(Dân trí) – Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, lúc 21h30, Hà Nội đã ngớt mưa và có gió nhẹ, tuy nhiên trên nhiều tuyến đường phố cây xanh đổ la liệt do bão Yagi.
– 15h: Tâm bão trên đất liền Quảng Ninh – Hải Phòng. Bão giữ nguyên sức gió (cấp 12-13) và tốc độ di chuyển (15-20km/h).
– 16h: Tâm bão trên đất liền Quảng Ninh – Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất cấp 11-12, giật cấp 15.
– 15h: Tâm bão trên đất liền Quảng Ninh – Hải Phòng. Bão giữ nguyên sức gió (cấp 12-13) và tốc độ di chuyển (15-20km/h).
– 13h: Bão đổ bộ Móng Cái (Quảng Ninh), cấp 12-13, giật cấp 16.
– 12h: Tâm bão Yagi trên vùng biển Quảng Ninh – Hải Phòng; sức gió cấp 13, giật cấp 16.
– 11h30: bão Yagi tiệm cận bờ biển Quảng Ninh – Thái Bình.
– 10h: Bão trên vùng biển Quảng Ninh – Hải Phòng, giảm xuống cấp 13.
– 8h: Tâm bão cách Quảng Ninh – Hải Phòng 132km, duy trì cấp 14.
– 7h: Tâm bão Yagi cách Quảng Ninh – Hải Phòng 153km; cấp 14.
– 6h: Tâm bão cách bờ biển Quảng Ninh – Hải Phòng 160km; cấp 14.
– 5h: Tâm bão trên vùng biển vịnh Bắc Bộ; cách Quảng Ninh – Hải Phòng 190km; cấp 14.
Cây xanh bị đổ do mưa bão trên phố Hào Nam (Ảnh: Minh Nhân).
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, lúc 21h30, Hà Nội đã ngớt mưa, gió, trên nhiều tuyến đường phố cây xanh đổ la liệt.
Cây xanh bị đổ trên phố Vũ Thạnh, Hà Nội (Ảnh: Minh Nhân).
Do ảnh hưởng của mưa lớn và gió giật mạnh, một căn hộ ở tầng 29 của tòa chung cư trên đường Lê Trọng Tấn, Hà Đông bị sập trần.
Một căn hộ ở tầng 29 của tòa chung cư trên đường Lê Trọng Tấn, Hà Đông bị sập trần (Ảnh: Anh Túc).
Chủ nhà cho biết, khoảng 18h ngày 7/9, trần nhà anh có dấu hiệu nứt vỡ và sau đó 30 phút thì sập xuống toàn bộ, rất may không rơi trúng các thành viên trong nhà.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết lúc 22h, vị trí tâm bão Yagi vào khoảng 21.0 độ Vĩ Bắc; 105.5 độ Kinh Đông trên đất liền Hà Nội.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 8-9 (62-74km/h), giật cấp 11. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 15-20km/h.
TP Móng Cái và nhiều địa phương ở tỉnh Quảng Ninh mất điện diện rộng (Ảnh: Nguyễn Dương).
Theo báo cáo của Công an tỉnh Quảng Ninh, tính đến 16h ngày 7/9, đã xảy ra mất điện diện rộng trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Ninh, vì vậy hệ thống thông tin liên lạc đang bị gián đoạn. Công ty Điện lực Quảng Ninh đang tiến hành thống kê thiệt hại, khắc phục sự cố.
Ghi nhận của phóng viên Dân trí, ngoài mất điện lưới diện rộng, tại nhiều địa bàn ở Quảng Ninh sóng internet 4G cũng bị ảnh hưởng, phần lớn là mất hẳn, còn lại chập chờn.
Theo Báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) TP Hải Phòng, tính đến 18h30 cùng ngày, trên địa bàn thành phố có 13 người bị thương tại gia đình do vỡ kính, đã được sơ cứu ở Trung tâm Y tế huyện.
“Nhiều nơi trên địa bàn TP Hải Phòng bị cắt điện; nhiều nhà dân, trụ sở một số cơ quan, đơn vị, xưởng sản xuất, trang trại chăn nuôi bị tốc mái và cột điện hạ thế bị gãy đổ”, theo báo cáo.
Còn theo phản ánh của nhiều người dân ở TP Hải Phòng, địa phương này đang xảy ra mất điện lưới diện rộng, sóng điện thoại bị ảnh hưởng nên không thể liên lạc được.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, lúc 19h ngày 7/9, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 20,9 độ Vĩ Bắc; 106,0 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực đồng bằng Bắc Bộ.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (89-117km/h), giật cấp 14, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, khu vực phía Đông Bắc Bộ đã có mưa to đến rất to.
Lượng mưa tính từ 00h đến 19h ngày 7/9 có nơi trên 200mm như: Cát Bà (Hải Phòng) 215mm, Đông Triều (Quảng Ninh) 224mm, Cẩm Phả (Quảng Ninh) 213mm, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 220mm, Phủ Dực (Thái Bình) 409mm, Giao Thủy (Nam Định) 221mm,…
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết lúc 19h, tâm bão Yagi đang trên đất liền tỉnh Hải Dương.
Sức gió mạnh nhất cấp 10-11 (89-117km/h), giật cấp 13. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 15km/h.
Hình ảnh căn nhà cấp 4 bị gió bão làm đổ sập (Ảnh: Hoàng Tuấn).
Trao đổi với phóng viên Dân trí chiều 7/9, lãnh đạo UBND huyện Thạch Thất (Hà Nội) cho biết, khoảng 16h cùng ngày, gió bão lớn đã gây sập căn nhà cấp 4 – nơi bán hàng của một hộ dân trên địa bàn xã Dị Nậu (huyện Thạch Thất). Toàn bộ phần mái và thân nhà được che chắn bằng mái tôn bị đổ sập.
“Rất may thời điểm xảy ra sự việc không có ai ở trong nhà. Đây chỉ là căn nhà cấp 4 chứ không phải nhà 4 tầng như mạng xã hội đăng. Căn nhà tạm này dùng để bán hàng đồ chơi trẻ em.
Sau khi nhận tin báo, công an xã phối hợp với lực lượng chức năng tới hiện trường dọn dẹp, làm rõ sự việc, lãnh đạo UBND huyện Thạch Thất thông tin.
Cũng trong chiều nay, mạng xã hội xuất hiện thông tin có một căn nhà trên phố Khâm Thiên (phường Thổ Quan, quận Đống Đa) bị sập do mưa bão.
Tuy nhiên, chỉ huy Công an phường Thổ Quan bác bỏ thông tin và cho biết đây là thông tin bịa đặt.
Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân huyện Mường Lát di dời đồ đạc, sơ tán đến nơi an toàn (Ảnh: Hải Đăng).
Thông tin mới nhất từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa, dự kiến từ tối 7/9 đến sáng 8/9, trên địa bàn sẽ xảy ra mưa cục bộ, mưa to đến rất to.
Cụ thể, lượng mưa phổ biến ở khu vực phía Nam, Tây Nam từ 50 đến 100mm, có nơi trên 150mm. Riêng khu vực phía Bắc, Tây Bắc như các huyện: Cẩm Thủy, Thạch Thành, Bá Thước, Quan Hóa lượng mưa có khả năng đạt 70-150mm, có nơi trên 200mm.
Để chủ động ứng phó với hoàn lưu bão Yagi, các huyện trên địa bàn đã tổ chức sơ tán 296 hộ dân với 1.134 nhân khẩu tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng trũng đến nơi an toàn.
Theo thông tin từ Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đến 17h ngày 7/9, bão Yagi đã khiến 4 người tử vong (Quảng Ninh 3, Hải Dương 1) và 78 người bị thương (Quảng Ninh 58, Hải Phòng 20).
Về tàu thuyền, bão Yagi đã khiến 5 tàu xi măng, 1 tàu gỗ loại nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu (Quảng Ninh); 1 tàu vận tải bị đứt neo trôi dạt; Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương mất điện diện rộng.
Nhiều nhà ở bị hư hỏng, tốc mái và hàng nghìn cây xanh bị ngã đổ tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang.
Trong bản tin chi tiết lúc 17h, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết vào 16h, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 106,5 độ Kinh Đông, trên đất liền Quảng Ninh – Hải Phòng.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (103-133km/h), giật cấp 15, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 15-20km/h.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 tại đảo Bạch Long Vĩ có gió mạnh cấp 13, giật cấp 14; đảo Cô Tô có gió mạnh cấp 13, giật cấp 16; Tiên Yên (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 9, giật cấp 11; Đầm Hà (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 10, giật cấp 13; Cửa Ông (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 12, giật cấp 14; Phủ Liễn (Hải Phòng) gió mạnh cấp 11, giật cấp 14; Cát Hải (Hải Phòng) gió mạnh cấp 11, giật cấp 14,…
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh khuyến cáo người dân thành phố không ra khỏi nhà để tránh rủi ro, thiệt hại về người.
Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh trọng tâm là bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân và bảo vệ tài sản; đặc biệt chú trọng bảo vệ đê, hồ đập, những khu vực xung yếu, khu vực có nguy cơ cao về mất an toàn trên địa bàn…
Cây lớn đổ đè vào nhà dân trên phố Bà Triệu (Ảnh: Hữu Nghị)
Người đứng đầu chính quyền Thủ đô đã yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó mưa, bão, lũ, thiên tai với tinh thần chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước.
Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền cho toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân nhận thức rõ mức độ nguy hiểm do bão số 3 gây ra, tập trung kêu gọi, vận động người dân khẩn trương về nơi cư trú an toàn; tránh tư tưởng phó mặc trong công tác phòng, chống bão cho cơ quan chức năng, đặc biệt là tư tưởng chủ quan, lơ là.
Thông tin cập nhật từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, vào lúc 16h, tâm bão Yagi ở vào khoảng 20.8 độ Vĩ Bắc; 106.5 độ Kinh Đông, trên đất liền Quảng Ninh – Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất cấp 12-13 (118-149km/h), giật cấp 16.
Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15-20km/h.
16h, tâm bão Yagi ở vào khoảng 20.8 độ Vĩ Bắc; 106.5 độ Kinh Đông, trên đất liền Quảng Ninh – Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất cấp 12-13 (118-149km/h), giật cấp 16.
Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15-20km/h.
Theo thông tin Đài khí tượng Thủy văn Thanh Hóa, trong 6 giờ tới, tỉnh Thanh Hóa có lượng mưa tích lũy phổ biến từ 20 đến 50mm, có nơi trên 50mm. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất trên địa bàn 11 huyện miền núi của tỉnh. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do dòng chảy ở cấp 1.
Mặc dù bão Yagi không trực tiếp đổ bộ vào tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, mưa lớn trên diện rộng đã xuất hiện.
Nhằm giảm thiểu những thiệt hại do bão số 3 gây ra, Trung đoàn 3 (Sư đoàn 324, Quân khu 4) đã điều động 500 cán bộ, chiến sĩ đến các xã trên địa bàn huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) giúp nhân dân phát quang đường làng ngõ xóm, nạo vét kênh mương, khơi thông cống rãnh (Ảnh: Khánh Trình).
Chiều 7/9, đại diện UBND phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, vào khoảng 14h30 cùng ngày tại đường Nguyễn Phan Chánh (đoạn trước tòa HH2B chung cư HH Linh Đàm), gió lớn quật gãy cành cây bên đường rồi rơi trúng 2 xe máy, khiến 2 người và 2 chiếc xe máy bị quật ngã ra đường.
“Rất may vụ việc không làm ai bị thương. Thời điểm xảy ra sự việc, 2 người đi trên 2 xe máy kịp nhảy ra ngoài, các lực lượng tại chỗ và người dân đã giúp các nạn nhân đi vào nơi an toàn. Đồng thời dọn dẹp lại cây cối bị đổ gãy”, đại diện UBND phường Hoàng Liệt thông tin.
15h30, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết bão số 3 đang tiếp tục di chuyển vào các tỉnh đất liền Đông Bắc.
Trong những giờ qua, 2 tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng đã ghi nhận gió rất mạnh như tại Bãi Cháy (Quảng Ninh) có gió mạnh cấp 14, giật cấp 17,…
Ông Hưởng đánh giá, hiện tại bão Yagi đang đạt cường độ đỉnh điểm và càng di chuyển sâu trong đất liền cường độ bão sẽ càng suy yếu dần.
Ông Nguyễn Văn Hưởng (Ảnh: Nguyễn Hải).
“Với cường độ hiện tại bão đang cấp 12-13, gió giật cấp 14 là rất mạnh. Trong thời gian tới khi di chuyển sâu vào đất liền sẽ còn mạnh cấp 9-10, ngay tại Hà Nội cũng sẽ có gió mạnh cấp 6-7 và giật cấp 9-10, đây là điều rất hiếm thấy.
Thời gian tới nguy hiểm về gió mạnh và mưa lớn là rất nhiều, người dân cần hết sức đề phòng”, ông Hưởng nói.
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết lúc 15h, tâm bão Yagi vào khoảng 20.9 độ Vĩ Bắc; 106.8 độ Kinh Đông, trên đất liền Quảng Ninh – Hải Phòng.
Sức gió mạnh nhất cấp 12-13 (118-149km/h), giật cấp 16.
Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15-20km/h.
Như vậy, sau 2 giờ đổ bộ vào đất liền, bão Yagi vẫn giữ sức gió mạnh cấp 12-13 và tốc độ di chuyển.
Ứng phó với bão Yagi, Bộ Công an chỉ đạo công an các tỉnh khu vực đồng bằng Bắc Bộ ứng trực 100% quân số.
Một trong những lực lượng cùng tham gia chống bão Yagi là Trung đoàn Cảnh sát cơ động Đông Bắc (Quảng Ninh) và Trung đoàn Cảnh sát cơ động Bắc Trung bộ (Bộ Tư lệnh CSCĐ), đóng quân tại Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Hà Tĩnh.
Theo Bộ Tư lệnh CSCĐ, 2 Trung đoàn trên đã chuẩn bị về mọi mặt, sẵn sàng các phương án đối phó khi bão đổ bộ.
Trong đó, lực lượng CSCĐ luôn sẵn sàng ra quân tăng cường, tập trung hỗ trợ địa phương tổ chức cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả do bão, mưa lũ gây ra khi có yêu cầu và lệnh điều động.
Thượng tá Thái Doãn Bằng, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động Bắc Trung bộ yêu cầu các đơn vị trực thuộc chủ động tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình bão, mưa, lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó bão số 3, không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.
Bão Yagi mới vào đến Quảng Ninh – Hải Phòng nhưng tại Hà Nội đã có gió giật rất mạnh, hàng trăm cây xanh đổ la liệt trên khắp các tuyến phố.
Khoảng 10km Quốc lộ 18 qua TP Cẩm Phả tan hoang trong bão. Hầu hết cột điện cao thế và cây xanh trên hè phố bên phải Quốc lộ này đã gãy đổ.
Ông Đồng Văn Thắng (65 tuổi, phường Cẩm Sơn, TP Cẩm Phả, Quảng Ninh) cho biết, ông chưa từng chứng kiến cơn bão nào to như bão Yagi, giông lốc lớn xuất hiện từ 9h làm đổ nhiều cây xanh và cột điện trên đường.
“Khoảng 12h tôi cùng vợ đang ngồi trong nhà thì nghe một tiếng ầm, nhà tôi rung lên như động đất. Tôi nhìn ra đường thì thấy 2 trụ điện bị gãy”, ông Thắng kể.
Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai cho biết đến 13h, tại Quảng Ninh, Hải Phòng bão số 3 đã làm 5 tàu xi măng, 1 tàu gỗ loại nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu; 146 cây xanh bị đổ; 2 cột điện hạ thế, 1 trạm biến thế bị hư hỏng; các huyện Cẩm Phả, Vân Đồn (Quảng Ninh) mất điện diện rộng.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết lúc 13h, bão Yagi đã ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền các tỉnh Quảng Ninh – Hải Phòng, khu vực chịu ảnh hưởng đầu tiên là TP Móng Cái (Quảng Ninh).
Bão mạnh cấp 11-12, giật cấp 13-14.
Trong 3 giờ tiếp theo, bão tiếp tục đi sâu vào đất liền 2 tỉnh này và ảnh hưởng đến các tỉnh lân cận.
Từ 12h, tại các huyện ven biển Thái Bình gió mạnh dần lên cấp 9, giật cấp 10, gió rít mạnh từng cơn. Nhiều cây xanh bị gió thổi gãy cành, bật gốc, một số mái tôn nhà dân bị thổi bay.
Tại TP Thái Bình, do ảnh hưởng của bão trên tuyến đường nhiều cây xanh bị bật gốc, đổ ra đường. Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thái Bình đang khẩn trương thu dọn, giải phóng hiện trường.
Trong sáng nay, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình đã cử các đoàn đi kiểm tra, nắm tình hình tại các xã, thị trấn ven biển. Một số nơi trên địa bàn tỉnh đang mất điện.
Trưa ngày 7/9, nhiều người dân sống tại chung cư A7 Tân Mai, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội đang tránh bão tại Trường tiểu học Tân Mai nhận được những suất cơm do UBND phường hỗ trợ, do nhân viên y tế và cán bộ phường đưa đến tận tay người dân.
“Lâu lắm rồi, cả 4 thành viên gia đình mới cùng nhau ăn một bữa cơm, và điều này lại diễn ra tại nơi sơ tán”, bà Hoàng Thị Huyền (65 tuổi, phường Tân Mai) xúc động nói.
Hà Nội thời điểm 13h, mưa không quá lớn nhưng gió rít rất mạnh, người đi xe máy gần như không thể di chuyển. Nhiều người dân chọn cách tránh trú ở nơi khuất gió, dưới gầm cầu cạn.
Lúc 12h15 tại phường Cẩm Sơn, TP Cẩm Phả, Quảng Ninh, gió giật dữ dội, cột điện và cây xanh ngã đổ ra đường kéo dài nhiều cây số.
Sức gió mạnh làm nghiêng ngả xe ô tô đỗ hai bên đường. Tấm tôn bay khắp nơi, va chạm nhau tạo nên những tiếng loảng xoảng, kèm tiếng gió rít…
Theo nhà chức trách địa phương, tại Cẩm Phả, từ 9h30 đến 12h ngày 7/9, các mỏ đều trong tình trạng mất điện lưới. Để đảm bảo cho mỏ an toàn, các đơn vị hầm lò đã kích hoạt chạy máy phát điện ưu tiên phục vụ bơm thoát nước mỏ, quạt gió.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 12h, tâm bão Yagi vào khoảng 20.7 độ Vĩ Bắc; 107.3 độ Kinh Đông, trên vùng biển Quảng Ninh – Hải Phòng.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 13 (134-149km/h), giật cấp 16. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15-20km/h.
Trưa 7/9, đại diện Sở GTVT Hải Phòng cho biết, do ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, đơn vị đề nghị các cơ quan, đơn vị tổ thực hiện tổ chức rào chắn cấm phương tiện tham gia giao thông qua cầu Bính, cầu Hoàng Văn Thụ.
Sở cũng đề nghị Khu Quản lý đường bộ I chỉ đạo tổ chức quản lý, theo dõi diễn biến bão và cấm phương tiện qua cầu Kiền, cầu Tân Vũ – Lạch Huyện, bố trí lực lượng tổ chức điều tiết đảm bảo giao thông.
Sở GTVT Hải Phòng cũng đề nghị Công an TP Hải Phòng bố trí lực lượng phối hợp cùng trật tự giao thông thành phố điều tiết giao thông khi cấm phương tiện qua cầu Bính, cầu Hoàng Văn Thụ, cầu Kiền, cầu Tân Vũ – Lạch Huyện, cầu Bến Rừng để đảm bảo an toàn.
Theo thông tin từ UBND huyện Cát Hải, từ 10h30, địa phương phối hợp với liên ngành tổ chức rào chắn, cấm phương tiện qua cầu Tân Vũ – Lạch Huyện.
Cũng trong trưa 7/9, Công ty CP BOT cầu Bạch Đằng đã gửi công văn tới các đơn vị thuộc TP Hải Phòng về việc cấm các phương tiện giao thông qua cầu Bạch Đằng theo phương án tổ chức giao thông được Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời, đề nghị các quận Hải An, Công ty TNHH Vận tỉa Hoàng Phong – Hải Phòng, các đơn vị liên quan phối hợp thực hiện.
11h30, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết bão Yagi đã tiệm cận bờ biển Quảng Ninh – Thái Bình.
Trong khoảng 1-3 giờ tới tâm bão di chuyển vào Quảng Ninh – Hải Phòng với cường độ mạnh cấp 10-12 rồi di chuyển sâu vào trong đất liền.
Dự báo từ giờ đến chiều khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định có gió mạnh cấp 9-12. Trong đó, Quảng Ninh – Hải Phòng có gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 14-15. Khu vực các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá có gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 13.
Từ chiều 7/9, sẽ có mưa lớn xảy ra tại khu vực Đông Bắc Bộ và mở rộng sang Tây Bắc Bộ và kéo dài đến 9/9 với lượng mưa từ 150 đến 350mm, có nơi trên 500mm.
Ở những địa phương chịu tác động trực tiếp của bão Yagi, ông Hưởng khuyến cáo người dân không nên ra khỏi nhà, tìm nơi tránh trú an toàn.
Đặc biệt, chiều và tối nay người dân ở Hà Nội không nên ra đường vì gió cấp 6-7, giật cấp 9-10 có thể khiến cây đổ gây ra nhiều nguy hiểm.
Trưa 7/9, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến kiểm tra công tác phòng chống bão Yagi tại thành phố Sầm Sơn và huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Kiểm tra khu vực sạt lở bờ biển xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, Thứ trưởng đánh giá cao công tác chuẩn bị của địa phương về phương án ứng phó bão Yagi.
Đối với khu vực sạt lở bờ biển, Thứ trưởng đề nghị địa phương sớm bố trí vốn, gia cố tuyến đê, đảm bảo an toàn cho người và tài sản trong mùa mưa bão. Tổ chức thu hoạch mùa màng để hạn chế thiệt hại cho nông dân.
Lúc 11h, một cây sấu cao hơn 20m bật gốc, đổ ngay trước cửa số nhà 24, phố Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Cùng lúc này, phía đối diện, một cây lớn khác bị gió quật gãy, đổ chắn ngang đường. Rất may không có người bị cây đè trúng.
Theo tin từ Công ty Điện lực Quảng Ninh, do ảnh hưởng của gió to, mưa lớn, tính đến 10h sáng nay, 40% khách hàng trên địa bàn toàn tỉnh đã bị mất điện. Trong đó có huyện Cô Tô đã bị mất điện toàn bộ.
Huyện đảo Cô Tô đang có mưa gió rất lớn. Nhiều cây xanh ven đường và nhiều cây ăn quả bị nghiêng, gãy đổ; nhiều mái tôn bị tốc bay; 4 tàu xi măng trong khu âu cảng đang bị đắm.
Trước đó trong đêm ngày 6/9 rạng sáng 7/9, huyện Cô Tô đã di chuyển gần 800 người dân vào khu vực tránh trú an toàn.
Tính đến 10h20, bão số 3 đang tiến gần vào khu vực giữa Hải Phòng và Quảng Ninh.
Gió mạnh ghi nhận đến lúc 10h20 tại Cô Tô (Quảng Ninh) cấp 12, giật cấp 15; Cửa Ông (Quảng Ninh) cấp 12, giật 14; TP Hải Phòng cấp 7, giật cấp 9; Thái Bình cấp 7, giật cấp 10; TP Hải Dương cấp 6, giật cấp 8.
Thông tin từ Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia lúc 10h, vị trí tâm bão Yagi vào khoảng 20.6 độ Vĩ Bắc; 107.6 độ Kinh Đông, trên vùng biển Quảng Ninh – Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất cấp 13 (134-149km/h), giật cấp 16.
Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 20km/h. Như vậy, sau khi vào vùng biển Quảng Ninh – Hải Phòng bão Yagi đã giảm một cấp.
Tại khu vực Vân Đồn (Quảng Ninh) mưa trắng trời, gió giật dữ dội. Hàng loạt cây xanh bật gốc, gãy đổ, nhiều tấm tôn trên nhà cao tầng bay xuống đường.
UBND huyện Vân Đồn khuyến cáo người dân hạn chế ra khỏi nhà, phương tiện giao thông hạn chế đi lại trên đường.
Sáng 7/9, Công an Vân Đồn phối hợp Công an Cẩm Phả tổ chức chốt rào chắn không cho xe máy qua cầu Vân Đồn.
Gió lốc mạnh khiến anh Lê Văn Tính (42 tuổi, Vân Đồn, Quảng Ninh) không thể di chuyển được bằng xe máy. Sau đó, anh được xe ô tô của báo Dân trí hỗ trợ che chắn gió để về nhà.
9h40 tại các xã ven biển huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa mưa lớn, gió bắt đầu mạnh hơn. Nhiều cây xanh quanh khu du lịch biển Hải Tiến bị gãy đổ.
Lo ngại khi bão đổ bộ vào đất liền gây mưa to khiến hầm để xe bị ngập, nhân viên Ban quản lý khu nhà ở HH Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội, cấp tập bê bao cát, sử dụng bàn ghế… để chặn cửa tầng hầm.
Tại chung cư, khu biệt thự ở khu vực An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội, người dân dùng bao cát chặn ở các cửa kính, dựng vách ngăn ở các cửa hầm biệt thự, nhà liền kề để đề phòng ngập lụt.
9h45, mưa ở Hà Nội dày hạt không ngớt, người dân ra đường thưa thớt. Tại khu đô thị ở phường Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, công nhân môi trường không quản mưa lớn dọn dẹp cây xanh gãy đổ từ chiều 6/9.
Sáng ngày 7/9, lãnh đạo TP Nam Định, tỉnh Nam Định cho biết, TP Nam Định có 6 phường có khu tập thể, chung cư cũ bị xuống cấp. Để đảm bảo an toàn cho người dân, UBND TP Nam Định đã kêu gọi, hỗ trợ di dời hơn 1.000 người dân đang sống ở khu tập thể, chung cư cũ bị xuống cấp đến điểm tránh trú an toàn.
Khu vực Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Vạn Gia (TP Móng Cái, Quảng Ninh) lúc 9h30 mưa rất to và gió lớn. Tại đơn vị này hiện có 15 người dân vào tránh trú bão nhờ.
Khoảng 9h, tại khu du lịch biển Hải Tiến, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa có mưa to, gió mạnh. Các nhà nghỉ, khách sạn dọc bờ biển cửa đóng then cài. Một số hộ dân sinh sống dọc bờ biển khẩn trương thu dọn đồ đạc, chằng chống thuyền bè.
“Gia đình sinh sống cạnh bờ biển, nghe tin sáng nay bão đổ bộ vào đất liền nên tôi phải thu dọn đồ đạc, di dời đến nơi an toàn”, bà Lê Thị Gái (50 tuổi, xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa) nói.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia lúc 8h sáng 7/9, tâm bão Yagi cách Quảng Ninh – Hải Phòng khoảng 132km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão duy trì ở cấp 14 (150-166km/h), giật cấp 17.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 tại đảo Bạch Long Vĩ có gió mạnh cấp 12, giật cấp 14; đảo Cô Tô có gió mạnh cấp 7, giật cấp 11; Móng Cái (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 6, giật cấp 9; Cửa Ông (Quảng Ninh) cấp 8, giật cấp 9.
Dự báo sáng đến chiều nay là thời điểm bão gây ra gió mạnh nhất. Do đó người dân ở các tỉnh ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình – những nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu bão số 3 – tuyệt đối không ra ngoài lúc mưa to gió lớn khi hoàn lưu bão ảnh hưởng trực tiếp.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nông thôn, nhìn nhận, đến thời điểm hiện tại việc dự báo bão Yagi cơ bản chính xác. Song ông Hiệp lo lắng bão Yagi có thể gây ra lượng mưa lớn nhất từ trước đến nay, có nơi trên 500mm. Lượng mưa lớn có thể khiến các hồ trữ nước đứng trước nhiều rủi ro.
Về vấn đề đê biển, ông Hiệp cho biết khu vực Bắc Bộ từ Quảng Ninh đến Nam Định có đê biển hoàn chỉnh, có thể chịu được bão cấp 12.
Làm việc tại Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia sáng 7/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã kiểm tra các công tác dự báo hải văn, dự báo sức gió…
Sau khi kiểm tra công tác dự báo bão Yagi, Phó Thủ tướng có cuộc họp với Tổng cục Khí tượng Thủy văn, kết nối trực tuyến với các đài khí tượng ở khu vực Bắc Bộ.
Báo cáo trực tuyến về diễn biến bão Yagi, cán bộ Đài khí tượng thủy văn Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ cho biết tại đảo Bạch Long Vĩ đã có gió mạnh cấp 10-12, giật cấp.
Do bão mạnh, hoàn lưu rộng nên ảnh hưởng lớn đến các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Nguyên.
Bên cạnh đó, mưa lớn có thể gây ra ngập lụt tại Hà Nội.
Các địa phương trên địa bàn huyện Văn Yên (Yên Bái) đêm qua và rạng sáng nay 7/09 đã có mưa và gió lốc làm thiệt hại hoa màu và gây đổ cây cối.
Tại thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, từ 6h sáng bắt đầu có mưa kèm theo gió nhẹ, dọc tuyến đường ven biển vắng người qua lại.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 88/CĐ-TTg ngày 6/9 yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung ứng phó bão số 3 và mưa lũ sau bão.
Công điện gửi Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc; Bộ trưởng các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Ngoại giao, Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Theo đó lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung ưu tiên bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân và nhà nước.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố nêu trên, căn cứ diễn biến tình hình bão, mưa lũ thực tế tại địa phương khuyến cáo người dân hạn chế đi ra ngoài đường nếu không có việc thực sự cần thiết; quyết định việc cho học sinh các cấp nghỉ học để bảo đảm an toàn.
Thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia lúc 7h ngày 7/9, tâm bão Yagi vào khoảng 20.4 độ Vĩ Bắc; 108.2 độ Kinh Đông, cách bờ biển Quảng Ninh – Hải Phòng 153km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/h), giật cấp 17. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20km/h.
Tại TP Móng Cái (Quảng Ninh) lúc 7h50 đã có mưa lớn. Nhiều cây xanh ven đường của thành phố này đã bị gãy đổ và nhiều vật dụng khác như thùng rác, tấm tôn bị gió thổi bay xuống đường.
TP Móng Cái có gió mạnh, giật đổ nhiều cây xanh trên đường.
Biển quảng cáo và đèn trang trí trên đường cũng bị gió giật hư hỏng.
Đồ Sơn, Hải Phòng lúc hơn 7h có mưa lớn kèm gió mạnh. Người dân ven biển Đồ Sơn hạn chế ra đường, chỉ lác đác vài công nhân môi trường đi kiểm tra dọn dẹp cành cây rơi đổ xuống đường.
Lúc 6h15 ngày 7/9, tại TP Hạ Long (Quảng Ninh) mưa to, gió bắt đầu mạnh dần lên, khoảng cấp 5, cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Cơ quan khí tượng địa phương cho biết lượng mưa đo được trong đêm qua ở Hạ Long đến sáng nay khoảng 50mm.
Ảnh hưởng của hoàn lưu bão có thể tiếp tục gây mưa lớn, ngập úng cục bộ tại một số khu vực trũng thấp tại TP Hạ Long.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí tại địa bàn Cẩm Phả – Quảng Ninh sáng sớm nay, thời tiết bắt đầu có mưa nặng hạt, gió to và đã có cây xanh bị đổ trên đường.
Tại Hạ Long xuất hiện mưa kèm gió giật vào sáng sớm. Trên đường người dân đi lại thưa thớt.
Ông Nguyễn Văn Thắng (một ngư dân ở TP Hạ Long) cho biết, để đảm bảo an toàn, ghe đánh bắt hải sản của gia đình ông được đưa vào nơi trú bão tại khu vực mỏ than núi Béo từ sáng 6/9.
“Theo dõi báo đài thấy cơn bão này rất to, sức gió mạnh có thể cuốn hết mọi vật cản trên đường nên gia đình tức tốc vào bờ”, ông Thắng nói.
Tại Vân Đồn, Quảng Ninh, gió chưa quá mạnh nhưng nhiều cây xanh nhỏ đã bị gãy cành, bật gốc, đổ xuống lòng đường.
Cùng thời điểm này, tại Hà Nội đang có mưa và gió nhẹ.
Trung tâm khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết đến 6h ngày 7/9, vị trí tâm bão vào khoảng 20.4 độ Vĩ Bắc; 108.3 độ Kinh Đông, cách bờ biển Quảng Ninh – Hải Phòng 160km.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 14 (150-166km/h), giật cấp 17. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15-20km/h.
Theo bản tin về bão Yagi của Trung tâm khí tượng Thủy văn Quốc gia, 5h ngày 7/9, vị trí tâm bão Yagi vào khoảng 20,4 độ Vĩ Bắc; 108,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển vịnh Bắc Bộ; cách bờ biển Quảng Ninh – Hải Phòng 190km về phía Đông Đông Nam
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/h), giật cấp 17. Dự báo trong 3 giờ tới, bão Yagi di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15-20km/h.
Đến 16h ngày 7/9, vị trí tâm bão Yagi trên đất liền phía Đông Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, giật cấp 13, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km, đi vào đất liền phía Đông Bắc Bộ.
Cấp độ rủi ro thiên tai vùng biển ven bờ và đất liền Quảng Ninh, Hải Phòng là cấp 4; khu vực Nam vịnh Bắc Bộ, vùng biển ven bờ và đất liền Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa là cấp 3.
Sáng 8/9, bão Yagi suy yếu thành áp thấp, trên đất liền các tỉnh Việt Bắc Bắc Bộ, di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi sâu vào đất liền, suy yếu và tan dần.
Bão Yagi sau khi đi vào đảo Hải Nam (Trung Quốc) đã giảm 2 cấp (Ảnh: Windy).
Do ảnh hưởng của bão Yagi, vùng biển vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) có gió mạnh cấp 9-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-14, giật cấp 17; biển động dữ dội.
Trên đất liền, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-12, giật cấp 14; khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11 (thời điểm gió mạnh nhất trong khoảng từ sáng đến chiều tối 7/9).
Từ gần sáng 7/9 đến sáng 9/9, ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có khả năng xuất hiện một đợt mưa lớn với tổng lượng mưa phổ biến từ 100 đến 350mm, có nơi trên 500mm (mưa lớn nhất ở phía Đông Bắc Bộ tập trung trong ngày và đêm 7/9; phía Tây Bắc Bộ từ tối 7/9 đến đêm 8/9).
Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/bao-yagi-giam-xuong-cap-13-khi-vao-vung-bien-quang-ninh-hai-phong-20240906235522689.htm