Hội nghị Nghị sỹ trẻ toàn cầu lần thứ 9 đã thành công tốt đẹp ghi dấu ấn với việc lần đầu tiên thông qua Tuyên bố Hội nghị sau 9 kỳ tổ chức. Đây là sự kiện tiếp nối mạch nguồn của thực hiện “Tuyên bố Hà Nội” tại Đại hội đồng IPU 132 với cam kết “Biến lời nói thành hành động”, hiện thực hoá các Mục tiêu phát triển bền vững của Quốc hội Việt Nam. Để thực hiện điều này, trọng trách và kỳ vọng đặt trên vai các Nghị sỹ trẻ là rất lớn trong thực hiện các mục tiêu, các nghị quyết về SDGs của IPU thực chất và hiệu quả.
BẾ MẠC HỘI NGHỊ NGHỊ SĨ TRẺ TOÀN CẦU LẦN THỨ 9: ĐẠT ĐƯỢC NHẬN THỨC CHUNG VỀ HỢP TÁC QUỐC TẾ VÀ VAI TRÒ TIÊN PHONG CỦA NGHỊ SĨ TRẺ
HỌP BÁO QUỐC TẾ KẾT QUẢ HỘI NGHỊ NGHỊ SĨ TRẺ TOÀN CẦU LẦN THỨ 9: IPU ẤN TƯỢNG SÂU SẮC VỀ CÔNG TÁC TỔ CHỨC CỦA VIỆT NAM
Trọng trách đặt trên vai các Nghị sỹ trẻ rất lớn
Hội nghị Nghị sỹ trẻ toàn cầu lần thứ 9 tại Việt Nam đánh dấu kỷ niệm 8 năm Tuyên bố Hà Nội về thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững SDGs được Liên minh Nghị viện thế giới thông qua và đặt ra cam kết của các nghị sĩ trong việc giải quyết các ưu tiên toàn cầu. Khi chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (2030 Agenda) đã đi được nửa chặng đường, hiện đang là thời điểm hết sức quan trọng và mang tính quyết định.
Theo đánh giá, chỉ còn chưa đầy 7 năm để đạt được các SDGs, nhưng vẫn còn đến 50% mục tiêu về phát triển bền vững đang chậm tiến độ. Điều này, đòi hỏi Nghị viện các nước trong Liên minh IPU hành động quyết liệt hơn để đạt được các mục tiêu giáo dục, bình đẳng giới, việc làm, tăng trưởng kinh tế, hành động về khí hậu, hòa bình, công lý và thể chế đến 2030. Điều này đòi hỏi, Nghị viện các nước cùng chung tay hành động nhanh hơn, sáng tạo hơn, khẩn trương hơn để thực hiện được chương trình nghị sự chung mà tất cả các quốc gia đã nhất trí.Bối cảnh đó, đặt trọng trách và kỳ vọng lên các Nghị sỹ trẻ là rất lớn, trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Với sứ mệnh lịch sử đó, hội nghị đã thu hút đông đảo các nghị sỹ, đến từ các quốc gia trong Liên minh Nghị viện thế giới IPU để đóng góp vào chương trình Nghị sự với chủ đề thảo luận rất thời sự và bức thiết.
Với vai trò là những nhà sáng tạo then chốt, người sử dụng công nghệ và người thúc đẩy công nghệ phát triển, giới trẻ đang nắm giữ vị trí quan trọng trong việc đặt chuyển đổi số và sáng tạo vào trung tâm của các hoạt động nhằm đẩy nhanh tiến độ của các SDGs và không ai bị bỏ lại phía sau. Có thể thấy những người trẻ tuổi ngày nay đã và đang đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong các khu vực tư nhân như CEO của các công ty công nghệ và các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, hay các nhà đầu tư trong lĩnh vực chuyển đổi số. Và trong lĩnh vực chính trị, vị trí của người trẻ cũng cần được phát triển tương tự như vậy.
Với sứ mệnh là nhà lãnh đạo trong tương lai, những nghị sĩ trẻ đã có nhiều cách giải quyết những vấn đề phức tạp trong bối cảnh chuyển đổi số, đưa ý chí và nguyện vọng của họ tới nghị trường để thúc đẩy các giải pháp mới vì lợi ích của toàn nhân loại, thông qua khởi nghiệp, phát triển công nghệ mới và khai thác Trí tuệ nhân tạo (AI), phù hợp với chiến dịch của IPU “Tôi ủng hộ sự tham gia của thanh niên trong Nghị viện”, kêu gọi các nghị sĩ và các nhà lãnh đạo chính trị thực hiện hành động mang tính thay đổi để thu hút nhiều thanh niên tham gia chính trị hơn.
Trong bối cảnh đó, theo đánh giá của các Nghị sỹ trẻ, Hội nghị thành công trên nhiều phương diện, trong đó đã chứng minh tầm quan trọng chiến lược của các công cụ kỹ thuật số trong hoạt động nghị viện. Coi đây là những công cụ này có thể góp phần vào quá trình lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng toàn diện hơn, minh bạch hơn và tăng cường sự tham gia của công chúng. Các kênh tương tác theo thời gian thực có thể cho phép tương tác tức thời giữa các cử tri và người đại diện. Bằng cách tạo điều kiện tích cực, chuyển đổi số có thể trao quyền cho công dân, đặc biệt là giới trẻ, tích cực tham gia vào tiến trình chính trị và góp phần định hình các quyết định chính sách. Khi khai thác sức mạnh của công nghệ và đổi mới sáng tạo trong một thế giới đang chuyển đổi, giúp tối đa hóa hiệu quả, giảm thiểu những rủi ro không mong muốn.
Các Nghị sỹ trẻ đã thống nhất cho rằng, các Quốc hội cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để điều chỉnh cách tiếp cận khoa học công nghệ thông qua chuyển đổi số giải quyết mọi vấn đề cần dựa trên yếu tố đạo đức và thận trọng để vừa đảm bảo quyền riêng tư, an ninh và hạnh phúc. Đồng thời, tôn trọng sự đa dạng văn hóa, coi đây là sức mạnh cho sự phát triển bền vững, vì đây là thành tố nuôi dưỡng sự sáng tạo và đổi mới.
Từ đó, Tuyên bố chung tại Hội nghị Nghị Nghị sỹ trẻ toàn cầu lần thứ 9 đã được đưa ra khẳng định sự tham gia của nghị sĩ trẻ, giới trẻ và việc thúc đẩy thực hiện các SDGs, thông qua IPU và các cơ chế liên Nghị viện quốc tế và khu vực, sẵn sàng trở thành những người đồng hành cùng mang sứ mệnh khai thác sức mạnh công nghệ và đổi mới phục vụ các SDGs, theo hướng có trách nhiệm và không ai bị bỏ lại phía sau, trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế. Các Nghị sỹ trẻ khẳng định cam kết sẽ sát cánh cùng nhau để giữ lời hứa trong Tuyên bố Hà Nội 2015 và đáp lại lời kêu gọi cấp bách của Chương trình nghị sự 2030.
Đúng như thông điệp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh: “trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, tương lai không đơn thuần chỉ là đường kéo dài của quá khứ. Các nước đã phát triển thì cũng có thể quay trở lại điểm xuất phát. Đó chính là cơ hội và cũng là tiền đề để chúng ta hợp tác”.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU là rất cần thiết, bổ ích cho các nghị sĩ trẻ và tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của nghị sĩ trẻ nói riêng, giới trẻ nói chung với tư cách là chủ nhân tương lai của mỗi quốc gia, dân tộc và của cả thế giới trong việc tham gia thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của IPU và của Liên Hợp Quốc. Từ đó, kêu gọi các Nghị viện thành viên của IPU tích cực triển khai thực hiện Tuyên bố Hội nghị; đồng thời xác lập cơ chế thích hợp để hợp tác, hỗ trợ nhau, nhất là giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển trong chuyển đổi số và trong đổi mới sáng tạo.
Khẳng định cam kết và hành động của nghị sĩ trẻ và IPU, đẩy nhanh việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững
Trong phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, trong mọi chặng đường phát triển của các quốc gia, Quốc hội và các nghị sĩ với vai trò lập pháp, giám sát và thực thi cao cả của mình, luôn là lực lượng tiên phong trong các nỗ lực cải cách pháp luật, thể chế và hội nhập quốc tế, là cầu nối giữa ý chí chính trị và nguyện vọng của nhân dân, giữa pháp luật trong nước và luật pháp quốc tế, giữa nhân dân các quốc gia, các dân tộc, đóng góp cho hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững ở phạm vi từng khu vực cũng như trên quy mô toàn cầu.
Chủ trương nhất quán của Việt Nam là thúc đẩy đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, dựa trên các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế. Việt Nam hết sức coi trọng và tham gia tích cực, có trách nhiệm tại các thể chế đa phương mà Việt Nam là thành viên.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định quan điểm sẽ tiếp tục hợp tác tích cực cùng IPU và cùng với các nghị viện thành viên chung tay hành động để hiện thực hóa các mục tiêu, các nghị quyết của IPU nói chung và của Tuyên bố Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần này, không ngừng phát huy các sứ mệnh cao cả và nâng tầm ngoại giao nghị viện. Quốc hội Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào các hoạt động chung của IPU và sẵn sàng đăng cai tổ chức thêm những hội nghị và cơ chế khác trong khuôn khổ hoạt động của IPU
Chủ tịch IPU Duarte Pacheco đánh giá rất cao cam kết của Quốc hội Việt Nam, sự tham gia đầy đủ, trách nhiệm và những đóng góp thực chất, hiệu quả của Việt Nam cho các chương trình nghị sự của IPU, thể hiện Việt Nam hiểu rất rõ mong muốn sẽ làm gì, đóng góp gì cho thế giới và khu vực. Ngay từ Tuyên bố Hà Nội cách đây gần một thập kỷ, Quốc hội Việt Nam đã chứng tỏ trách nhiệm của mình khi cùng với các nghị viện thành viên nhất trí cam kết hành động, đồng hành cùng Liên Hợp Quốc trong thực hiện các SDGs. Hội nghị lần này một lần nữa cho thấy tinh thần và cam kết đó của Quốc hội Việt Nam.
Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác, đều nhận thức rõ về việc cần dành sự quan tâm thực chất, đầu tư cho vấn đề bảo vệ môi trường. Trong tiến trình để đạt được các mục tiêu SDGs, chuyển đổi số, công nghệ và đổi mới sáng tạo là những yếu tố hết sức quan trọng. Bất kể mục tiêu nào của SDGs đều cần đến các yếu tố như xóa đói, giảm nghèo, giáo dục, y tế đến chống biến đổi khí hậu. Các nghị sĩ trẻ đã rất quen thuộc với thế giới số hóa hiện nay. Do đó, những điều mà các nghị sĩ trẻ thảo luận tại Hội nghị, như chúng ta đã làm gì, sẽ làm gì, và cần thay đổi điều gì, nên đổi mới sáng tạo theo hướng nào để các nghị viện mang lại sự tham gia thực chất của giới trẻ trong hoạt động chính trị và trong các nghị viện… đều là những kết quả thiết thực và ý nghĩa cho các SDGs.
Tổng thư ký IPU Martin Chungong đánh giá cao sự hiếu khách, mến khách, sự đón tiếp nồng hậu của đất nước, con người Việt Nam nói chung và Quốc hội Việt Nam nói riêng. Với cam kết “biến lời nói thành hành động”, Tổng thư ký IPU Martin Chungong sẽ theo dõi, đôn đốc các khuyến nghị đã được đề ra tại hội nghị lần này, khẳng định, trên cương vị của mình, sẽ tận dụng cơ chế hiện có của IPU để thúc đẩy, trao quyền cho người trẻ tham gia nhiều hơn vào đổi mới, sáng tạo.