Trước thềm Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 và các hội nghị cấp cao liên quan, Đại sứ Lào tại Việt Nam Khamphao Ernthavanh chia sẻ với TG&VN về tầm quan trọng của kỳ hội nghị, đồng thời nhìn lại những nỗ lực của nước Chủ tịch ASEAN 2024 trong thời gian qua.
Lào đã sẵn sàng cho Hội nghị cấp cao ASEAN 44, 45 và các hội nghị liên quan tại thủ đô Vientiane, Lào. (Nguồn: Laotian Times) |
Đại sứ Khamphao Ernthavanh khẳng định chủ đề ASEAN 2024 rất phù hợp với chính sách và mục tiêu của Lào trong quá trình biến Lào từ nước không có biên giới tiếp giáp với biển trở thành một trung tâm hội nhập – kết nối của khu vực. Đồng thời, cũng phù hợp với mục tiêu chung của toàn khối trong mục tiêu xây dựng ASEAN trở thành khu vực hội nhập – kết nối và tự cường để có thể ứng phó với thách thức một cách hiệu quả, kịp thời giữa bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có nhiều diễn biến nhanh chóng và khó lường.
Đại sứ Lào tại Việt Nam Khamphao Ernthavanh. (Ảnh: PH) |
Xin Đại sứ chia sẻ sự sẵn sàng của nước Chủ tịch ASEAN 2024 cho kỳ hội nghị quan trọng lần này? Kỳ hội nghị cấp cao “gộp” có ý nghĩa như thế nào với các lộ trình phát triển của ASEAN?
Lào vinh dự là nước Chủ tịch ASEAN luân phiên lần thứ 3 kể từ khi trở thành thành viên ASEAN ngày 23/7/1997 (lần thứ nhất năm 2004-2005; lần thứ 2 năm 2016). Năm Chủ tịch ASEAN 2024 của CHDCND Lào diễn ra trong bối cảnh địa chính trị và địa lý kinh tế trong khu vực và thế giới có nhiều chuyển biến phức tạp với nhiều thử thách. Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 44,45 sẽ diễn ra từ ngày 8 – 11/10 tại Thủ đô Vientiane.
Hiện nay, Lào đang tích cực tập trung chuẩn bị sẵn sàng công tác hậu cho Hội nghị cấp cao ASEAN 44,45 và các hội nghị liên quan. Dự kiến sẽ có khoảng 20 cuộc họp với sự tham dự của các nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ các nước thành viên ASEAN, đối tác đối thoại, đối tác ngoài khu vực và đại diện các tổ chức khu vực và quốc tế; hơn 30 nước và tổ chức quốc tế tham dự kỳ hội nghị với khoảng hơn 2.000 đại biểu, 1.000 phóng viên trong và ngoài nước và dự kiến sẽ có khoảng 20 văn kiện được thông qua trong kỳ hội nghị.
Khi là Chủ tịch ASEAN, Lào đã chuẩn bị và phối hợp chặt chẽ với trong và ngoài ASEAN để chuẩn bị nội dung, cũng như công tác hậu cần khác, sẵn sàng tổ chức các chương trình hội nghị. Tôi tin rằng, việc chủ trì Hội nghị cấp cao ASEAN lần này và các hội nghị liên quan khác từ tháng 10 đến hết năm 2024 sẽ thành công tốt đẹp, qua đó tăng cường tinh thần tự cường trong ASEAN, thắt chặt tình đoàn kết, lấy ASEAN làm trung tâm để xây dựng một môi trường tốt ứng phó với mọi thử thách một cách hiệu quả, bền vững vì sứ mệnh chung là hoà bình, ổn định và hợp tác cùng phát triển của ASEAN và thế giới.
Đại sứ đánh giá như thế nào về những thành quả của nước Chủ tịch Lào trong năm 2024 dựa trên việc hiện thức hóa các ưu tiên của ASEAN – Thúc đẩy kết nối và tự cường?
Năm Chủ tịch ASEAN 2024 của Lào có chủ đề “ASEAN: Thúc đẩy kết nối và tự cường”. Chủ đề này rất phù hợp với chính sách và mục tiêu của Lào trong quá trình biến Lào từ nước không có biên giới tiếp giáp với biển trở thành một trung tâm hội nhập – kết nối của khu vực. Đồng thời, cũng phù hợp với mục tiêu chung là xây dựng ASEAN trở thành khu vực hội nhập – kết nối và tự cường để có thể ứng phó với thách thức một cách hiệu quả, kịp thời giữa bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có nhiều diễn biến nhanh chóng và khó lường.
Để thực hiện được chương trình nghị sự của Hội nghị cấp cao ASEAN lần này, Lào đã xác định 9 ưu tiên cần triển khai. Với chủ đề “Tăng cường kết nối” gồm có 4 ưu tiên sau: Hội nhập và kết nối kinh tế, xây dựng tương lai toàn diện và bền vững, chuyển đổi số trong tương lai và văn hóa – nghệ thuật (phát huy vai trò văn hóa, văn nghệ trong ASEAN một cách toàn diện và bền vững).
Với chủ đề “Tăng cường tự cường” gồm có 5 ưu tiên: Xây dựng kế hoạch chiến lược để tổ chức thực hiện Tầm nhìn ASEAN 2045; củng cố vai trò trung tâm của ASEAN; khuyến khích hợp tác trong lĩnh vực môi trường; khuyến khích vai trò của phụ nữ và trẻ em; chuyển đổi có hệ thống lĩnh vực y tế trong ASEAN (ASEAN: y tế tự cường trong tình hình mới).
“Tôi xin thay mặt Đảng, Nhà nước và Nhân dân Lào bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với sự giúp đỡ, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam dành cho Lào trong Năm Chủ tịch ASEAN 2024. Tôi tin tưởng rằng, dưới sự ủng hộ, giúp đỡ từ các nước thành viên ASEAN, đối tác ngoài khu vực, đặc biệt là Việt Nam, Năm Chủ tịch ASEAN 2024 của Lào chắc chắn sẽ thành công tốt đẹp”. |
Trong 9 tháng đảm nhiệm vai trò là Chủ tịch ASEAN, Lào từng bước đạt được thành công trong việc chủ trì các hội nghị, hoạt động trên cả 3 trụ cột với khoảng 300/500 hội nghị và hoạt động diễn ra ở Lào trong năm 2024.
Nhìn chung, tính đến thời điểm hiện tại, Lào đã chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt đối với vai trò là nước chủ trì và chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 và các hội nghị liên quan khác.
Từ các cam kết cấp cao nhất, Việt Nam luôn nhấn mạnh ủng hộ, hỗ trợ Lào hoàn thành tốt trọng trách Chủ tịch ASEAN 2024. Xin Đại sứ nhận định về sự đồng hành của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2024, điều này có ý nghĩa như thế nào đối với quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào?
Trên tinh thần của mối quan hệ đặc biệt giữa 2 nước Lào – Việt Nam, Việt Nam – Lào, Việt Nam đã hỗ trợ Lào trong năm Chủ tịch ASEAN về mặt nội dung, vật chất, phương tiện… Ngoài ra, Việt Nam còn hỗ trợ đảm bảo an ninh quốc phòng để Năm Chủ tịch ASEAN 2024 của Lào diễn ra thành công tốt đẹp.
Tôi xin thay mặt Đảng, Nhà nước và Nhân dân Lào bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với sự giúp đỡ, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam dành cho Lào trong Năm Chủ tịch ASEAN 2024. Tôi tin tưởng rằng dưới sự ủng hộ, giúp đỡ từ các nước thành viên ASEAN, đối tác ngoài khu vực, đặc biệt là Việt Nam, Năm Chủ tịch ASEAN 2024 của Lào chắc chắn sẽ thành công tốt đẹp.
Hội nghị Ủy ban Đại diện thường trực tại ASEAN (CPR) lần thứ 10 rà soát các văn kiện trình Hội nghị Cấp cao ASEAN 44, 45 tại Lào ngày 6/10. (Nguồn: asean.org) |
Theo Đại sứ, Việt Nam có vai trò như thế nào trong việc hiện thực hóa các tầm nhìn phát triển của ASEAN trong bối cảnh ASEAN sắp bước sang năm 2025, mốc dấu hiện thực hóa tầm nhìn ASEAN 2025 và hướng tới tầm nhìn ASEAN 2045?
Việt Nam là nước thành viên ASEAN có vai trò quan trọng trong thực hiện tầm nhìn phát triển của ASEAN, có đóng góp to lớn trong việc đề ra chính sách và quá trình xây dựng cộng đồng ASEAN với 3 trụ cột, là động lực thúc đẩy hội nhập kinh tế trong khu vực, đồng thời là trung tâm đầu tư từ các nước thành viên, tập trung phát triển bền vững; thúc đẩy hội nhập kết nối, giao lưu văn hóa; góp phần thúc đẩy xây dựng hòa bình và ổn định trong khu vực, phù hợp với mục tiêu của ASEAN. Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức thực hiện tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và mong muốn đóng góp lâu dài trong việc xây dựng kế hoạch chiến lược để tổ chức thực hiện tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045.
Việt Nam là nước có nền kinh tế phát triển nhanh chóng trong khu vực, có vai trò quan trọng và có mối quan hệ với nhiều nước, đặc biệt là các nước lớn, điều đó đã đóng góp trực tiếp vào việc tăng cường mối quan hệ đối tác của ASEAN với lập trường lấy ASEAN làm trung tâm.
Đặc biệt nhất, Việt Nam đã thực hiện tốt công tác thúc đẩy giao lưu văn hóa và nền Ngoại giao mang đậm bản sắc cây tre Việt Nam của mình, là yếu tố quan trọng để tăng cường nhận thức và hiểu biết về vai trò và vị trí của Việt Nam trên trường khu vực và quốc tế.
Tôi tin chắc rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thông minh, nhanh nhạy và năng động của lãnh đạo các nước thành viên ASEAN khác, chúng ta sẽ cùng nhau thực hiện thành công tầm nhìn và mục tiêu ASEAN đã đề ra trong mỗi thời kỳ.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!