Chặt bỏ 4.000 m2 ổi đang cho thu nhập ổn định sang trồng nho
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn nho chuẩn bị cho thu hoạch, anh Hoàng Thanh Minh ở thôn Lọc Trạch, xã Đồng Lợi, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa nói, tôi đến với cây nho cũng là một cái duyên, vì trước khi tôi và vợ đều học nông nghiệp ở Trường Đại học Hồng Đức nhưng sau khi tốt nghiệp cả hai vợ chồng đều làm trái ngành.
“Năm 2019, khi đó gia đình tôi đang làm ở nhà máy lọc dầu trong Khu kinh tế Nghi Sơn của tỉnh Thanh Hóa với mức lương cùng gọi là tạm ổn định nhưng khi ấy cả hai vợ chồng đều cùng ý định về quê lập nghiệp. Lúc đó, chúng tôi dồn đất của gia đình và thuê thêm được 1 ha. Ban đầu khởi nghiệp với nông nghiệp vợ chồng tôi trồng ổi và bưởi vì chi phí ban đầu thấp”, anh Hoàng Thanh Minh kể lại.
Sau khi cây ổi cho thu hoạch có đồng ra, đồng vào thì vợ chồng anh Minh lại quyết định chuyển 4.000m2 đất sang trồng nho hạ đen. Lúc đó, cây ổi đang phát triển cho thu nhập cao nhưng anh Minh quyết định chặt bỏ toàn bộ diện tích ổi để trồng nho thì anh vấp phải sự phản đối của gia đình và bạn bè ngăn cản.
“Lúc đó, mọi người ngăn cản tôi trồng nho vì họ cho rằng cây nho chỉ hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở khu vực Nam Trung bộ và trước giờ chưa ai trồng nho ở quê tôi, lúc ấy cả Thanh Hóa cũng chỉ có 2 vườn nho mới trồng nhưng không biết hiệu quả và cây nho phát triển như thế nào, vì khí hậu miền Bắc mùa hè quá nắng nóng, mùa đông lại kéo dài, mưa nhiều, không phù hợp với cây nho nên khi đưa ra quyết định vợ chồng tôi đã suy nghĩ rất kỹ…”, anh Hoàng Thanh Minh nhớ lại quyết định của mình khi ấy.
Nhưng với quyết tâm và đã tìm hiểu nhiều về cây nho nên anh Minh vẫn quyết định quyết định chuyển sang trồng 800 gốc nho hạ đen. Sau thời gian trồng, chăm bón, cây nho kém phát triển do bị sâu bệnh và chưa thích nghi được khí hậu.
“Cây nho kị nhất là thời tiết lạnh, khi gặp nhiệt độ xuống thấp dưới 15 độ C thì xem như ngừng phát triển để ngủ đông. Vì vậy, kỹ thuật chăm sóc và xử lý ra hoa cũng có nhiều điểm khác giữa 2 vụ. Vụ thu đông sau khi thu quả, tiến hành dừng các hoạt động chăm sóc để cây tích luỹ dinh dưỡng và nghỉ đông. Vụ Xuân năm sau, khi thời tiết ấm dần lên thì bắt đầu tiến hành các biện pháp kỹ thuật như bón phân, sử dụng thuốc điều tiết sinh trưởng, thuốc nảy mầm hỗ trợ phá ngủ để mầm non nảy chồi thuận lợi”, anh Minh nói về cách chăm sóc cây nho vượt qua mùa đông ở miền Bắc.
Cũng theo anh Minh cây nho rất hay gặp sâu bệnh, vì vậy chăm sóc cây nho cần thường xuyên chú ý để xử lý các loại sâu bệnh bằng phương pháp thủ công, đảm bảo sản xuất theo hữu cơ. Để thay thế thuốc trừ sâu, anh Minh sử dụng tỏi, ớt ngâm với rượu. Hỗn hợp này được coi là “thuốc trừ sâu” rất hiệu quả trong việc tiêu diệt sâu bệnh.
Theo anh Minh, vườn nho của gia đình đang thực hiện theo quy trình nông nghiệp hữu cơ nên các khâu chăm bón phải đảm bảo an toàn, sạch sẽ. Anh sử dụng phân bò hoai mục, sau 3 tháng ủ sẽ đem bón thúc cho cây. Bên cạnh đó, để cung cấp dinh dưỡng cho cây, anh dùng hạt đậu nành nghiền nhỏ, trộn với chế phẩm sinh học để bón. Đậu nành được xem là đạm thực vật giúp quả thơm, ngọt.
Ngoài ra, cây nho không ưa ngập úng, nhưng cũng cần cung cấp đủ độ ẩm cho cây phát triển. Vì vậy, đối với cây nho ở vùng đất Thanh Hóa, cứ 2 ngày anh Minh lại phải tưới cho nho 4 lít nước/gốc. Bên cạnh đó, mỗi tuần phải bổ sung 20 gam chất dinh dưỡng hữu cơ, bón 2 lần để cung cấp lượng thức ăn vừa đủ cho cây.
Ngoài ra, theo anh Minh, quá trình chăm sóc phải căn thời gian phát triển của cây nho để tỉa ngọn giúp cây tập trung dinh dưỡng nuôi thân. Nếu chăm sóc tốt, nho có thể lưu gốc tới 15 năm. Từ năm thứ 5 trở đi, nho sẽ cho năng suất, chất lượng cao. Công đoạn vất vả nhất là tỉa quả. Từ khi đậu quả đến khi thành phẩm phải tỉa 3 lần quả để loại bỏ nho lép và quả sâu.
Kết hợp du lịch trải nghiệm
Sau khi vườn nho của gia đình anh Minh được nhiều người biết đến và muốn thăm quan, trải nghiệm tại vườn nên vợ chồng anh đã quyết định kết hợp làm du lịch. Từ cuối năm trước, rất nhiều trường mầm non, tiểu học cho học sinh trên địa bàn các huyện, thành phố đến trải nghiệm, chụp ảnh tại vườn nho của gia đình anh.
Theo anh Minh như những vụ nho trước, có ngày vườn nho của gia đình anh đón hơn 1.000 người, ngày bình thường thì giao động từ 200 đến 300 người đến thăm quan, chụp ảnh. Vì vậy, thời gian tới, anh Minh dự định sẽ mở rộng thêm diện tích trồng nho để đáp ứng nhu cầu của du khách tới vươn.
Đối với du khách đến thăm quan tại vườn anh Minh bán vé 30.000 đồng đối với người lớn, các em nhỏ 15.000 đồng. Hiện anh Minh đang bán tại vườn đối với nho hạ đen là 150.000 đồng và nho sữa Hàn Quốc giá 300.000 đồng/kg. Ngoài ra, mọi người đến vườn sẽ được thưởng thức nho tại chỗ.
Theo dự kiến của anh Hoàng Thanh Minh, vụ đầu tiên của năm 2024 này vườn nho cuả gia đình anh sẽ cho sản lượng khoảng 4 tấn quả, trong đó khoảng 2,5 tấn nho sữa Hàn Quốc và 1,5 tấn nho hạ đen. Cũng theo anh Minh, mô hình trồng nho kết hợp tham quan, trải nghiệm giúp gia đình anh có nguồn thu nhập khoảng 400 triệu đồng/vụ.
Hiện mô hình trồng nho của gia đình anh Minh đang tạo việc làm cho 6 lao động thường xuyên với mức thu nhập 4 – 5 triệu đồng/người/tháng.
Nguồn: https://danviet.vn/trong-thu-cay-quy-toc-vua-ban-trai-vua-cho-khach-tham-quan-anh-nong-dan-thanh-hoa-thu-400-trieu-20240612121117269.htm