.
Tại Việt Nam, các thành phố lớn Hà Nội, TP.HCM tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ có thể lên tới 40%, người trưởng thành là 20%, có địa phương lên tới gần 30%.
Sử dụng đồ uống có đường không hợp lý là nguyên nhân gây ra thừa cân, béo phì. Việc tăng hoặc giảm tiêu thụ đường tự do (bất kể lượng đường là bao nhiêu) liên quan thuận chiều với thay đổi cân nặng.
Theo PGS Mai, để hạn chế tiêu thụ đường, chúng ta cần có ý thức hạn chế cho thêm đường, sử dụng các sản phẩm ít đường hoặc không đường để đảm bảo cơ thể có sự cân đối lành mạnh giữa các dinh dưỡng. Lượng đường tự do tiêu thụ một ngày không nên quá 25gr, đồng thời chúng ta nên có thói quen đọc nhãn sản phẩm để lượng đường ăn vào là bao nhiêu. Trẻ em dưới 2 tuổi không nên tiêu thụ bất kỳ loại thực phẩm hoặc đồ uống nào có thêm đường.