ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 – 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.
ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 – 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.
HTX Tiêu hữu cơ Bình Tiến (xã Nam Bình, huyện Đắk Song, Đắk Nông) do ông Đồng Xuân Liền (64 tuổi) thành lập năm 2017 với 45 thành viên tham gia ban đầu và hơn 100ha hồ tiêu. Đến nay, số thành viên đã tăng lên 68, tổng diện tích hồ tiêu cũng tăng lên gần 200ha. Ngoài hồ tiêu, HTX còn có một số cây ăn quả, cây dược liệu như bơ, sầu riêng, nghệ đen, sâm Bố Chính.
Ngay từ đầu thành lập, ông Liền đã định hướng cho HTX canh tác theo hướng hữu cơ và xây dựng vùng sản xuất theo quy trình VietGAP và RainForest (tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững). Hiện nay, HTX đã có vùng hồ tiêu đạt chứng nhận VietGAP và hữu cơ, sản phẩm tiêu đen Nam Bình Tiến đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Ngoài cung cấp cho thị trường trong nước, sản phâm tiêu Nam Bình còn xuất khẩu đi nhiều nước.
Ông Đồng Xuân Liền, Giám đốc HTX cho biết, cách đây hơn chục năm, khi giá hồ tiêu cao chót vót, nông dân lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, khai thác cạn kiệt tài nguyên đất dẫn đến việc hàng loạt vườn hồ tiêu bị bệnh và chết. Vì vậy ông thành lập HTX Tiêu hữu cơ Bình Tiến với mong muốn phục hồi sức khoẻ đất, bảo vệ môi trường, con người và phát triển bền vững, nâng tầm giá trị hồ tiêu.
“Đây là hướng đi đúng và duy nhất. Năm 2021, sản phẩm hồ tiêu của HTX đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm tiêu đen, tiêu đỏ, tiêu trắng và được bảo hộ trên toàn tỉnh Đắk Nông. Đây là chỉ dẫn địa lý thứ 111 của cả nước và đầu tiên của tỉnh Đắk Nông. Đó là động lực để bà con nông dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc xây dựng vùng sản xuất hồ tiêu bền vững, giữ vững danh hiệu, nâng cao vị thế hồ tiêu Đắk Nông. Hiện nay, sản phẩm của HTX không chỉ được đón nhận mà giá cũng cao hơn từ 20 – 30% so với thị trường”, ông Liền cho biết.
Ông Lê Văn Được, thành viên đầu tiên tham gia HTX với 6ha hồ tiêu cho biết, ban đầu ông canh tác hồ tiêu theo cách truyền thống, dù ít dùng phân bón, thuốc hoá học cho tiêu nhưng sản phẩm vẫn bán theo thị trường, giá lên xuống bấp bênh. Từ khi tham gia HTX và canh tác hữu cơ, sản phẩm có giá cao hơn thị trường từ 10 – 15 ngàn đồng/kg và được HTX thu mua nên không phải lo đầu ra. Điều quan trọng nữa là ông thấy khoẻ hơn, vui hơn khi mảnh vườn của mình không nhiễm chất độc hại từ phân bón, thuốc hoá học.
Tương tự, gia đình chị Phạm Thị Anh ở thôn 8 (xã Nam Bình) có gần 3ha hồ tiêu. Năm 2020, sau khi tham gia HTX Tiêu hữu cơ Bình Tiến, chị đã chuyển từ canh tác truyền thống sang hữu cơ. Ban đầu, tiêu có dấu hiệu “đuối” nhưng sau 2 năm, những trụ tiêu bắt đầu hồi phục và phát triển mạnh.
“Đang chăm bón bằng phân bón hoá học rồi tiến tới giảm lượng bón và ngưng hẳn khiến cây tiêu bị suy, nhìn èo uột hẳn. Thế nhưng dần dần mọi thứ tốt lên. Bây giờ vườn tiêu canh tác hoàn toàn hữu cơ nhưng đã phát triển xanh tốt, cho năng suất cao như canh tác hoá học trước đây, trong khi chất lượng tiêu lại cao hơn, chi phí đầu tư giảm. Chưa kể sản phẩm an toàn, chất lượng nên giá bán cao hơn”, chị Anh nói.
Nhờ có nền đất bazan màu mỡ nên thành phần khoáng có trong hạt tiêu của Đắk Nông cao hơn so với các vùng trồng tiêu khác nên được thị trường trong và ngoài nước đánh giá cao. Vì thế Đắk Nông là một trong những địa phương có sản lượng hồ tiêu lớn nhất Việt Nam.
“Những năm gần đây, hồ tiêu Đắk Nông đang dần khẳng định thương hiệu trên trường quốc tế, mở ra nhiều cơ hội lớn để nâng tầm giá trị bền vững do người trồng tiêu đang dần thay đổi tập quán canh tác, sản xuất theo hướng hữu cơ, hướng đến hội nhập quốc tế”, ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông nói.
Nguồn: https://nongsanviet.nongnghiep.vn/trong-tieu-huu-co-gia-cao-hon-thi-truong-20–30-d408740.html