Trên mảnh đất Mahãhay của đất nước bạn Lào từng chịu nhiều thiệt hại do suy thoái rừng, dự án trồng rừng do Việt Nam triển khai đã khởi động hành trình tái sinh hệ sinh thái và bảo vệ sinh kế của người dân. Với mỗi cánh rừng xanh trở lại, người dân nơi đây không chỉ được cải thiện thu nhập mà còn tự hào vì đã góp phần bảo vệ môi trường bền vững.
Màu xanh trở lại với rừng Mahaxay
Cuộc sống người dân huyện Mahaxay (thuộc tỉnh Khammouane, Lào) phụ thuộc lớn vào nông nghiệp và khai thác tài nguyên tự nhiên. Tuy nhiên, những người dân sinh sống ở đây đang phải đối mặt với những ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và suy thoái rừng. Tình trạng phá rừng kéo dài trong 20 năm qua đã khiến diện tích rừng nguyên sinh tại Mahaxay giảm khoảng 30%.
Đất nông nghiệp bị xói mòn, lũ lụt và hạn hán diễn ra thường xuyên làm suy giảm năng suất nông nghiệp, khiến người dân chật vật để tìm nguồn thu nhập ổn định. Việc mất rừng cũng làm ảnh hưởng tiêu cực đến các ngành kinh tế tiềm năng như du lịch sinh thái.
Chung tay với nhân dân nước bạn Lào ứng phó với thách thức về suy thoái rừng và biến đổi khí hậu, năm 2022, Việt Nam đã triển khai Dự án “Trồng rừng tái tạo và phát triển tín chỉ carbon tại Mahaxay” do Công ty Tín chỉ Carbon Việt Nam thực hiện.
Diện tích rừng nguyên sinh tại Mahaxay giảm 30% do tình trạng phá rừng kéo dài. (Ảnh: Hà Phương) |
Bán tín chỉ carbon là cách để giảm lượng khí thải gây hại cho môi trường. Một khu rừng được trồng mới hoặc bảo vệ tốt sẽ hút khí CO₂ từ không khí. Mỗi lần như vậy, chúng ta có thể đo và tính ra được một “tín chỉ carbon” tương ứng. Các công ty hoặc quốc gia thải ra nhiều CO₂ có thể mua những tín chỉ này để bù đắp cho lượng khí họ đã thải ra. Điều này giống như việc họ trả tiền để cây xanh “làm sạch” không khí. |
Với hướng đi mới so với các dự án trồng rừng truyền thống, Dự án không chỉ phục hồi diện tích rừng bị mất mà còn tạo điều kiện để cộng đồng địa phương tham gia vào mô hình kinh tế bền vững. Thay vì chỉ tập trung vào việc trồng cây, dự án tích hợp phát triển tín chỉ carbon, giúp cộng đồng có thêm nguồn thu nhập từ việc bảo vệ và tái tạo rừng, mở ra một mô hình kinh tế xanh.
Theo bà Mai Hà Phương, đại diện Công ty Tín chỉ Carbon Việt Nam, sau 2 năm triển khai, dự án đã phục hồi được 150 ha rừng; đồng thời mang lại thu nhập ổn định cho 200 hộ gia đình thông qua việc tham gia vào hoạt động bán tín chỉ carbon và phát triển du lịch sinh thái. Cùng với đó, thông qua các khóa đào tạo nâng cao nhận thức và kỹ năng quản lý rừng cho người dân, Dự án đã đóng góp vào việc cải thiện đa dạng sinh học, giúp khôi phục và duy trì sự cân bằng sinh thái tại Mahaxay.
Ông Somchan Vieng, người dân Mahaxay cho biết, trước đây, cuộc sống của gia đình ông phụ thuộc hoàn toàn vào nông nghiệp. Mỗi mùa vụ, cả gia đình đều chỉ biết ngóng trông vào mưa nắng vì chỉ cần một đợt hạn hán hay lũ lụt là mọi thứ có thể mất sạch.
“Từ khi có dự án trồng rừng và tín chỉ carbon do Việt Nam hỗ trợ, cuộc sống gia đình tôi đã thay đổi rất nhiều. Chúng tôi có thêm công ăn việc làm ổn định và nguồn thu nhập mới ngoài nông nghiệp. Công việc này cũng giúp tôi hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường. Nhìn thấy rừng xanh tươi trở lại, tôi cảm thấy tự hào vì đã đóng góp cho môi trường và cả tương lai của con cháu mình”, ông Somchan Vieng nói.
Chung tay tái tạo rừng
Bà Mai Hà Phương, đại diện Công ty Tín chỉ Carbon Việt Nam cho biết, Dự án “Trồng rừng tái tạo và phát triển tín chỉ carbon tại Mahaxay” được chia thành 5 giai đoạn chính kéo dài trong vòng 30 năm, với kế hoạch chi tiết cho từng giai đoạn. Dự án có chi phí ban đầu dự kiến khoảng 1,5 triệu USD, chi phí vận hành hằng năm ước tính 300.000 USD.
Để đảm bảo hiệu quả cao, dự án áp dụng các công nghệ tiên tiến như AI và GIS vào quản lý rừng. AI hỗ trợ tính toán và giám sát lượng carbon mà rừng hấp thụ, giúp quá trình phát hành tín chỉ carbon minh bạch và chính xác. Hệ thống GIS được sử dụng để theo dõi sự thay đổi diện tích rừng và phân tích dữ liệu địa lý nhằm tối ưu hóa công tác tái tạo.
Các kỹ sư của Dự án tiến hành trồng rừng tái tạo tại Mahaxay (Lào). (Ảnh: Hà Phương) |
Mục tiêu của dự án là trong 5 năm tiếp theo sẽ tái tạo và phục hồi 10.000 ha rừng tại Mahaxay. Từ đó tạo ra 200.000 – 350.000 tín chỉ carbon mỗi năm, tương đương với việc giảm lượng phát thải từ 200.000 đến 350.000 tấn CO2.
Đánh giá cao những kết quả Dự án đem lại, ông Xaybandith Rasphone, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Lào (LNCCI) khẳng định Dự án có thể trở thành mô hình mẫu về phát triển rừng và tín chỉ carbon tại các địa phương khác của Lào. Chính phủ Lào kỳ vọng đạt tỷ lệ che phủ rừng 70% trong Chiến lược Lâm nghiệp đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Để thực hiện mục tiêu này, ông Xaybandith Rasphone mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ Lào về mặt kỹ thuật và kinh nghiệm trong việc phát triển các dự án lâm nghiệp và tín chỉ carbon.
Ngoài các dự án trồng rừng, Việt Nam còn nhiều hoạt động khác hỗ trợ Lào trong việc bảo vệ và tái tạo rừng. Hiện Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam đang thực hiện khóa đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ kỹ thuật nông nghiệp Lào. Khóa học diễn ra trong 2 tháng, từ 29/10-28/12 tập trung vào kỹ thuật trồng trọt, nhân giống và bảo vệ cây trồng.
Đoàn cán bộ kỹ thuật nông nghiệp Lào tham gia khóa đào tạo nâng cao năng lực tại Trường Đại học Lâm nghiệp. (Ảnh: Daovone Thongvilay) |
Nhiều địa phương Việt Nam – Lào đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác về trao đổi thông tin, kinh nghiệm để ngăn chặn phá rừng, khai thác khoáng sản, săn bắt và buôn bán động vật, gỗ, sản vật rừng trái phép. Hai bên cũng tăng cường thông tin về phòng chống cháy rừng, tuyên truyền cho người dân biên giới hiểu về bảo vệ tài nguyên và đa dạng sinh học. Khi phát hiện vi phạm, hai bên sẽ kịp thời thông báo và phối hợp xử lý.
Nguồn: https://thoidai.com.vn/trong-rung-tin-chi-carbon-cung-nuoc-ban-lao-phat-trien-kinh-te-xanh-ben-vung-207035.html