Sáng nay 18.5, tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng đã diễn ra hội thảo quốc gia “Những vấn đề mới trong giảng dạy và nghiên cứu của giáo dục ĐH”. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của hơn 100 giảng viên, nhà nghiên cứu của hơn 30 trường ĐH và viện nghiên cứu trên toàn quốc.
Hàng loạt vấn đề mới trong giảng dạy và nghiên cứu của giáo dục ĐH đã được các chuyên gia đặt ra như cá nhân hóa chương trình theo hướng xuyên ngành, phát triển trợ lý ảo thông minh bằng mô hình ngôn ngữ lớn hỗ trợ giảng dạy, mô hình học blended learning (mô hình học tập kết hợp vừa trực tuyến vừa trực tiếp)…
Tại hội thảo, PGS-TS Nguyễn Hữu Huy Nhựt, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, nhận định: “Các từ khóa như ChatGPT, chuyển đổi số, E-leaning, trí tuệ nhân tạo, Google Meet, Zoom… xuất hiện thời gian qua là xu thế áp đảo của giáo dục ĐH trong thời đại công nghệ 4.0. Lối học từ chương, cách dạy thiên về lý thuyết, thầy giảng trò nghe-chép ít tương tác đang lùi nhanh vào quá khứ. Sự chuyển đổi mạnh mẽ này mở ra nhiều hướng mới trong việc tiếp cận tri thức”.
Một trong những vấn đề mới được thảo luận tại hội thảo là việc cá nhân hóa chương trình đào tạo theo hướng xuyên ngành để đáp ứng nhân lực cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đề tài nghiên cứu này do tiến sĩ Phạm Xuân Hậu và PGS-TS Nguyễn Đức Vượng (Trường ĐH Quảng Bình) thực hiện.
Tiến sĩ Phạm Xuân Hậu cho biết hiện nay các trường ĐH đa số tổ chức đào tạo theo hệ thống tín chỉ, đây cũng là hình thức cho phép sinh viên lựa chọn chương trình học phù hợp với cá nhân. Tuy nhiên, các môn học được lựa chọn cũng chỉ liên quan đến chuyên ngành đào tạo đã được xây dựng từ trước, sinh viên chỉ được lựa chọn thời điểm và chọn môn học.
“Còn cá nhân hóa chương trình đào tạo theo hướng xuyên ngành là dựa trên mục tiêu học tập rõ ràng trên khả năng, kiến thức và nhu cầu của người học, chương trình đào tạo sẽ được xây dựng linh hoạt và có tính mở, thể hiện ở cả trong quá trình thiết lập cũng như triển khai chương trình”.
Tiến sĩ Hậu cho rằng mỗi sinh viên chủ động xác định mục tiêu học tập dựa vào khả năng từ đó quyết định chương trình học tập phù hợp với bản thân. Việc cá nhân hóa chương trình đào tạo này giúp người học chủ động hơn, phát huy nội lực, người dạy hiểu rõ sinh viên hơn để có thể tư vấn, điều chỉnh phù hợp với kiến thức, năng lực, sở trường và nhận thức của họ.
“Cá nhân hóa chương trình đào tạo theo hướng xuyên ngành sẽ kết hợp những ưu việt của hệ thống đào tạo tín chỉ cho các chương trình đào tạo liên ngành. Ở đó người học được cung cấp các khuyến nghị khi lựa chọn chương trình đào tạo phù hợp dựa trên hồ sơ cá nhân, lịch sử đào tạo và nhu cầu nghề nghiệp thông qua các hệ thống tư vấn thông minh. Mỗi lựa chọn các học phần của sinh viên sẽ cung cấp cho họ một hồ sơ nội dung học, đánh giá, chuẩn đầu ra mà họ có thể sẽ nhận được khi hoàn thành”, tiến sĩ Hậu chia sẻ.
Các chuyên gia đánh giá đây là một hướng mới và cần thiết cho giáo dục ĐH trong tương lai. Tuy nhiên để thực hiện được thì nhận thức về dạy và học phải thay đổi, chương trình đào tạo cũng không nên quá nặng nề, đồng thời phải có hệ thống công nghệ đáp ứng.
Nguồn: https://thanhnien.vn/trong-tuong-lai-sinh-vien-duoc-tu-quyet-dinh-chuong-trinh-hoc-phu-hop-voi-ca-nhan-185240518172947024.htm