Từ người ghi bàn đầu tiên tại World Cup đến trợ lý HLV Park Hang-seo
Được xem như một trong những công thần của bóng đá TP.HCM, Lư Đình Tuấn còn là người ghi dấu ấn lịch sử vì trở thành tác giả bàn thắng đầu tiên của bóng đá Việt Nam tại đấu trường World Cup. Lư Đình Tuấn sinh năm 1968 và trong sự nghiệp cầu thủ của mình, ông có đóng góp quan trọng cho CLB Cảng Sài Gòn, suốt từ năm 1987 đến những năm cuối thập niên 90 thế kỷ trước.
Lư Đình Tuấn sở hữu kèo trái rất khéo léo. Khi còn khoác áo cầu thủ, ông nổi tiếng với những pha đi bóng vô cùng lắt léo, tốc độ và ghi bàn rất điệu nghệ. Lư Đình Tuấn thừa hưởng tố chất của người cha là ông Lư Hùng Phán, cựu danh thủ bóng đá Việt Nam. Ông nổi lên rất nhanh cho dù không hề trải qua trường năng khiếu.
Hồi trẻ, do Tuấn “nhím” (biệt danh của Lư Đình Tuấn) nhỏ con, cao chưa đến 1,60 m nên không được lãnh đạo Sở TDTT TP.HCM đồng ý tiếp nhận vào trường năng khiếu. Tuy nhiên ông được HLV Phạm Huỳnh Tam Lang tiếp nhận và đưa về Cảng Sài Gòn. Sau này, Lư Đình Tuấn trở thành nhân tố quan trọng, đóng góp rất nhiều vào thành công của đội Cảng Sài Gòn, ở Cúp quốc gia năm 1992, chức vô địch quốc gia năm 1993-1994 và tạo dấu ấn khi khoác áo đội tuyển quốc gia tại SEA Games 1991 đến 1995. Đặc biệt Lư Đình Tuấn chính là cầu thủ Việt Nam đầu tiên ghi bàn thắng tại vòng loại World Cup 1994. Đó là ngày 13.4.1993 khi Tuấn “nhím” sút tung lưới Singapore trong trận thua 2-3. Tại vòng loại này, đội tuyển Việt Nam ghi 4 bàn, ngoài Tuấn “nhím” còn 3 danh thủ khác lập công là Phan Thanh Hùng, Hà Vương Ngầu Nại và Nguyễn Hồng Sơn.
Tài năng đi bóng xuất sắc của Tuấn “nhím” đã được báo chí khu vực hết lời khen ngợi trong những năm đầu thập niên 90. Một tờ báo Hồng Kông đã ví ông như “Maradona của Việt Nam” bởi khả năng điều khiển quả bóng quá nhanh, quá khéo léo cũng như việc truyền cảm hứng dữ dội trong lối chơi cho đồng đội. Sự nghiệp cầu thủ của Tuấn “nhím” dù vậy chỉ kéo đến tuổi 30 do những chấn thương dai dẳng. Sau đó ông trở thành HLV các đội bóng của TP.HCM như Sài Gòn Xuân Thành, Đắk Lắk, Becamex Bình Dương.
Trong những năm HLV Park Hang-seo dẫn dắt đội tuyển quốc gia, Lư Đình Tuấn trở thành cánh tay đắc lực của người thầy người Hàn Quốc. Lư Đình Tuấn nhiều lần được giao ra chỉ đạo ngoài đường biên, hò hét động viên các cầu thủ. Tuấn “nhím” cũng được xem là một trong những HLV có khả năng phản biện tích cực nhất với thầy Park. Chẳng hạn như vụ ngủ trưa của cầu thủ. Ban đầu HLV Park không đồng ý cho cầu thủ Việt Nam ngủ trưa, nhưng ông Tuấn đã “tranh cãi” với thầy Park rằng, không chỉ do thói quen mà còn do điều kiện thời tiết nắng nóng nên giấc ngủ trưa dù chỉ chợp mắt vài chục phút cũng đủ giúp cho cầu thủ tái tạo năng lượng.
Truân chuyên nghề huấn luyện
Ngồi với nhau trên khán đài theo dõi giải U.21, HLV Lư Đình Tuấn nhớ lại: “Được truyền thông thời đó gọi “Maradona của Việt Nam” tôi vừa hãnh diện nhưng cũng rất bối rối vì đó là một tượng đài của thế giới. Xem Maradona đá lúc đó ai cũng mê hoặc, tôi cũng vậy nên khi được ví như một ngôi sao tầm cỡ thật sự, tôi rất e ngại. Tôi nghĩ mình chỉ có vài nét giống cố danh thủ người Argentina thôi như thấp người, chân trái nhanh, tốc độ chứ so sánh vậy quá khập khiễng vì chẳng ai đạt được đẳng cấp và sự mạnh mẽ như ông. Không ngờ là cái tên đó cứ theo mãi trong sự nghiệp của mình”.
Nói về công việc hiện tại, Tuấn “nhím” bộc bạch: “Làm HLV rất áp lực và dễ mất việc. Tôi thực sự đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc và nhiều chức vụ khác nhau từ trưởng đoàn, giám đốc kỹ thuật, HLV trưởng đến trợ lý HLV, khi nhận bất cứ công việc nào tôi đến làm hết mình và luôn tận tâm.
Nhưng tôi thừa nhận nhiều lúc bị va vấp và cái số của mình còn truân chuyên. Như hồi làm Sài Gòn Xuân Thành năm 2013, tôi bị cách chức chỉ bằng một tin nhắn sau mấy trận thua. Hay khi làm CLB TP.HCM, tôi cũng rất hy vọng mình sẽ đóng góp tốt như lúc tôi đưa đội lên hạng, nhưng rồi cũng chẳng đi đến đâu. Về Bình Dương, tôi được trao cơ hội nhưng thất bại vài trận là “dính” ngay sự phản ứng quyết liệt bởi nơi đây có truyền thống là thay người cầm quân rất nhanh. Tôi không trách điều này mà chỉ ngẫm cho số phận của mình. Làm HLV chịu quá áp lực và thử thách. Không thành công thì phải chọn con đường ra đi”.
Nói về việc lần đầu tiên dẫn dắt U.21 TP.HCM dự vòng chung kết giải U.22, Tuấn “nhím” nói: “Giờ làm bóng đá trẻ, tôi cảm thấy vui và có động lực vì thực tình tôi là người con của thành phố, rất muốn đóng góp nhiều cho bóng đá quê hương. Các tuyến trẻ của TP.HCM những năm qua đang còn chật vật, việc đào tạo còn gặp khó, những anh em cựu cầu thủ như tôi, anh Nguyễn Hồng Phẩm và vài anh em tâm huyết khác rất muốn làm gì đó để hỗ trợ hết mình cho bóng đá thành phố. Cho dù kết quả của đội U.21 ở vòng chung kết lần này ra sao, tôi hy vọng sẽ tạo ra cú hích để bóng đá trẻ thành phố được quan tâm sát sao hơn, có sự đầu tư tốt hơn, từ đó tìm lại sức bật cho tương lai”.
Tháng 3 vừa qua, nhiều người hâm mộ liên tục thấy ông trên khán đài sân Trường ĐH Tôn Đức Thắng để xem giải bóng đá Thanh Niên Sinh viên Việt Nam lần 1 năm 2023 do Báo Thanh Niên tổ chức. Bởi nơi đó có con trai ông – Lư Đình Đức Anh đá cho đội chủ nhà. Do Đức Anh đã quá tuổi nên không thể có mặt ở giải U.21, ông Tuấn đang hướng con đến việc vừa học văn hóa giỏi vừa đi làm và có thể tham gia vào một đội bóng nào đó để thỏa niềm đam mê.