Khi Ukraine khóa van khí đốt của Nga, các quốc gia Trung Âu có thể nhập khẩu LNG thông qua nước thứ ba, dù chi phí cao hơn, trong khi đó, Moldova lại không may mắn như vậy.
Thỏa thuận quá cảnh khí đốt của Nga qua lãnh thổ Ukraine sẽ hết hạn vào ngày 31/12/2024. (Nguồn: The Moscow Times) |
Theo giới chuyên gia, việc ngừng hoàn toàn vận chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine từ năm 2025 sẽ khiến các nước Trung Âu (như Áo, Slovakia, Czech, Italy) và Moldova phải mua khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đắt hơn hoặc sử dụng than để thay thế một phần Hungary, nước gần đây đã mua khí đốt dọc theo tuyến đường này để bán lại cho Tập đoàn khí đốt OMV của Áo, cũng chịu thiệt hại.
Tình hình rất phức tạp
Ông Alexander Frolov, Phó Tổng giám đốc Viện Năng lượng quốc gia Nga, chuyên gia tại trung tâm phân tích InfoTEK nhận định: “Khoảng 15-16 tỷ mét khối khí đốt được bơm qua đường ống Ukraine vào năm 2024. Trong số này, về mặt lý thuyết, chỉ một phần ba có thể được chuyển đến đường ống Thổ Nhĩ Kỳ. Những nước tiếp nhận nhiều khí đốt qua Ukraine là Áo, Slovakia và Moldova”.
Trong khi đó, ông Alexey Bobrovsky, Giám đốc Viện Nghiên cứu thị trường thế giới cho biết: “Slovakia và Áo vẫn phụ thuộc nhiều nhất vào nguồn khí đốt cung cấp qua Ukraine từ các nước Liên minh châu Âu (EU). Họ sẽ buộc phải đàm phán các cách thức thay thế để vẫn nhận được khí đốt từ Nga, chủ yếu thông qua Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”.
Ông Alexei Belogoryev, Giám đốc nghiên cứu tại Viện Năng lượng và tài chính Nga nói: “Slovakia và Áo sẽ phải sắp xếp nguồn cung cấp ngược từ Đức (gồm cả thông qua Czech) hoặc từ Italy. Trong cả hai trường hợp, nguồn LNG các nước nhập vào sẽ bao gồm cả LNG của Nga”.
Các quốc gia Trung Âu có thể nhập khẩu LNG thông qua nước thứ ba (chủ yếu qua Đức), tuy nhiên, điều này sẽ tốn kém hơn do hậu cần phức tạp hơn, ông Sergey Kaufman, một nhà phân tích tại tập đoàn tài chính Finam cho biết thêm.
Đồng thời, theo chuyên gia này, đối với Czech, việc sử dụng khí đốt của Nga có lợi về mặt kinh tế, nhưng không cần thiết, và Italy sẽ tăng lượng mua từ Algeria – quốc gia sẽ trở thành nhà cung cấp lớn nhất của đất nước hình chiếc ủng.
Ông Belogoryev nói: “Theo dữ liệu của Mạng lưới các nhà điều hành hệ thống truyền tải khí đốt châu Âu (ENTSOG), Slovakia đã chuyển một phần sang đường trung chuyển của Thổ Nhĩ Kỳ (qua Hungary). Về mặt lý thuyết, Thổ Nhĩ Kỳ có thể đáp ứng nhu cầu khí đốt của Slovakia, nhưng sau đó sẽ không đủ để cung cấp cho Áo. Và bất chấp những tuyên bố tự tin của các chính trị gia Áo, vào mùa Đông năm 2025, vẫn chưa rõ nước này sẽ mua hàng ở đâu để bổ sung vào kho dự trữ khí đốt đã cạn kiệt”.
Slovakia có thể cần ít nhất 2 tỷ mét khối khí đốt của Nga vào năm 2025, và Áo cần ít nhất 3 tỷ mét khối. Đồng thời, cả hai nước đều có thể sống sót qua mùa Đông sắp tới, sử dụng lượng dự trữ khổng lồ từ các cơ sở lưu trữ ngầm.
Ngoài ra, việc chấm dứt đường trung chuyển của Ukraine có thể ảnh hưởng một phần đến Hungary. Theo ông Frolov, Hungary nhận khí đốt chủ yếu thông qua Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng kể từ khi Nga ngừng cung cấp trực tiếp cho Áo, Hungary đã mua một phần khí đốt thông qua đường ống Ukraine để bán lại cho công ty OMV của Áo. Đồng thời, Budapest cũng quan tâm đến việc bảo tồn phương án trung chuyển thay thế của Ukraine theo quan điểm an ninh năng lượng.
Liên quan vấn đề này, ngày 23/12, sau cuộc đàm phán giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Slovakia Robert Fico (hôm 22/12), Moscow cho biết, tình hình liên quan đến các quốc gia châu Âu mua khí đốt của Nga thông qua thỏa thuận trung chuyển qua Ukraine đang rất phức tạp và cần được quan tâm hơn. Dòng chảy khí đốt qua Ukraine chiếm khoảng một nửa tổng lượng khí đốt xuất khẩu bằng đường ống của Nga sang châu Âu.
Trong khi đó, Thủ tướng Fico nói, ông Putin đã khẳng định Nga sẵn sàng tiếp tục cung cấp khí đốt cho Slovakia, mặc dù việc này “gần như không thể” sau khi thỏa thuận trung chuyển với Ukraine hết hiệu lực. Hiện vẫn chưa rõ hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về giải pháp tiềm năng nào.
Bratislava khẳng định việc mất nguồn cung từ phía Đông sẽ không ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ trong nước, và nước này đã đa dạng hóa các hợp đồng cung cấp. Tuy nhiên, điều này sẽ làm tăng các chi phí và Slovakia muốn duy trì tuyến đường qua Ukraine để giữ công suất trung chuyển của mình.
Điều gì sẽ xảy ra với Moldova?
Tuy nhiên, Moldova và đặc biệt là vùng lãnh thổ Transnistria sẽ rơi vào tình huống khó khăn nhất khi nguồn cung cấp khí đốt từ Nga qua Ukraine bị dừng lại.
Các chuyên gia cho biết, Moldova không có phương án thay thế nào cho nguồn cung cấp khí đốt từ xứ bạch dương, cũng như trữ lượng của tàu chở năng lượng này, và tất cả các tuyến đường chính đều được kết nối với phương tiện vận chuyển qua Ukraine. Việc tiếp tục bơm khí đốt của Nga sang Moldova sẽ phụ thuộc vào các quyết định chính trị.
Tổng thống Moldova Maia Sandu đến dự cuộc họp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại trụ sở Ủy ban châu Âu ở Brussels, Bỉ, ngày 10/12. (Nguồn: AFP) |
Chuyên gia Belogoryev nói: “Chỉ có một đường ống dẫn khí đốt trực tiếp từ Romania tới Moldova (theo tuyến Iasi – Ungheni – Chisinau), với công suất 1,5 tỷ mét khối mỗi năm. Ngay cả khi hoạt động tối đa công suất, nguồn cung này mới cũng chỉ có thể đáp ứng khoảng 50% mức tiêu thụ hằng năm của Moldova.
Tất cả các phương án thay thế khác đều liên quan đến quá cảnh qua Ukraine, bao gồm cả việc sử dụng đường ống dẫn khí đốt Trans-Balkan cũ. Trước năm 2020, Tập đoàn Gazprom của Nga đã vận chuyển khí đốt đến Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Balkan thông qua đường ống này”.
Đồng thời, ông Belogoryev nói thêm rằng, đối với Moldova, chỉ cần dừng quá cảnh khí đốt trong một tuần cũng có nghĩa là một cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có sẽ xảy ra.
Trong khi đó, chuyên gia Kaufman không loại trừ khả năng nếu không có khí đốt của Nga, Moldova sẽ phải thay thế một phần bằng than, loại dễ nhập khẩu hơn nhiều về mặt hậu cần.
Trong bối cảnh thỏa thuận cung cấp khí đốt từ Nga sang các nước châu Âu quá cảnh qua Ukraine sẽ kết thúc vào ngày 1/1/2025, Moldova đã ban bố tình trạng khẩn cấp từ ngày 16/12 vừa qua.
Trước đó, hồi đầu tháng, Thủ tướng Moldova Dorin Rechan cho biết, việc Nga ngừng cung cấp khí đốt cho vùng lãnh thổ Transnistria, nơi cung cấp tới 80% lượng điện tiêu thụ của Moldova, không chỉ dẫn đến giá khí đốt tăng cao mà còn gây gián đoạn nguồn cung cấp cho người tiêu dùng và có thể gây ra thảm họa nhân đạo vào mùa Đông.
Thỏa thuận về quá cảnh khí đốt của Nga qua lãnh thổ Ukraine, với việc bơm 40 tỷ mét khối mỗi năm, sẽ hết hạn vào ngày 31/12/2024. Thủ tướng Ukraine Denis Shmygal cũng đã khẳng định, Kiev sẽ dừng quá cảnh khí đốt của Nga vào lúc 7h (8h giờ Moscow) ngày 1/1/2025.
Đồng thời, ông Shmyhal giải thích rằng, việc nối lại quá cảnh qua tuyến đường GTS của Ukraine sẽ có thể được thực hiện theo yêu cầu của Ủy ban châu Âu, nếu đó không phải là khí đốt của Nga.
Trong khi đó, tại lễ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai hôm 24/12, Tổng thống Moldova Maia Sandu nói, Moldova đang phải đối mặt với một mùa Đông khắc nghiệt nhưng sẽ vượt qua được thách thức này.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, bà Sandu đã xoay trục Moldova theo hướng EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và xa lánh Moscow. Đồng thời, nhà lãnh đạo cũng luôn thúc đẩy việc Moldova gia nhập EU.
Với việc thỏa thuận trung chuyển khí đốt Nga qua Ukraine kết thúc và không có hy vọng về việc gia hạn, cuộc khủng hoảng năng lượng đang thực sự hiện hữu với các quốc gia Trung Âu và Moldova trong mùa Đông tới.
Nguồn: https://baoquocte.vn/trung-au-va-moldova-ngoi-tren-dong-lua-khi-dieu-nay-sap-xay-ra-nga-san-sang-lam-mot-viec-du-gan-nhu-khong-the-298762.html