(Dân trí) – Khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ vẫn đang có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Nước sông Thao, sông Lô, sông Cầu, sông Thương, sông Thái Bình và sông Hồng đều đang dâng cao.
Sáng 10/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính quyết định hoãn họp Thường trực Chính phủ để đi chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ tại tỉnh Bắc Giang.
Cũng như ở nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc, những ngày qua, tại tỉnh Bắc Giang có mưa to, mực nước các sông trên địa bàn đều vượt báo động II, báo động III; các hồ chứa trên địa bàn tỉnh đều đạt trên 100% dung tích chứa bình quân. Tỉnh vận hành 27 trạm với 216 tổ máy để chống ngập. Tuy nhiên, tình trạng ngập úng vẫn xảy ra ở nhiều nơi.
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Dương Văn An và Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo, bàn các giải pháp khắc phục sự cố sà lan đâm vào cầu Vĩnh Phú (nối huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc với TP Việt Trì, Phú Thọ) sáng 10/9.
Ông An yêu cầu các lực lượng chức năng tạm dừng các phương tiện lưu thông trên cầu; triển khai các biện pháp cứu hộ, cứu nạn các sà lan mắc kẹt; đồng thời đặt biển cảnh báo, phân luồng, bảo đảm an toàn giao thông cho người dân hai bên cầu.
Hiện tất cả các lực lượng liên quan của Vĩnh Phúc có mặt để tìm phương án tối ưu nhất, tập trung khắc phục sự cố.
Sáng 10/9, UBND tỉnh Phú Thọ thông tin nhiều nơi mưa to đến rất to. Cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất.
Do ảnh hưởng của mưa, lũ mực nước sông Hồng lên cao gây ngập tại một số tuyến đường trên địa bàn huyện Hạ Hòa, các phương tiện giao thông không lưu thông được.
Công an tỉnh Phú Thọ đã ra thông báo phân luồng phương tiện giao thông.
Công an Phú Thọ thông báo người dân trên địa bàn huyện Hạ Hòa hoặc qua huyện Hạ Hòa đi tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hà Nội có thể lựa chọn các tuyến đường sau:
Tuyến thứ nhất: Huyện Hạ Hòa → đi huyện Cẩm Khê → nút giao IC10 (cao tốc Nội Bài – Lào Cai) → lên cao tốc Nội Bài – Lào Cai → đi Yên Bái, Lào Cai, Vĩnh Phú, Hà Nội và ngược lại.
Tuyến thứ hai: Huyện Hạ Hòa → đi Quốc lộ 70B → đi huyện Đoan Hùng → đi Quốc lộ 70 → đi Yên Bái, Lào Cai và ngược lại.
Thông báo từ Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Hà Nam, mực nước trên sông Đáy tại Phủ Lý đo lúc 2h sáng ngày 10/9 là 4,06m (trên mức báo động III: 0,06m).
Do ảnh hưởng của lũ trên sông Đáy gây ra tình trạng ngập lụt tại các vùng trũng thấp, ảnh hưởng đến các hoạt động giao thông đường thủy, các công trình nuôi trồng thủy sản trên sông, sản xuất nông nghiệp ven sông Đáy.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Hà Nam đề nghị sẵn sàng phương án hộ đê, bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu và các cống dưới đê; chủ động triển khai phương án sơ tán dân sinh sống ở vùng bãi sông, đảm bảo an toàn về người và tài sản cho nhân dân.
Hải Dương phát lệnh báo động số II trên hệ thống sông Thái Bình
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương, hiện hồ thủy điện Hòa Bình đang mở 2 cửa xả đáy, hồ thủy điện Tuyên Quang mở 8 cửa xả đáy. Mực nước sông Thái Bình tại Phả Lại (Hải Dương) lúc 6h ngày 10/9 là 5,2m, cao hơn 0,2m so với mức báo động II.
Cấm xe vào cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ
Ngày 10/9, Cục CSGT (Bộ Công an) thông tin, khu vực Km191 đến Km191+500 tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ ngập cả 2 chiều, các xe đi lại không đảm bảo an toàn.
Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 3, Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt (Đội 3, Cục CSGT, Bộ Công an) tổ chức cấm đường cho đến khi đảm bảo an toàn mới tiếp tục cho phương tiện lưu thông.
Qua rà soát các khu vực xung yếu có nguy thiên tai cao, tỉnh Hòa Bình xác định có khoảng 135 điểm dân cư nguy cơ thiên tai cao với khoảng 6.000 hộ dân nằm trong vùng bị ảnh hưởng.
Trong đó có 85 điểm được xác định là khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất, đá lăn.
Với lượng mưa đã tích tụ thời gian qua cộng với diễn biến mưa tiếp tục kéo dài, độ ẩm đất tại nhiều khu vực thuộc các huyện: Lạc Thủy, Kim Bôi, Lạc Sơn, Cao Phong, thành phố Hòa Bình, đặc biệt là 2 huyện vùng cao Đà Bắc và Mai Châu đã gần bão hòa hoặc đạt trạng thái bão hòa, là những vùng nguy cơ cao sạt lở.
7 phút trước
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình ra lệnh báo động số II trên sông Trà Lý, số I trên sông Hồng, sông Luộc, sông Hóa.
Theo đó, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình yêu cầu Chủ tịch UBND tất cả huyện, thành phố, Công ty khai thác công trình thủy lợi Bắc và Nam Thái Bình chỉ đạo thực hiện việc tuần tra, canh gác đê, tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời những diễn biến hư hỏng của đê, kè, cống do lũ gây ra; đặc biệt là các trọng điểm xung yếu đê điều, các đoạn đê có địa chất xấu, các vị trí có ao đầm sát chân đê theo phương châm “4 tại chỗ”.
Các địa phương kiên quyết giải phóng các bãi vật liệu, hàng hóa ở bãi sông gây cản trở thoát lũ, triển khai ngay các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, hoa màu, hàng hóa và tài sản ngoài bãi sông, các công trình đang thi công trên sông, ven sông.
Các địa phương khẩn trương thu hoạch cây trồng, vật nuôi khu vực bãi thấp ven sông, cửa sông ven biển đến kỳ thu hoạch, chằng chống các lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản để giảm thiểu thiệt hại do việc xả lũ hồ chứa gây ra.
Các địa phương chủ động triển khai các phương án bảo vệ trọng điểm đê xung yếu, các công trình đê điều, chống tràn các vị trí đê thấp, đê bối, bờ bao tại các tuyến đê, đặc biệt khu vực hạ du, cửa sông, ven biển; đảm bảo an toàn cho người và tài sản ở khu vực bờ bao ven cửa sông, ven biển đề phòng lũ kết hợp triều cường gây tràn, vỡ bờ bao, đê bối.
Tại sông Trà Lý, nếu xét thấy khả năng không an toàn, địa phương phải chủ động cho nước vào đề phòng vỡ đột ngột gây thiệt hại về người và tài sản sau khi đã di dời người và tài sản vào trong đê chính.
Các địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời ứng cứu khi có yêu cầu, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của lũ, trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, sáng 10/9 trên địa bàn tỉnh Thái Bình có mưa to đến rất to, lượng mưa các nơi phổ biến từ 50-130mm, có nơi cao hơn. Trong đêm qua, nhiều nơi trên địa bàn thành phố Thái Bình đã ngập úng, nước tràn vào nhà dân.
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thái Bình, dự báo trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục có mưa vừa, mưa to. Nguy cơ cao ngập úng vùng trũng, thấp tại nhiều nơi. Hiện, mực nước các sông đang lên nhanh. Cảnh báo mực nước tiếp tục lên gây ra tình trạng ngập lụt tại các vùng trũng, thấp, khu vực ven sông…
Mặc dù đêm qua nhiều nơi có mưa, song sáng nay, mực nước trên sông Hồng tại thành phố Lào Cai đã rút xuống khoảng 1m so với thời điểm 20h tối qua.
Nước rút để lại lớp bùn dày cùng la liệt rác trên đường phố Lào Cai.
Sà lan trôi dạt đâm vào cầu Vĩnh Phú ở Phú Thọ.
Trao đổi với phóng viên Dân trí sáng 10/9, ông Phan Quốc Khánh, Chủ tịch UBND phường Dữu Lâu (TP Việt Trì, Phú Thọ), cho biết, Công an tỉnh Phú Thọ đã dựng rào chắn, cấm các phương tiện qua cầu Vĩnh Phú do có một sà lan trôi dạt, đâm vào cầu.
“Hiện lực lượng chức năng, CSGT đã chặn hai đầu cầu, phân luồng phương tiện”, ông Khánh nói.
Đường phố Nam Định sáng 10/9 (Ảnh: Thu Dior).
Đêm 9/9, tại TP Nam Định xảy ra mưa lớn. Nhiều tuyến đường đã ngập sâu , người dân căng mình di chuyển tài sản tránh lụt trong đêm.
Khu vực sát bờ sông Hồng thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, ngập sâu (Ảnh: CTV)
Cảnh báo mưa lũ diện rộng, sạt lở và lũ quét nguy hiểm
Bản tin thời tiết mưa lớn ở miền Bắc ngày 10/9 (Nguồn: VTV).
Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết trận mưa rạng sáng 10/9, đã khiến nhiều điểm bị ngập.
Lượng mưa đo được đến 6h30 ngày 10/9, tại quận
Hoàn Kiếm là 110mm, quận Hoàng Mai là 330mm, quận Ba Đình 99mm, quận Cầu Giấy 120mm, quận Hai Bà Trưng 178mm, Tây Hồ 125mm, quận Đống Đa 98mm, quận Nam Từ Liêm137 mm, quận Thanh Xuân180 mm, quận Hà Đông 146mm.
Khu vực huyện Thanh Trì lượng mưa đo được là 237mm, Sóc Sơn 52mm, Đông Anh 90mm, Đan Phượng 67mm.
Mực nước trên sông Kim Ngưu (TL Cống Quay) là 3.97m, sông Tô Lịch (TL đập Thanh Liệt) 4.52m, sông Tô Lịch (HL đập Thanh Liệt) 5.65m, sông Lừ (tại cầu Định Công) 4.76m, sông Nhuệ (Cống Hà Đông) 5.54m.
Mực nước đo tại bến đò Ngọc Lâm ghi nhận lúc 6h30 sáng là 9,1m. Đến 8h, thước đo mực nước 9,2m đã bị nước sông ngập hoàn toàn. Tính từ 17h chiều qua, nước sông Hồng đã dâng cao 2m sau 14 tiếng (Ảnh: TIến Tuấn)
Trong công điện đêm 9/9, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các cấp, các ngành tổ chức trực ban, ứng trực 24/24h: theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ.
Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã chủ động rà soát, sẵn sàng các phương án sơ tán người dân, di chuyển tài sản đến nơi an toàn khi cần thiết; xác định các khu vực nguy hiểm, khu vực có địa hình trũng, thấp dễ xảy ra ngập sâu, cô lập, khu vực sát bờ sông, nguy cơ sạt lở nguy hiểm, khu vực bãi giữa sông Hồng, lên danh sách các hộ dân cần sơ tán.
Các quận, huyện, thị xã chuẩn bị điểm sơ tán an toàn, đảm bảo đủ chỗ ở, lương thực, nước uống, thuốc men cho người dân; hướng dẫn người dân nắm rõ quy trình, thao tác khi có lệnh sơ tán; kiên quyết triển khai phương án sơ tán, đảm bảo an toàn đối với người dân; phân công cán bộ phụ trách từng khu vực, hộ gia đình cần sơ tán, đảm bảo không bỏ sót người dân.
Lúc 7h30, lối lên cầu Chương Dương ùn tắc kéo dài (Ảnh: Mạnh Quân)
8h30 sáng 10/9, Hà Nội bắt đầu hạn chế phương tiện giao thông di chuyển qua cầu Chương Dương do nước sông Hồng lên cao, chảy xiết.
Theo đó, Hà Nội cấm các xe ô tô hợp đồng, xe khách, xe du lịch trên 9 chỗ ngồi và xe có tải trọng trên 0,5 tấn di chuyển qua cầu Chương Dương.
Các xe này chỉ có thể đi qua các cầu Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Tuy và Thăng Long.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, lúc 6h30 ngày 10/9, nước sông Hồng đã lên ngập bãi giữa, đoạn qua khu vực trung tâm TP Hà Nội.
Nước sông Hồng dâng cao, ngập bãi giữa (Ảnh: Mạnh Quân)
Trong đêm 9/9, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Công điện số 13/CĐ-UBND về việc tập trung ứng phó lũ lớn trên các tuyến sông.
Theo đó, để chủ động ứng phó với lũ lớn trên sông, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các cấp, các ngành căn cứ tình hình mưa lũ, chủ động kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án hộ đê, phương án ứng phó với mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với địa bàn, phạm vi, lĩnh vực quản lý; tổ chức thông báo ngay đến người dân, các tổ chức có hoạt động ở khu vực bãi sông, trên sông biết để chủ động phòng, tránh bảo đảm an toàn.
Người dân chèo thuyền qua khu vực gần cầu Long Biên (Ảnh: Mạnh Quân)
Đêm 9/9, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết hiện trạng diễn biến lũ trong 12 giờ qua trên sông Thao (Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ), sông Lô (Tuyên Quang, Phú Thọ), sông Cầu (Thái Nguyên, Bắc Ninh) và sông Thương (Bắc Giang), sông Thái Bình (Hải Dương), sông Hồng (Hà Nội) đang lên; cảnh báo tình trạng ngập úng, lũ quét và sạt lở nghiêm trọng tại miền Bắc.
Nước sông Hồng lên nhanh, 7h sáng 10/9 vượt mức báo động I (Ảnh: Mạnh Quân).
Tối 9/9, mực nước tại sông Hồng liên tục tăng nhanh khiến nhiều khu vực gần sông rơi vào tình trạng ngập úng.
Trong đêm 9/9, rạng sáng 10/9, nước dâng cao tại lối xuống bãi xe Chương Dương Độ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), lực lượng chức năng chặn đường, cảnh báo người dân không tiếp cận khu vực nguy hiểm.
22h, nước dâng cao ở cuối ngõ 76 An Dương (quận Tây Hồ). Càng tiến sâu vào ngõ, nước càng dâng cao đến quá nửa người. Nước ngập nhanh vào buổi tối khiến người dân không kịp trở tay.
Tại khu vực Tứ Liên, nước cũng ngập ngoài bãi, mực nước lên nhanh khiến người dân hoang mang vì nhiều hoa màu, đặc biệt là quất cảnh bị ngập úng.
Trước tình hình nước sông Hồng dâng cao, gây nguy cơ ngập lụt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã sẵn sàng sơ tán người dân sống tại khu vực bãi giữa sông Hồng trên địa bàn các quận: Tây Hồ, Ba Đình, Long Biên…
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/lu-lon-tren-cac-tuyen-song-ha-noi-san-sang-phuong-an-so-tan-dan-20240910075152360.htm