Lục bình trên một dòng kinh nội đồng ở xã Mỹ Thuận, huyện Bình Tân. |
Từ lâu, lục bình được một số nơi trong tỉnh khai thác làm nguyên liệu đan thảm mỹ nghệ xuất khẩu, giải quyết lượng đáng kể lao động nhàn rỗi và tăng thu nhập hộ dân ở nông thôn, đồng thời giúp giữ bờ sông ngòi, kinh, rạch ít bị sạt lở. Nhưng hiện nay ở nhiều nơi, do không được khai thác, sử dụng nên lục bình trở thành “gánh nặng” cho những dòng kinh và còn là “điểm nóng” về môi trường.
Hiện tại, trong tỉnh còn nhiều kinh, rạch bị lục bình phủ kín, thường thấy ở những tuyến sông nhỏ, kinh, rạch nội đồng, nằm trong vùng đê bao ít được nạo vét, bị bồi lắng hoặc ngay cả những tuyến kinh, rạch lớn nằm ngoài đê bao nhưng có nhiều giáp nước cũng bị lục bình lấp đầy. Lục bình dày đặc làm ngăn cản dòng chảy, gây trở ngại, khó khăn cho việc đi lại trên sông, cho tưới tiêu nông nghiệp và làm tăng thêm ô nhiễm nguồn nước nếu có thêm xả rác thải.
Nhiều năm qua, các địa phương và người dân đã nỗ lực giải quyết lục bình phát sinh bằng các biện pháp thủ công và hóa học nhưng chưa hiệu quả cao vì chưa đầu tư lớn, chưa tổ chức trục, vớt quy mô lớn, hộ dân chỉ làm riêng lẻ, sử dụng dụng cụ vớt bằng tay hoặc phun thuốc trừ cỏ diệt lục bình là chủ yếu, điều này làm ô nhiễm môi trường nguồn nước do phun thuốc trừ cỏ.
Vì vậy, để giải quyết căn cơ sự phát triển tràn lan của lục bình, chính quyền ở các nơi trong tỉnh cần phối hợp với các sở, ngành chuyên môn, có liên quan phát động phong trào trục, vớt lục bình; sử dụng phương tiện, máy móc và vận động người dân, tổ chức, đoàn thể tại địa bàn tham gia để giải quyết những “điểm nóng” lục bình; khuyến cáo người dân không sử dụng thuốc hóa học, tránh gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước.
Muốn thực hiện khả thi điều này, cần cân đối sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường hoặc kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi hàng năm của cấp huyện, cấp tỉnh để đầu tư nạo vét các kinh, rạch thủy lợi nội đồng và thuê máy móc kết hợp nhân công trục vớt lục bình.
Bài, ảnh: MỸ TRUNG