(Dân trí) – Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia phát đi thông báo nước sông Hồng tại Hà Nội đã ngừng dâng, dự báo sẽ giảm dần trong tối 11/9.
-Tính đến 17h ngày 11/9, bão và hoàn lưu bão Yagi gây mưa lũ, sạt lở đất tại các tỉnh, thành phố miền Bắc đã khiến 324 người chết, mất tích (179 người chết, 145 người mất tích).
-Đến 17h30, đã tìm thấy 35 thi thể trong vụ lũ quét tại thôn Làng Nủ. Hàng chục người đang mất tích.
-Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia phát đi thông báo nước sông Hồng tại Hà Nội đã ngừng dâng, dự báo sẽ giảm dần trong tối nay, 11/9.
-UBND phường Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội) yêu cầu người dân sinh sống gần khu vực bãi sông Hồng phải sơ tán ra khỏi khu vực trũng thấp, có nguy cơ ngập úng, sạt lở trước 22h hôm nay.
– Ngày 11/9 vẫn còn gần 1.000 hộ dân ở Ninh Bình đang bị ngập sâu.
Theo thống kê tại các địa phương, tính đến 17h ngày 11/9, bão và hoàn lưu bão Yagi gây mưa lũ, sạt lở đất tại các tỉnh, thành phố miền Bắc đã khiến 324 người chết, mất tích (179 người chết, 145 người mất tích).
Trong đó, Lào Cai 183 người (72 người chết, 111 người mất tích); Cao Bằng 52 người tại huyện Nguyên Bình (34 người chết, 18 người mất tích); Yên Bái 44 người (40 người chết, 4 người mất tích); Quảng Ninh: 13 người chết (do bão 12 người; lũ cuốn 1 người)…
34 phút trước
Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia vừa phát đi thông báo nước sông Hồng tại Hà Nội đã ngừng dâng, dự báo sẽ giảm dần trong tối 11/9.
Lúc 11h cùng ngày, mực nước trên sông Hồng đã đạt mức 11,02m (thấp hơn báo động 3 0,48m).
Lúc 19h, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan lệnh Giám đốc Công ty Thủy điện Tuyên Quang đóng tiếp 1 cửa xả đáy hồ thủy điện Tuyên Quang vào 20h cùng ngày.
Ông Vũ Đức Long, Vụ trưởng Vụ quản lý dự báo khí tượng thủy văn, đánh giá khả năng tiêu thoát lũ đang diễn ra chậm nên thời gian ngập lụt còn kéo dài khoảng 2-3 ngày tới. Ảnh: Mạnh Quân.
Ông Long nhấn mạnh, hiện Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đưa ra thông tin cảnh báo ngập úng trong nội thành Hà Nội trước khi có mưa lớn.
Tuy nhiên, nhiều trang mạng xã hội đã sử dụng thông tin này và đưa ra tin cảnh báo “ngập lụt do lũ sông Hồng” khiến nhiều người hiểu sai bản chất.
Theo ông Long, trong trường hợp lũ trên sông Hồng lên mức báo động 3, nội thành Hà Nội vẫn an toàn, không bị ngập.
Nước sông Hồng dưới báo động 3, khiến khu vực nhiều tuyến phố Hồng Hà, Phúc Tân, Tứ Liên (Hà Nội) ngập sâu, cắt điện.
Trưa 11/9, hàng trăm hộ dân phố Tứ Liên phải di dời. Ngay đầu phố Tứ Liên, Tây Hồ, Hà Nội, một chốt kiểm soát đã được đặt, hàng trăm ô tô quay đầu tìm lộ trình khác. Chốt kiểm soát này vừa được đặt sáng nay, khi nước lũ từ sông Hồng bắt đầu ngập lưng ngang nửa con phố.
Ô tô, xe máy, thuyền, cùng với hàng trăm người tay xách nách mang đồ đạc khiến phố Tứ Liên trở nên hỗn loạn.
Nước sông theo các đường cống thoát nước dềnh lên, biến toàn bộ phần lòng chảo của phường Tứ Liên chìm sâu trong biển nước. Nơi ngập sâu nhất khoảng hơn 1,2m, kéo dài khoảng hơn 300m, với các nhánh 5-6 con ngõ.
Chị Luyến, chủ nhân một quán lòng cho hay, nước dâng nhanh quá, mẹ con chị kịp neo đồ đạc lên cao rồi gom hết đồ ăn trong tủ lạnh cho vào thùng xốp, cho vào chậu để “chạy lũ”.
Anh Tiến, nhà ở ngõ 35 cho hay, nhà anh thuộc dạng trũng thấp, bình thường nước sông dâng trong nhà đã lấp xấp. “Phải hơn 20 năm nay tôi mới thấy lũ lên nhanh tới vậy. Mới 14h nhưng nước trong nhà đã ngập ngang hông, mất điện mất nước, sinh hoạt bất tiện nên chúng tôi quyết định di tản”, anh Tiến nói.
Như vậy ngoài Hồng Hà, Phúc Tân, Phú Thượng, Tứ Liên là một trong những địa bàn phải di dời khẩn cấp hàng loạt hộ dân ra khỏi vùng ngập lũ. Ảnh: Mạnh Quân.
“Cho đến thời điểm này chúng ta đã tìm thấy 35 thi thể trong vụ lũ quét tại thôn Làng Nủ”, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường thông tin lúc 17h30 ngày 11/9.
Ông Trường đã đưa ra nhiều chỉ đạo sau một ngày tìm kiếm thi thể các nạn nhân mất tích trong thảm họa lũ quét ở Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai).
Bí thư Huyện ủy Bảo Yên Hoàng Quốc Bảo khẳng định huyện sẽ nỗ lực đảm bảo các trang thiết bị cần thiết cho lực lượng cứu nạn trong việc tìm kiếm nạn nhân vụ lũ quét. “Theo số liệu còn khoảng 60 người nữa đang nằm dưới suối, rất xót xa”, ông Bảo nói.
Chiều 11/9, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Phạm Văn Vương, Giám đốc Công ty thủy điện Hòa Bình, cho biết, các cửa xả Nhà máy thủy điện Hòa Bình đều đã đóng hết (cửa xả cuối cùng đóng lúc 9h cùng ngày). Công trình vận hành bình thường, an toàn.
Khi đóng cửa xả cuối, lưu lượng về hạ du giảm 1.600m3/s, mực nước hạ lưu giảm nhẹ, nước thượng lưu tăng chậm.
Giám đốc Công ty thủy điện Hòa Bình cho biết thêm, sau khi đóng hết cửa xả, nước đổ về hạ lưu giảm sẽ giảm bớt lượng nước đổ về khu vực Hà Nội, góp phần “cắt” bớt lũ cho thủ đô.
“Mức độ ảnh hưởng sẽ giảm bớt, mực nước ngập ở Hà Nội do nhiều nguồn nên mức độ giảm thế nào còn phụ thuộc các yếu tố đó”, ông Vương cho hay.
Được biết, sau khi đóng hết cửa xả đáy, mực nước tại Nhà máy thủy điện Hòa Bình lúc 16h ngày 11/9 có thông số như sau: Mực nước thượng lưu 111,79 thấp hơn 5,21m so với mực nước dâng bình thường (117m). Lưu lượng về 4.169m3/s; lưu lượng ra 2262/s.
Theo Báo Quân đội nhân dân, hiện đường vào thôn Làng Nủ bị tắc, đặc biệt là khu vực bị lũ quét, người dân bị cô lập hoàn toàn. Bộ tư lệnh Quân khu 2 và lãnh đạo tỉnh Lào Cai quyết tâm mở đường để đưa lực lượng, phương tiện vào tìm kiếm, cứu nạn.
Con số nạn nhân tử vong trong thảm họa lũ quét này đã lên tới hơn 30 người, 65 người còn mất tích. Ảnh: Hoài Thu.
Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn phường Phú Thượng (quận Tây Hồ, Hà Nội) vừa phát thông báo yêu cầu tất cả các hộ dân đang sinh sống tại khu vực các Tổ dân phố số 1, 15, 16 ngoài đê sông Hồng khẩn trương di chuyển người, tài sản ra khỏi khu vực trước 18h ngày 11/9.
Phường Phú Thượng sẽ tổ chức cưỡng chế di chuyển những hộ không chịu di chuyển.
Để đảm bảo an toàn, Công ty Điện lực Tây Hồ sẽ ngừng cung cấp điện đối với khu vực trên.
Phường Phú Thượng cũng thông báo các địa điểm người dân có thể di chuyển đến:
– Tổ dân phố số 1: Di chuyển đến nhà sinh hoạt tổ dân phố số 1, 2 và Đình Thượng Thụy.
– Tổ dân phố số 15: Di chuyển đến nhà sinh hoạt tổ dân phố số 10 (21 phố Phú Xá), số 11 (ngõ 41 An Dương Vương).
– Tổ dân phố số 16: di chuyển đến nhà văn hóa phường (15 phố Phú Gia).
Ngoài ra, người dân có thể di chuyển đến phòng sinh hoạt cộng đồng chung cư Packetxim 1, chung cư Lạc Hồng.
Thực hiện công điện của Bộ NN&PTNT, Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình đã thực hiện đóng cửa xả đáy còn lại hồ thủy điện Hòa Bình vào lúc 9h ngày 11/9.
Sau khi đóng cửa xả đáy cuối cùng, Thủy điện Hòa Bình không còn xả lũ.
Bộ NN&PTNT yêu cầu Công ty Thủy điện Hòa Bình theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, an toàn công trình, lưu lượng đến hồ, mực nước thượng, hạ lưu hồ chứa, kịp thời báo cáo về Bộ qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai và các cơ quan liên quan theo quy định.
Gần 1.000 hộ dân của tỉnh Ninh Bình sống bên sông Hoàng Long, sông Bôi đang bị ngập sâu trong nước khi mực nước lũ trên 2 sông này đều vượt mức báo động 3, tỉnh này đã sẵn sàng phương án di dời dân. Ảnh: Thái Bá.
Ngày 11/9, nước sông Hoàng Long đo được tại Bến Đế mức 4,6-4,8m (trên báo động 3: 0,6-0,8m); tại Gián Khẩu lên mức 4,2-4,4m (trên báo động 3: 0,5-0,7m). Sông Đáy tại Ninh Bình mực nước ở mức 3,8-4,0m (trên báo động 3: 0,3-0,5m).
Nước sông lên cao kết hợp với mưa lớn, gây ngập lụt diện rộng vùng bãi ven sông các xã Gia Tiến, Gia Hưng, Gia Thịnh huyện Gia Viễn; vùng trũng thấp khu vực dân cư trên địa bàn các xã thuộc huyện Nho Quan, TP Ninh Bình.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo huyện Gia Viễn (Ninh Bình) cho biết, hiện lũ trên sông Hoàng Long đã chững. Tuy nhiên, mực nước lũ vẫn đang ở mức cao, địa phương đang theo dõi sát sao diễn biến của mưa lũ, sẵn sàng di dời người dân khi cấp thiết.
Trong điều kiện tiếp cận khó khăn các vùng ngập sâu, nhóm thiện nguyện từ Hà Nội đã dùng drone (máy bay không người lái) cùng lực lượng chức năng vận chuyển nhanh chóng các túi hàng cứu trợ.
Anh Quốc Việt (Công ty Viet-Flycam ở Hà Nội) cùng các thành viên khác đã huy động 5 drone tham gia công tác cứu trợ. Ưu điểm của thiết bị này là có thể tiếp cận được các khu vực xa, ngập sâu nhất, không tốn quá nhiều công sức, tiết kiệm chi phí mà hiệu quả cao.
“Mỗi chuyến bay sẽ chuyển áo phao, nước, đồ ăn cho bà con với trọng lượng 7kg. Điểm xa nhất mà drone bay vào là 4km. Thấu hiểu nhiều gia đình gặp khó khăn giữa bốn bề nước lũ, chúng tôi làm việc xuyên đêm, bao giờ hết hàng cứu trợ mới dừng lại”, anh Việt nói.
Sau khi cứu trợ cho người dân ở Thái Nguyên, sáng 11/9, Quốc Việt và các thành viên trong công ty đã di chuyển đến khu vực Tuyên Quang để tiếp tục cứu trợ, vận chuyển thực phẩm cho bà con các nơi bị cô lập.
Trung tâm dự báo Khí thượng thủy văn Quốc gia cho biết, lúc 13h, mực nước trên sông Hồng tại Hà Nội là 11,14m (dưới báo động 3 là 0,36m).
Theo thống kê tại các địa phương, tính đến 13h30 ngày 11/9, bão và hoàn lưu bão Yagi gây mưa lũ, sạt lở đất tại các tỉnh, thành phố miền Bắc đã khiến 296 người chết, mất tích (155 người chết, 141 người mất tích).
Trong đó, Lào Cai 155 người (53 người chết, 102 người mất tích); Cao Bằng 52 người tại huyện Nguyên Bình (29 người chết, 23 người mất tích); Yên Bái 44 người (40 người chết, 4 người mất tích); Quảng Ninh: 13 người chết (do bão 12 người; lũ cuốn 1 người).
Tính đến 14h ngày 11/9 về thiệt hại tại Làng Nủ, xã Phúc Khánh huyện Bảo Yên được thống kê có 30 người chết, 65 người mất tích.
Tại Làng Nủ có 37 hộ với 158 khẩu. Hiện có 46 người an toàn.
Các lực lượng đang tích cực tìm kiếm nạn nhân. Một bộ phận hỗ trợ chôn cất nạn nhân.
Chính quyền địa phương cho biết sẽ hỗ trợ 25 trịêu đồng/trường hợp tử vong và 5 triệu đồng/người bị thương.
Lúc 13h45, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan lệnh Giám đốc Công ty Thủy điện Tuyên Quang đóng tiếp 1 cửa xả đáy vào 15h ngày 11/9.
Trước đó, lúc 7h, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Lê Minh Hoan lệnh Giám đốc Công ty Thủy điện Tuyên Quang đóng tiếp 1 cửa xả đáy vào 8h cùng ngày.
Ngày 11/9, cửa khẩu đê Âu Cơ (khu vực trước UBND phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội), lực lượng chức năng đã đóng 1 bên cửa khẩu. Ảnh: Mạnh Quân.
Mực nước sông Hồng hiện áp sát báo động cấp 3, các khu dân cư ngoài đê đã ngập quá nửa nhà tầng 1, hàng nghìn người dân vội vã di tản cùng tài sản đến nơi tránh trú an toàn.
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, đến 5h ngày 11/9, mực nước trên sông Hồng là 10,76m, trên báo động 2 (báo động 2 là 10,50m).
Trước tình trạng nước các sông dâng cao, chảy xiết, nhiều địa phương tại miền Bắc phải cấm hoặc hạn chế các phương tiện, người dân đi qua các cây cầu.
Theo đó, từ sáng 10/9, Hà Nội cấm các ô tô hợp đồng, xe khách, xe du lịch trên 9 chỗ ngồi và xe có tải trọng trên 0,5 tấn di chuyển qua cầu Chương Dương.
Chiều cùng ngày, cầu Long Biên cấm các phương tiện đi cả 2 chiều từ 15h. Đến đêm 10/9, cầu Đuống (huyện Gia Lâm) cũng bắt đầu cấm người đi bộ và phương tiện đi lại từ 22h.
Tại Phú Thọ: Cầu Phong Châu, cầu Trung Hà và Tứ Mỹ cấm toàn bộ các phương tiện từ ngày 9/9.
Cầu Việt Trì (cũ) cấm tất cả các phương tiện lưu thông từ 9h ngày 11/9.
Tại Thái Nguyên: cầu Gia Bẩy, cầu Bến Tượng, cầu Mỏ Bạch tạm thời cấm người, phương tiện.
Tỉnh Tuyên Quang: Cấm các xe tải từ 3,5 tấn trở lên và xe khách các loại lưu thông qua cầu Nông Tiến, cầu Bợ, cầu Sơn Dương, cầu An Hòa, cầu Kim Xuyên.
Riêng cầu Chiêm Hóa, Tuyên Quang cấm tất cả người và phương tiện lưu thông qua.
Tại Yên Bái: Cầu Yên Bái trên quốc lộ 37 bị cấm các phương tiện.
Tại Bắc Giang: Khuyến cáo người dân không đi qua cầu sắt bắc qua sông Thương (TP Bắc Giang).
Tỉnh Bắc Ninh: Cầu Nét (đoạn Yên Phong – Từ Sơn) bị cấm ô tô lưu thông;
Cầu Đáp Cầu (nối phường Đáp Cầu, TP Bắc Ninh với tỉnh Bắc Giang) cấm tất cả các phương tiện từ 10h ngày 11/9.
Cầu Hồ (thị xã Thuận Thành) cấm xe khách từ 9 chỗ ngồi trở lên, xe tải có tải trọng trên 15 tấn lưu thông, từ 12h ngày 11/9.
Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên (Lào Cai) thực hiện báo động đỏ. Nơi đây huy động toàn thể cán bộ tập trung tại đơn vị để cấp cứu, chữa trị kịp thời cho các nạn nhân gặp nạn trong trận bão lũ ở làng Nủ, xã Phúc Khánh. (Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Bảo Yên).
Sáng 11/9, trên địa bàn huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, xảy ra một điểm của tuyến đê nội đồng của dòng kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải bị tràn nước.
Ngay khi phát hiện, chính quyền địa phương đã huy động người, máy móc đến xử lý bằng cách đắp đất chống tràn nước và thực hiện một số giải pháp khác đảm bảo an toàn cho đê.
Còn theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hải Dương, lúc 7h ngày 11/9, mực nước trên sông Thái Bình tại Phả Lại là 5,83m (dưới báo động 3: 0,17m), tại Cát Khê là 5,20m (trên báo động 3: 0,20m); sông Kinh Thầy tại Bến Bình là 4,41m (dưới báo động 3: 0,09m); sông Gùa tại Bá Nha là 2,64m (dưới báo động 3: 0,06m); sông Kinh Môn tại An Phụ là 3,09m (trên báo động 3: 0,19m); sông Rạng tại Quảng Đạt là 2,82m (dưới báo động 3: 0,08m), sông Luộc tại La Tiến là 4,72m (trên báo động 2: 0,02m).
Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hải Dương dự báo trong 12 giờ tới, mực nước các sông tiếp tục lên nhanh.
Cụ thể, trên sông Thái Bình tại Cát Khê; sông Kinh Môn tại An Phụ tiếp tục duy trì ở mức trên báo động 3. Trên sông Thái Bình tại Phả Lại, sông Kinh Thầy tại Bến Bình, sông Gùa tại Bá Nha, sông Rạng tại Quảng Đạt, sông Luộc tại La Tiến tiếp tục duy trì ở mức cao hơn báo động 2 và có khả năng lên báo động 3 vào chiều hoặc tối 11/9.
Trong 12-24 giờ tới, theo dự báo, mực nước các sông tiếp tục lên. Cụ thể, trên sông Thái Bình tại Phả Lại, Cát Khê; sông Kinh Thầy tại Bến Bình tiếp tục duy trì ở mức trên báo động 3. Trên sông Kinh Môn tại An Phụ, sông Gùa tại Bá Nha, sông Rạng tại Quảng Đạt, sông Luộc tại La Tiến tiếp tục duy trì ở mức cao trên báo động 3, sau biến đổi chậm.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ trên sông Thái Bình tại Phả Lại là cấp 3; trên sông Thái Bình tại Cát Khê, sông Kinh Thầy tại Bến Bình, sông Luộc tại La Tiến và các sông khu vực hạ lưu tỉnh là cấp 2.
Trưa 11/9, thông tin về tình hình mưa lũ trong thời gian tới, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết, theo cập nhật lượng mưa từ đêm 10/9 đến sáng 11/9, tại miền Bắc đã có xu thế giảm so với 2 ngày trước.
Dự báo trưa 11/9 đến 12/9, mưa tập trung chủ yếu ở đồng bằng Bắc Trung Bộ. Đến 13/9, mưa sẽ giảm dần.
Theo ông Khiêm, lũ trên các hệ thống hồ tại miền Bắc hiện nay rất lớn do lượng mưa lớn trong nhiều ngày, trong đó có hồ Thác Bà.
Trưa 11/9, lưu lượng nước về hồ Thác Bà đã giảm mạnh so với 2 ngày trước. Đến 10h ngày 11/9, lưu lượng nước về hồ là 2.955m3/s (lúc 22h30 ngày 10/9 lưu lượng nước đến hồ là 3.750 m3/s). Mực nước tại hồ Thác Bà sáng 11/9 là 59,83m.
Ông Khiêm đánh giá, mặc dù lưu lượng nước ở hồ Thác Bà lớn, nhưng áp lực đã giảm so với trước đó nên trong vùng an toàn. Ảnh: TTXVN.
Lúc 11h, Trung tâm Khí tượng thủy văn Thái Nguyên cho biết, lũ trên sông Cầu đang xuống chậm, ghi nhận mức nước là 2.734cm, cao hơn 34cm so với báo động cấp 3 và tiếp tục có xu thế xuống chậm.
Trong 24 giờ tới, Thái Nguyên dự báo sẽ tiếp tục xảy ra ngập lụt ven sông, có khả năng sạt lở bờ sông, khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở đất trên sườn dốc, tả ly cao, ngập úng các khu vực trũng thấp, đô thị do mưa lớn cục bộ. (Ảnh: Đài PTTH Thái Nguyên).
Mưa lớn khiến nước sông Bưởi dâng cao, khu phố Ngọc Bồ, thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa bị ngập sâu.
Có hơn 100 hộ dân tại đây đang bị cô lập, phải tiếp tế lương thực, dùng thuyền bè di chuyển trong khu dân cư (Ảnh: Thanh Tùng).
Theo báo cáo nhanh của UBND tỉnh Lào Cai, do chịu ảnh hưởng hoàn lưu bão Yagi, từ đêm 7/9 đến ngày 10/9, trên địa bàn tỉnh này xảy ra mưa vừa, mưa to đến rất to trên diện rộng.
Lũ quét, sạt lở đã khiến 45 người tử vong, 21 người mất tích và 61 người bị thương.
Về tài sản, tỉnh này có 4.862 căn nhà bị ngập nước, sạt lở, lũ cuốn trôi; 46 xã/85 thôn bị cô lập do đường giao thông bị ngập nước, sạt lở đường; gần 2.200ha lúa, ngô, hoa màu thiệt hại…
Nhiều tuyến quốc lộ chạy qua địa bàn tỉnh như 4, 4D, 279, 70 có rất nhiều vị trí bị sạt ta luy dương, ta luy âm, ngập nước gây ách tắc giao thông. Đến thời điểm báo cáo, lượng mưa trên địa bàn tỉnh này đã giảm và nước trên sông, suốt đang rút.
Còn theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến 10h ngày 11/9, bão lũ trên địa bàn đã khiến 155 người chết, mất tích (53 người chết, 102 người mất tích). Số người chết và mất tích tập trung chủ yếu ở thị xã Sapa, huyện Văn Bàn, huyện Bát Xát. Bão lũ cũng khiến 50 người trên địa bàn tỉnh Lào Cai bị thương.
Lúc 10h ngày 11/9, Công an tỉnh Lào Cai thông tin, sáng cùng ngày, lãnh đạo công an tỉnh và một số cơ quan chức của tỉnh đang trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tại xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên.
Sư đoàn 316 của Quân khu 2 đã cử 200 người; 80 Tiểu đoàn Cảnh sát Cơ động số 4 (thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Bắc, Bộ Tư lệnh CSCĐ); hơn 100 cán bộ chiến sỹ Công an tỉnh Lào Cai, Công an huyện Bảo Yên tham gia công tác khắc phục thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
200 sinh viên Trường Cao đẳng Lào Cai cũng xuống huyện giúp người dân khắc phục thiên tai tại thị trấn Phố Ràng sau khi nước rút.
Phóng viên Dân trí ghi nhận tại khu vực Chương Dương Độ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) lực lượng chức năng đã chặn lối vào, nơi ngập sâu nhất đã ngang thân người (khoảng hơn 1m), người dân tiến hành đắp bao đất, cát chặn nước lũ. Một số hộ dân chưa kịp di dời do có người già tuổi cao không còn khả năng di chuyển.
Tại phố Bảo Linh phường Phúc Tân, nước vẫn ngập cao, có nơi đã đến gần ngang hông. Lực lượng chức năng vẫn đang nỗ lực để đưa người dân cùng tài sản ra ngoài bằng thuyền.
Được biết UBND Phường Phúc Tân đã vận động người dân di dời từ hôm qua nhưng nhiều người vẫn không chuyển đi. Đến hôm nay nước ngập cao, công tác cứu trợ đang rất vất vả.
“Em được các chú ban chỉ huy quân sự đưa ra đây từ lúc 9h30. Nhà em ở phố Bảo Linh bây giờ đã ngập hết tầng 1, nước đã bắt đầu dâng lên khu vực cầu thang tầng 2”, bé Nguyễn An Bình, 13 tuổi chia sẻ.
Ảnh: Đỗ Ngọc Lưu – Đỗ Minh Quân.
UBND tỉnh Phú Thọ thông báo, lũ trên các sông trong tỉnh đang lên ở mức rất cao.
Lúc 8h ngày 11/9 mực nước trên sông Thao tại trạm Phú Thọ 18,34m (cao hơn báo động 2 là 0,14m), trên sông Lô tại trạm Vụ Quang ở mức 21,04m (cao hơn báo động 3 là 0,54m); trạm Việt Trì 14,81m (thấp hơn báo động 2 là 0,09m).
“Trong 12-24 giờ tới lũ trên các sông tiếp tục lên đạt đỉnh sau đó xuống dần. Tại Việt Trì lũ tiếp tục lên đạt đỉnh ở mức 15m (trên báo động 2 là 0,1m) sau đó xuống chậm”, tỉnh Phú Thọ thông tin.
Tỉnh Phú Thọ chỉ đạo phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại nhiều khu vực, đặc biệt tại các huyện Đoan Hùng, Phù Ninh, Tam Nông, Thanh Ba, Thanh Thủy và TP Việt Trì.
Công an tỉnh Phú Thọ thông báo tạm thời dừng lưu thông tất cả các phương tiện trên cầu Việt Trì (cũ) để đảm bảo an toàn.
Các phương tiện có thể chuyển hướng lưu thông qua cầu Hạc Trì bắt đầu từ 9h ngày 11/9 cho đến khi có thông báo mới.
Sau gần 4 ngày chìm trong lũ, sáng 11/9, khu vực rốn lũ phường Hồng Hà (TP Yên Bái) nước đã rút xuống gần 1m. Nhiều người dân sống trên đường Thanh Niên (đoạn giáp sông Hồng) bắt đầu tìm cách trở về nhà để chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa.
Mặc dù nước đã rút, nhưng hàng loạt ngôi nhà dưới chân cầu Yên Bái vẫn ngập sâu, có chỗ ngập tới mái tầng 1. Ảnh: Nam Anh.
Đứng trên cầu Yên Bái, bà đôi mắt bà Nguyễn Thị Thủy (65 tuổi, ở đường Thanh Niên, phường Hồng Hà) nheo lại. Bà Thủy cố nhìn xem căn nhà 2 tầng của gia đình đã lộ phần tầng một ra chưa.
Gia đình bà Thủy có 5 người, hiện 4 người đã di tản sang nhà hàng xóm trên đường Nguyễn Phúc (phía trên khoảng 100m). Người con rể bà Thủy vẫn cố bám trụ tại tầng 2 của căn nhà.
“Chiều 8/9, nước lũ tràn nhanh lên đường Thanh Niên, tới chiều tối cùng ngày, lũ dâng nhanh khủng khiếp. Cả xóm tôi ôm hết đồ đạc bắt đầu chạy lũ, còn người con rể của tôi vẫn cố bám trụ tại tầng 2 để trông giữ đồ đạc, tài sản. Khi nào nước tiếp tục lên tầng 2 thì sẽ chạy.
Chưa bao giờ tôi chứng kiến trận lụt nào lớn tới vậy. Năm 2018, nước lũ ngập tới nhà nhưng chỉ cao khoảng 1m, còn năm nay ngập sâu tới hơn 3m, quá kinh khủng”, bà Thủy kể.
Lực lượng chức năng và người dân dọn dẹp bùn rác, hiện trường sau vụ lũ lụt tại Lào Cai. Ảnh: Phạm Ngọc Triển.
Sáng sớm 11/9, nhóm phóng viên Dân trí đã có mặt tại hiện trường vụ lũ quét kinh hoàng ở thôn Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Thảm họa này đã xóa sổ một thôn với hơn 37 hộ dân. Ảnh: Ngọc Tân.
Theo thống kê, tổng số nhân khẩu thôn Làng Nủ là 760 khẩu/167 hộ. Số người bị ảnh hưởng là 158 người/37 hộ.
Cập nhật đến 8h sáng 11/9, lãnh đạo tỉnh Lào Cai cho biết có 22 người tử vong, 17 bị thương và 73 người còn mất tích.
Ngay từ sáng sớm 11/9, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường đã trực tiếp vào hiện trường vụ sạt lở kèm lũ quét để kiểm tra và chỉ đạo công tác tìm kiếm các nạn nhân, đồng thời hỗ trợ những hộ dân bị ảnh hưởng.
7h ngày 11/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương phát lệnh báo động 3 trên hệ thống sông Thái Bình.
Theo tin cảnh báo lũ trên các sông tỉnh Hải Dương của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hải Dương lúc 6h ngày 11/9, trong 12-24 giờ tới mực nước các sông tiếp tục lên nhanh, trên sông Thái Bình tại Phả Lại, Cát Khê đạt mức báo động 3 và tiếp tục lên. Ảnh: Nguyễn Dương.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí lúc 9h tại Phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), nước đã ngập sâu tới quá đùi. Trong khi nhiều người đang tất bật di dời đồ đạc ra ngoài, một số khác vẫn cố nán lại.
Ông Trần Xuân Tài (50 tuổi) chia sẻ : “Sau 21 năm mới có một trận lụt như này. Lũ lên nhanh quá tôi phải đi mua thêm mì tôm để tích trữ”. Ảnh: Đỗ Minh Quân.
Sáng nay nước lũ ở TP Yên Bái đang rút dần nhưng vẫn rất cao. Trong thành phố nước vẫn ngập sâu xấp xỉ 2m, ngang thân nhà tầng một.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí lúc 8h30 ngày 11/9, nước sông Hồng ở khu vực phố Hồng Thắng, đường Thanh Niên, TP Yên Bái cách gầm cầu Yên Bái khoảng hơn 1,5m.
Thông tin từ UBND huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) cho biết, tối 10/9 trên địa bàn xã Sơn Đông xảy ra vụ lật thuyền khiến 2 người tử vong, mất tích.
Bà L.T.H cùng con gái L.T.C (18 tuổi, thôn Đông Thịnh, xã Sơn Đông) sử dụng thuyền nhỏ của gia đình di chuyển từ khu dân cư bị ngập lụt sang thôn Lũng Hòa (xã Sơn Đông) để đón con trai là L.V.H (25 tuổi) đi làm về.
Cả 3 người đều không có phương tiện bảo hộ, gặp nước chảy xiết khiến chiếc thuyền bị lật.
Bà L.T.H được lực lượng chức năng cứu sống, người con trai mất tích, còn con gái bà H. đã tử vong.
Cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc đang tổ chức phương tiện tìm kiếm nạn nhân bị mất tích.
Xã Sơn Đông đã huy động toàn bộ lực lượng di dời hơn 100 hộ gia đình bị ảnh hưởng đến nơi an toàn.
Sáng 11/9 ghi nhận mực nước sông Phó Đáy qua địa bàn vẫn tiếp tục dâng cao, gây ngập lụt.
8h, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, trong 3 giờ qua, qua theo dõi trên ảnh vệ tinh, số liệu định vị sét và ảnh ra đa thời tiết cho thấy vùng mây đối lưu từ phía khu vực Bắc Ninh có xu hướng di chuyển và mở rộng về Hà Nội.
Khoảng 20 phút đến 3 giờ tới, những ổ mây đối lưu này trước tiên gây mưa rào và dông cho khu vực Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, sau đó tiếp tục mở rộng lan sang các quận nội thành khác của Hà Nội như Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Long Biên,…
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Sáng 11/9, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Ninh Bình cho biết, mực nước sông Hoàng Long, sông Đáy trên địa bàn lên cao, kết hợp với mưa lớn đã gây ngập lụt nhiều khu dân cư trên địa bàn.
Cụ thể, các xã Gia Tiến, Gia Hưng, Gia Thịnh; 2 điểm trường tại thôn Kênh Gà, xã Gia Thịnh (ngoài đê) huyện Gia Viễn; vùng trũng thấp khu vực dân cư trên địa bàn các xã thuộc huyện Nho Quan, TP Ninh Bình; lũ quét, sạt lở đất đá ở vùng đồi núi, sườn dốc, các xã thuộc huyện Nho Quan, Hoa Lư, TP Tam Điệp.
Theo thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn Ninh Bình, sáng 11/9, lũ trên sông Hoàng Long tại Bến Đế, Gián Khẩu; sông Đáy tại Ninh Bình đang lên cao.
Tỉnh Ninh Bình cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ cấp 3.
Thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) lúc 6h ngày 11/9, trên tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ đoạn Km191-192 tiếp tục ngập sâu cả 2 chiều.
Do đó, Cục Cảnh sát giao thông khuyến cáo các phương tiện hạn chế qua khu vực này, đặc biệt là xe gầm thấp.
Các phương tiện có thể chọn lộ trình sau:
Các xe đi từ Hà Nội đến Hà Nam, Ninh Bình,… đi vào quốc lộ 1A rồi ra lại cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ ở nút giao Thường Tín.
Các phương tiện đi từ Hà Nam vào Hà Nội đi ra ở nút giao Vạn Điểm (km204) và nút giao Thường Tín (km193) rồi tiếp tục di chuyển trên quốc lộ 1A để vào Hà Nội.
Theo thống kê của các địa phương, bão và hoàn lưu bão Yagi gây mưa lũ, sạt lở đất tại các tỉnh, thành phố miền Bắc tính đến 5h ngày 11/9 đã khiến 200 người chết, mất tích (141 người chết, 59 người mất tích).
Trong đó, Cao Bằng 52 người tại huyện Nguyên Bình (29 người chết, 23 người mất tích);
Lào Cai 66 người (45 người chết, 21 người mất tích) và hiện còn nhiều người mất tích do lũ quét, sạt lở đất tại xã Phúc Khánh huyện Bảo Yên.
Yên Bái 40 người do sạt lở đất (37 người chết, 3 người mất tích);
Quảng Ninh 13 người chết (do bão 12 người; lũ cuốn 1 người)…
Thời điểm 7h ngày 11/9, nước sông Hồng dâng cao đã tràn vào khu dân cư phía chân cầu Long Biên (phường Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội).
Người dân nhanh chóng di chuyển đồ đạc khỏi khu vực ngập lụt.
Sáng 11/9, trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia phát thông báo lũ đặc biệt lớn trên sông Thao, lũ khẩn cấp trên sông Lô, sông Cầu, sông sông Cầu, sông Thương, sông Hoàng Long và tin lũ trên sông Thái Bình, sông Lục Nam, sông Hồng.
Theo đó, diễn biến lũ trên sông Thao tại Yên Bái đang xuống nhưng vẫn ở trên mức nước lũ lịch sử năm 1968; tại Phú Thọ đang biến đổi chậm.
Lũ trên sông Lô (Tuyên Quang, Phú Thọ), sông Cầu (Bắc Ninh), sông Thương (Bắc Giang), sông Thái Bình (Hải Dương), sông Hồng (Hà Nội), sông Hoàng Long (Ninh Bình) đang lên; sông Lục Nam (Bắc Giang) đang xuống.
Trong 10 giờ tới, lũ trên sông Thao tại Yên Bái tiếp tục xuống nhưng vẫn trên mức báo động 3, tại Phú Thọ biến đổi chậm ở mức báo động 2.
Lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang có khả năng đạt đỉnh 27,8m, trên báo động 3 khoảng 1,8m vào sáng sớm 11/9 sau đó xuống chậm; tại Vụ Quang tiếp tục lên và đạt đỉnh ở mức 21m, trên mức báo động 3 vào trưa 11/9, sau đó xuống.
Lũ trên sông Cầu tiếp tục lên và ở trên mức báo động 3; lũ trên sông Thương sẽ biến đổi chậm ở trên mức báo động 3; lũ trên sông Lục Nam xuống chậm nhưng vẫn ở trên mức báo động 2; lũ trên sông Thái Bình tiếp tục lên mức báo động 3; lũ trên sông Hoàng Long sẽ biến đổi chậm trên mức báo động 3.
Đáng lưu ý, lũ trên sông Hồng tại Hà Nội có khả năng đạt đỉnh vào trưa 11/9.
Còn lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang những giờ tiếp theo sẽ xuống chậm nhưng vẫn ở trên mức báo động 3, tại Vụ Quang sẽ xuống nhưng vẫn ở trên mức báo động 2.
Trong 12 đến 24 giờ tới, mực nước các trạm hạ lưu hệ thống sông Hồng – Thái Bình lên mức báo động 3 và trên báo động 3.
Mực nước lũ lên cao gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bãi bồi ngoài đê chính, gây tràn vỡ các đê bôí ven sông, sạt lở đê kè ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vị trí xung yếu thuộc hệ thống đê, kè, công trình ven sông thuộc các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình.
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo nguy cơ ngập lụt, khả năng xảy ra các thiên tai khác đi kèm tại các vùng trũng thấp ven sông thuộc các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hòa Bình.
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc cho biết đến 5h ngày 11/9, mực nước trên sông Hồng là 10,76m, trên báo động 2 (báo động 2 là 10,50m). Trong những giờ tiếp theo, mực nước trên sông Hồng vẫn có khả năng dâng cao.
Thông tin từ Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đoạn đê bị sự cố dài khoảng 10m thuộc tuyến đê tả Lô trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, là đê cấp V.
Đoạn đê bảo vệ cho khu vực có dân cư sinh sống. Hiện địa phương xử lý đoạn đê bị sự cố; đã di dời 40 hộ dân có nguy cơ bị ngập nếu nước sông tràn vào.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết từ đêm 10/9 đến chiều 11/9, vùng núi và trung du Bắc Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 30-60mm, cục bộ có nơi trên 120mm.
Riêng Lào Cai, Yên Bái có mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 40-80mm, cục bộ có nơi trên 150mm.
Đêm 11/9, có mưa vừa và dông, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa phổ biến 20-40mm, cục bộ có nơi trên 70mm.
Khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Thanh Hóa từ đêm 10/9 đến chiều 11/9, có mưa to đến rất to và dông với lượng mưa phổ biến 50-120mm, cục bộ có nơi trên 250mm.
Đêm 11/9 đến chiều 12/9, có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 30-70mm, cục bộ có nơi trên 120mm.
Khu vực Nghệ An từ đêm 10/9 đến sáng 11/9 có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 20-50mm, có nơi trên 100mm.
Ngày 11/9, khu vực từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa 15-30mm, cục bộ có nơi trên 70mm.
Khu vực Đà Nẵng đến Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam Bộ chiều và đêm có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa 10-30mm, cục bộ có nơi trên 70mm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Đáng lưu ý chiều tối và đêm 12/9 Bắc và Trung Trung Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to.
Dự báo thời tiết ngày 11/9 các vùng trên cả nước:
– Hà Nội: Có mưa to đến rất to và có nơi có dông, gió đông đến đông bắc cấp 2-3. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
– Phía Tây Bắc Bộ: Trời nhiều mây, có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông; riêng khu vực Lào Cai, Yên Bái và Hòa Bình có mưa to đến rất to, gió nhẹ.
– Phía Đông Bắc Bộ: Có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông; riêng khu vực đồng bằng có mưa to đến rất to, gió đông đến đông bắc cấp 2-3. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
– Thanh Hóa – Thừa Thiên Huế: Có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to (tập trung vào chiều tối và đêm), riêng Thanh Hóa có mưa to đến rất to và dông, gió nhẹ.
– Đà Nẵng đến Bình Thuận: có mây, chiều tối và đêm có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to; ngày nắng, gió tây nam cấp 2-3.
– Tây Nguyên: Mưa rào và dông vài nơi; riêng chiều tối và tối có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to.
– Nam Bộ: Có mưa rào và dông vài nơi; riêng chiều tối và tối có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to.