Nếu bây giờ tôi đưa ra nhận xét, 20 năm qua, Tùng Dương là một trụ cột của nghệ thuật biểu diễn âm nhạc Việt Nam, Dương nghĩ sao?
– Đấy là một lời khen hơi quá. Dương nghĩ rằng mình cần tỉnh táo trước những lời khen (cười). Vâng, nhưng nếu chị khen vậy thì Dương rất cảm ơn, tuy nhiên Dương vẫn luôn luôn biết mình đang ở đâu, ngưỡng nào và còn những gì phải cố gắng.
Là người nghệ sĩ Dương nghĩ rằng phẩm chất của anh ta khiêm tốn thì sẽ đi được xa và sẽ làm được nhiều thứ hơn là lúc nào cũng nghĩ mình là mặt trời, là trụ cột của mọi thứ. Nếu bạn cứ nghĩ bạn là mặt trời thì lòng kiêu hãnh của bạn quá lớn, và cái lớn đấy cũng làm cho bạn chưa lớn đâu. Còn khi mà bạn biết chia sẻ, biết mình biết người, cứ âm thầm sáng tạo, nhìn rõ mình nhất thì lúc đấy bạn lung linh nhất.
Khi phỏng vấn các nhà văn, tôi thường nghe họ nói tác phẩm lớn nhất của họ vẫn ở phía trước, tác phẩm lớn nhất là tác phẩm chưa ra đời. Thế còn một ca sĩ cho dù mình đã qua cái thời thanh xuân thì có nghĩ đỉnh cao của mình vẫn ở phía trước không?
– Ồ, Dương cũng đồng quan điểm này. Ai cũng có thời trẻ đẹp để cống hiến, thời thanh xuân tươi đẹp nhất, năng động nhất của mình. Nhưng đối với Tùng Dương thì dự án hay nhất chắc là vẫn chưa ra đời, vẫn đang tiềm ẩn ở phía trước.
Thế là có thể hy vọng trong vòng 10 năm tới sẽ có một Tùng Dương hát những ca khúc tự sáng tác có thể làm sững sờ công chúng?
– Dương vẫn ấp ủ công việc sáng tác. Tuy nhiên không phải để biến mình thành một nhạc sĩ Tùng Dương mà chỉ đơn thuần là vì tôi được hoàn thiện chính bản thể nghệ thuật của mình. Sáng tác nó như là một phần trong máu, tôi được hát với triết lý, tình cảm của mình chứ không phải biến mình thành nhạc sĩ chuyên nghiệp như các nhạc sĩ khác.
Nhìn lại 20 năm ca hát, Tùng Dương cảm thấy hài lòng nhất là gì?
– Cả không hài lòng, trả giá gì nữa chứ (cười)!
20 năm, một cột mốc của đời người thì cũng quá dài, nhưng với người nghệ sĩ thì đã đánh dấu một khoảng thời gian có lẽ là ghi dấu trong lòng công chúng và những trải nghiệm của một đời nghệ sĩ đi hát. Đã có kinh nghiệm, và những ký ức đẹp, vui có, buồn có, những thành tựu có, để được công chúng, giới chuyên môn đánh giá ghi nhận.
Sau 20 năm Dương nghĩ rằng đã thực sự trưởng thành, đó là điều mà Dương nhận được. Không phải cứ tự nhận trưởng thành là được mà là cả một quá trình đúc kết bởi những kinh nghiệm sống và những điều mình sáng tạo.
Quan trọng nhất là chưa bao giờ tôi chán hát. Tôi có thể chán bản thân, luôn luôn làm mới lại mình, phải dũng cảm chán dự án của mình để dũng cảm làm những dự án mới. Đấy không phải bạc bẽo, đấy là cái sự luôn luôn không bao giờ hài lòng chính mình, có thể hài lòng lúc ấy thôi, nhưng mà sau đấy tôi sẽ không hài lòng bởi vì tôi muốn đi tiếp nữa. Cứ thế bóc từng lớp khả năng trong con người mình.
Đến khi nào không còn bóc được nữa thì thôi!
Đấy là suy ngẫm của Tùng Dương. 20 năm chưa bao giờ chán hát, có thể chán bản thân nhưng không bao giờ chán nghề.
20 năm đấy, Dương đã thay đổi phong cách mấy lần?
– À, câu này rất hay, thay đổi phong cách không phải một sớm một chiều, mà nó là cả một nền tảng, một quá trình.
Trong live concert sắp tới Dương cũng chia ra làm 4 chương với 4 phong cách âm nhạc. Và cũng gợi mở lại, gợi nhớ cho khán giả lịch sử ca hát mà tôi muốn chia sẻ cùng khán giả.
Trong liveshow sẽ là những bài hát về tuổi thơ đã từng hát và có duyên với tôi, ví dụ bài hát “Em ơi Hà Nội phố” của cố nhạc sĩ Phú Quang đã được Tùng Dương hát hồi mới 12 tuổi, lúc sang Nga được gặp bố mẹ, được hội ngộ với gia đình. Bố mẹ Dương sống ở nước ngoài, ở trong mùa đông băng tuyết rất lạnh của nước Nga.
Lúc đấy cất lên tiếng hát “Em ơi Hà Nội phố” trong ngày Tết Nguyên đán cùng kiều bào nơi xứ người. Quả thật đấy là kỷ niệm đáng nhớ đầu tiên khi tôi được xuất ngoại, được cất tiếng hát tuổi thơ của mình lên và rất nhiều khán giả bà con kiều bào khóc, khóc vì người ta không thể nghĩ rằng một cậu bé hát một bài hát với cách xử lý sâu sắc như vậy.
Hay bài hát “Em nghĩ gì khi mùa xuân đến” của cố nhạc sĩ Trần Hoàn, một trong những bài hát đầu tiên mà ông đã dạy cho tôi, người ông họ đã đưa Tùng Dương tới với âm nhạc.
Phần 2, là Tùng Dương thời Sao mai và dân gian đương đại. Đấy là một cuộc định hình chính Tùng Dương, là gốc rễ của giọng hát Tùng Dương. Tức là không gian âm nhạc của tôi là dân gian đương đại với phần kết hợp của nhạc sĩ Lê Minh Sơn, khiến tôi đã được xuất hiện ở Sao Mai Điểm hẹn và chiến thắng ở đó.
Chương 3 là Thanh xuân. Sau dân gian đương đại là những bài hát trẻ, mới hơn.
Chương cuối cùng là Trở lại với chính con người tôi, tinh thần đương đại giao thoa. Có lẽ Tùng Dương là ca sĩ, nghệ sĩ đa phong cách. Cũng không thể nói là phong cách nào sẽ gắn liền với Tùng Dương mà cứ như thế tôi mải miết, pha trộn, đào sâu nghiên cứu, khám phá chính tiềm năng ẩn chứa trong tôi. Vẫn còn nhiều lắm và tôi biết khả năng như thế nào.
Được cái là tôi có sự nhạy cảm nhất định nên hát dòng nào ra dòng đấy. Hát nhạc jaz ra được cái tinh thần nhạc jaz, hát world music, hát ballad hay là hát rock, dân gian đương đại thì dòng nào cũng vẫn ra được cái tinh thần ấy.
Nhưng mà tự mình nhận thì rực rỡ nhất là thời kỳ nào, với dân gian đương đại thời kỳ nhạc sĩ Lê Minh Sơn, hay thời kỳ kết hợp với nhạc sĩ Nguyên Lê?
– Khó nói nhất là thời kỳ nào rực rỡ nhất, bởi vì 20 năm qua Dương đã đạt được ít nhất là 13 Giải thưởng Cống hiến, để cho sự bứt phá trong năm thì thấy là ở mỗi dòng nhạc tôi đều có sự bứt phá và rực rỡ. Thậm chí là 2 năm trước, khi mà Covid-19 ập đến thì Dương được lĩnh 3 Giải thưởng Cống hiến cho Chương trình của năm, Ca sĩ của năm và Album của năm, tức là năm mà Dương được nhiều giải nhất.
Ngay cả khi bén duyên với nhạc rock, trong cuốn album Human, thì có thể thăng hoa hơn so với dân ca đương đại. Nhưng đối với dân gian đương đại thì lại là cột mốc rất quan trọng đối với Tùng Dương. Nó không phải là cột mốc duy nhất, nhưng mà nó là cột mốc đầu tiên và đến bây giờ dân gian nằm trong bản thể, tôi lúc nào cũng đủ tình yêu quê hương đất nước một cách rộng lớn bao la, để tôi hát về tình yêu tha thiết với quê hương đất nước bằng những bài hát dân gian đương đại.
Đi đến đâu cũng được chào đón, được hát, được ngồi hát những bài hát về địa phương từng nơi thì đó phải là nhờ công chúng yêu mến tiếng hát của mình.
Mỗi khán giả có đánh giá khác nhau, cá nhân tôi chẳng hạn, tôi thích nhất Tùng Dương vào thời điểm hát “Chiếc khăn piêu”. Đấy là lúc tôi cho rằng đó là giọng ca nam tính bậc nhất ở Việt Nam, với âm vực rộng và nội lực ghê gớm ở vào giai đoạn đấy. Chắc khán giả khác sẽ có đánh giá khác?
– Chiếc khăn piêu thực ra vẫn là dân gian đương đại. Quả thực một bài hát cũ với phần hòa âm phối khí của nhạc sĩ Nguyên Lê là một đột phá. Bản thân Dương cũng không ngờ sức mạnh của nó quá lớn. Khi mà 60 năm sau thì “Chiếc khăn piêu” lại được lộn trở lại với một sự thành công ngoạn mục như vậy thì tôi biết rằng trách nhiệm gìn giữ những tác phẩm để đời là rất quan trọng.
Thế bản thân Tùng Dương thấy thích nhất thời điểm nào?
– Dương lại thích ý tưởng khi Dương tôn vinh Bộ tứ Sông Hồng: Dương Thụ, Trần Tiến, Nguyễn Cường, Phó Đức Phương. Liveshow ấy không phải làm cho tôi mà là làm cho các chú, nhưng tôi nhiệt huyết hơn là làm cho chính mình. Làm cho mình thì dễ lắm, đơn giản vì đã có bộ máy, cả một ê kíp cứ vận hành. Nhưng để khi tôn vinh các chú, 4 nhạc sĩ lớn Trần Tiến, Phó Đức Phương, Dương Thụ, Nguyễn Cường – 4 cây cổ thụ của nền âm nhạc Việt Nam quá lớn như vậy mà tôi chỉ là một thằng nhóc con của thế hệ sau, con cháu các chú, mà làm không cẩn thận sẽ bị các chú phê bình. Nhưng rất mãn nguyện khi mà 2 đêm concert Bộ tứ Sông Hồng, Tùng Dương hát thì nhạc sĩ Dương Thụ, người cũng hay tổ chức đêm nhạc, một người quá khó tính luôn đã dành lời khen: 4 anh em mình quá may vì có một thằng nó làm cho anh em mình!
Dương nghĩ rằng chú nói vậy thôi nhưng thực ra trong lòng các chú rất vui vì tôi đã kết nối lại được 4 nhạc sĩ đều ở về mặt địa lý rất xa nhau. Người sống miền Nam, người sống Miền Bắc, người ở Vũng Tàu, thế mà kết nối họ lại. 4 người nghệ sĩ với cá tính ngang ngạnh, 4 nhạc sĩ lừng lững, 4 cây cổ thụ của nền âm nhạc Việt Nam, cá tính ngoài đời cũng rất mạnh đến cá tính âm nhạc, để ngồi đối thoại với 4 chú phải gan to một chút (cười), mình không dám nói là mình gan to nhưng mình luôn nghĩ là âm nhạc phải lựa chọn những concept táo bạo và thời khắc 4 chú đứng lên tặng hoa cho mình và mình tôn vinh lại 4 chú và tặng hoa 4 chú. Thời khắc ấy đã đi vào lịch sử.
Trong số những nhạc sĩ ở Việt Nam, ai là người ảnh hưởng đến Tùng Dương nhất?
– Dương ảnh hưởng từ tinh thần Phật giáo, Triết học phương Đông cũng như là những điều rất là dung dị bởi ca từ của nhạc sĩ Trần Tiến. Dù tôi không phải là con cháu của ông như chị Hà Trần nhưng tôi có mối giao cảm mà hát rất nhiều bài của ông. Sau này hát rất nhiều của nhạc sĩ khác, như anh Nguyên Lê.
Các nghệ sĩ như Thanh Lam, Hà Trần – các diva của nền âm nhạc Việt Nam cũng là những người chị rất thân thiết và hát hợp với tôi. Ngoài concert Bộ tứ Sông Hồng thì Dương cũng từng tổ chức liveshow Trời và đất kết nối 4 diva Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Hà Trần của nền âm nhạc Việt Nam, cũng là nhằm tôn vinh họ.
Tôi hay có những concept rất độc đáo và chính tôi nghĩ ra, tự là nhà sản xuất và tìm những cộng sự để cộng tác.
Theo Dương con đường làm ca sĩ bây giờ có dễ dàng hơn không?
– Bây giờ dễ hơn, thực ra thì để việc chinh phục những giải thưởng hay những thành tựu hay thành công ở thời nào cũng sẽ có cái khó và dễ. Thời của Tùng Dương có lẽ là rất khó bởi cần chất lượng thực sự, 10 bạn nộp đơn cuộc thi Sao Mai điểm hẹn được chọn, bạn nào cũng là một màu sắc âm nhạc riêng, rất chất lượng.
Có thể sau này thì chất lượng các cuộc thi ít đi, bởi vì mỗi năm chúng ta tổ chức nhiều chương trình thi thố thì nhân tài không thể dễ dàng có được. Đương nhiên chúng ta vẫn tìm ra những quán quân xứng đáng của các cuộc thi. Thế nhưng để các bạn ấy là những gương mặt nổi bật của thị trường âm nhạc hay là những người có cá tính âm nhạc mạnh để tạo ra những sự đột phá, sức bật, dấu ấn rất lớn thì không có nhiều.
Nhưng mà không vì thế mà nền âm nhạc của chúng ta lại kém sôi động đi. Showbiz Việt Nam rất sôi động bởi vì các bạn trẻ, những thế hệ gen Z, hay là thế hệ 9x, các bạn hoạt động rất sôi nổi, có thể có những người không cần phải qua các cuộc thi nào nhưng mà vẫn trưởng thành từ việc họ đi hát lâu năm và họ thành công, họ phát hành MV ca nhạc, họ làm các dự án âm nhạc.
Trong số các ca sĩ đang nổi thì Dương đánh giá cao ai?
-Tiêu chí bây giờ không chỉ cần việc hát hay, hát chuẩn mực như là thế hệ trước cần kỹ thuật lẫn cảm xúc. Bây giờ các bạn trẻ theo cách công nghệ hơn, công nghệ hóa tiếng hát hơn, hay MV bắt mắt nhiều hơn. Nhưng quan trọng nhất là Dương vẫn thích cá tính, nếu như mà có người có thể hát hay thì quá tốt nhưng nếu bằng cá tính âm nhạc họ mới chinh phục được mọi người.
Thế Đen Vâu hay là Vũ thì sao, Tùng Dương đánh giá họ thế nào?
– Đấy là những nghệ sĩ … rất cập nhật và cá tính. Đen Vâu là nghệ sĩ thể hiện được nhân sinh quan của mình và mang được nó vào trong âm nhạc. Có những MV rất là nhân văn. Còn Vũ thì hát về thế giới tình yêu của bạn ấy nhiều hơn và có một lớp khán giả rất riêng của các bạn ấy. Đấy cũng là những cá tính của thị trường âm nhạc hiện nay.
Tùng Dương nghĩ gì khi hát bài “Ngày chưa dông bão” vốn đã được Bùi Lan Hương hát quen thuộc với các bạn trẻ?
– Khi đứng trước một tác phẩm nào Dương cũng có thói quen suy ngẫm, nghiền ngẫm tác phẩm, quên bản gốc đi, không bị ảnh hưởng, độc lập luôn thì mới có thể làm mới được nó một cách rất nghiêm túc. Ví dụ mới đây hát cả Nàng thơ, Ai chung tình được mãi…, Dương hát “dan dan díu díu mập mờ” theo cách hơi kinh điển chút. Cách của Tùng Dương thì vẫn muốn đưa kỹ thuật và cảm xúc trải nghiệm qua năm tháng của mình vào bài hát. Tất nhiên Dương không thể hát bài của các bạn theo cách của các bạn, các cách “dan díu mập mờ”được.
Trước kia 19-20 tuổi thì hát được. Chứ bây giờ thì hát bài của các bạn trẻ bằng cách khác, khác với các bạn. Ví dụ với Ngày chưa dông bão, Bùi Lan Hương đã hát rất nhẹ nhõm, rất nữ tính, thì Dương phải làm khác. “Dông bão” của Dương kịch tính hơn, nội lực hơn, bản phối lớp lang, đầy đặn, rock hơn. Thì cũng tạo được dư vị mới, màu sắc mới cho bài hát.
Với những người không được đào tạo bài bản thì Dương có nghĩ rằng sau những nổi tiếng rất nhanh họ có thể đi xa được không?
– Câu này hay đấy (cười). Xa hay không còn do nỗ lực của mỗi người, chưa nói trước được điều gì. Có những người cũng không phải học hành quá bài bản gì cả hoặc họ là tay ngang, ví dụ như Uyên Linh hay Hà Anh Tuấn các bạn cũng rất thành công. Dương nghĩ rằng trong một xã hội hiện đại, thời đại về công nghệ việc học bằng sự quan sát để bù đắp lại kiến thức ở nhà trường cũng là điều rất thú vị và đi được xa hay không là do nỗ lực của các bạn.
Nếu ai cũng chạy theo giải trí đơn thuần thì chỉ cần cứ hát bài theo trend là được và Dương nghĩ rằng việc công chúng sẽ nhớ mãi bạn là việc sẽ khó hơn, bởi vì bài hát mà không có ca từ thật sự có chiều sâu sẽ không có sức sống lâu bền.
Dương có phải là người chịu khó cập nhật các xu hướng âm nhạc trên thế giới và công nghệ, kỹ thuật sáng tác mới không?
– Dương cập nhật thường xuyên. Nghe nhiều, chịu học hỏi là điều rất quan trọng để giúp tâm hồn bạn luôn được dung dưỡng nghệ thuật. Việc bắt kịp trend rất quan trọng thì bạn sẽ không bị out, không bị già cỗi so với thị trường. Nhiều khi Dương vẫn cover một vài bài nhạc trẻ là bởi vì Dương thấy là việc đó nó cũng tốt cho mình, thấy tâm hồn trẻ lại và khán giả trẻ thì biết đến nhiều hơn.
Dương có dự định gì cho con đường âm nhạc sắp tới?
– Trong liveshow sắp tới có một ca khúc rất đặc biệt là Gieo mầm do Dương tự sáng tác. Bài hát nhạc rock rất máu lửa. Nếu khán giả đón nhận yêu mến bài này thì Dương sẽ tiếp tục sáng tác một số ca khúc. Từ trước đến giờ thì cũng chưa tập trung cho việc sáng tác. Nhưng nếu tự sáng tác thì sẽ tự hát lên được cái nhân sinh quan và triết lý của chính mình, rung động của chính mình. Gieo mầm ra đời trong hoàn cảnh khi ngồi tập piano, Dương có nhiều ý tưởng, giai điệu đẹp hiện ra trong đầu và lời hát được chuốt trong một thời gian ngắn.
Bằng trải nghiệm riêng của mình và câu chuyện về cuộc đời ca hát, tôi đã viết ca khúc Gieo mầm.
Dương có thể hát tặng độc giả báo Dân Việt một đoạn trong bài hát này không?
– Được chứ, nhưng giọng hơi sụt sịt một chút nhé! (clip Dương hát kèm theo)
Đó, đó là lời và giai điệu mà Dương nghĩ rằng nó phù hợp với tôi nhất trong thời điểm hiện tại. Có thể nếu lần này bài hát được công chúng đón nhận thì sau liveshow này tôi sẽ thực hiện MV này. Và dự án dài hơi hơn là Rocksynphonny với những bài hát Tùng Dương sáng tác và đồng sáng tác.
Để cho thấy rằng năng lượng của mình nó cũng như người gieo mầm luôn luôn gieo cho mình những mầm sống tích cực. Luôn luôn tự chán mình và luôn luôn muốn tự thay đổi.
Thực ra bây giờ tôi cũng không quá lo lắng về việc ai thích hay không thích mình nữa. Quan trọng nhất là mình mang tinh thần tích cực cho mọi người, ai đồng cảm, ai yêu thì đã yêu rồi, còn ai mà chưa yêu, chưa yêu nổi thì cũng có thể họ sẽ vì một bài hát nào và một cách làm mới nào đấy của Tùng Dương mà họ thấy rằng hợp tai họ thì cũng là điều mà Dương rất cảm ơn.
Nhưng cuộc đời thì còn rất dài và còn cả một chân trời phía trước, một bầu trời phía trước để chúng ta có thể cố gắng thì những bài hát, những dự án tác phẩm hay nhất chưa phải là lúc này.
Sau 20 năm, bây giờ Dương thấy mình đằm hơn, hay là phù phiếm hơn?
– Dương chưa bao giờ phù phiếm. Nhưng đúng là có sự nông nổi của tuổi trẻ. Ai trải qua giai đoạn đấy cũng thế. Cũng thích trưng trổ, cũng thích thể hiện, nhưng mà có lẽ sự thể hiện đấy bây giờ nhìn lại thấy mình rất trẻ con. Những năm cắt tóc 3 phân, mặc trang phục của Công Trí, đi chân đất, hát bài “Con cò” rồi đi theo ông Ngọc Đại để hát Nhật thực, là thời kỳ Dương đã muốn làm cái gì nó khác đi, và nó không giống ai. Nhưng bây giờ nhìn lại Dương rất trân trọng những ngày tháng đấy.
Ở ngoài đời ai là người ảnh hưởng đến phong cách sống, có ai chi phối, có ai làm cho Dương thay đổi?
– Cụ thể một ai thì nói người này thì sẽ thiệt cho người kia và cũng chưa đúng, chưa chuẩn và chưa đủ. Dương học được từ bố niềm đam mê với âm nhạc, ông hát rất hay, ông là một giáo viên tiếng Anh, là người rất giàu tình cảm, chắc mình giàu tình cảm giống bố.
Mẹ Dương là hoạ sĩ thiết kế, là người tự tay làm cho Dương những bộ trang phục để đi thi Sao Mai Điểm hẹn. Dương nhớ như in những lần khâu vá và cắt may của mẹ qua đêm để kịp gửi vào cho con trai vì đã đến thời gian lên sóng của Sao Mai.
Bộ trang phục Dương mặc hôm nhận giải Nhất cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội năm đó cũng là do mẹ khâu, mẹ làm những hoạ tiết dân tộc.
Người bạn đời thì cho tôi sự nghiêm túc khắt khe với công việc. Khi vào công việc cùng nhau là cô ấy nghiêm túc lắm, hơn tôi luôn.
Còn con trai truyền cho tôi cảm hứng khi được làm cha, biết hy sinh hơn. Dương khẳng định người đàn ông phải lập gia đình thì mới có sự trưởng thành được, có sự bao dung, nếu không thì lông bông lắm.
Sau khi có con thì đời sống của Tùng Dương có khác không?
– Khác chứ, thay đổi 180 độ. Là bởi vì tôi không còn vị kỷ nữa. Tôi biết chia sẻ, nhường nhịn. Bản năng làm cha trỗi dậy, tôi không ngại 3h sáng dậy cho con uống sữa, không ngại việc tắm cho con, không ngại thay bỉm cho con. Yêu thương và biết chăm con như là bản năng của người làm cha.
Sau khi có con thì việc thức khuya dậy sớm không thành vấn đề.
Nhiều năm nay không thấy có điều tiếng gì về việc yêu đương của Tùng Dương nhỉ?
– Trong nghệ thuật Dương không chọn lối đi an toàn. Luôn luôn khó “chung thuỷ” với một ê kip nào. Nhưng trong tình yêu thì tôi nghĩ là nên chung thuỷ. Vì nó thiêng liêng lắm. Cũng có thể với nghệ sĩ thì nhiều người cũng dễ rung động, nhưng tôi cũng phải lấy cái lý trí kéo lại.
Dễ rung cảm thôi chứ không được để mình mất hết lý trí. Tôi là một người nghệ sĩ yêu sự nghiệp và yêu gia đình. Điều đó mới là điều quan trọng.
Có phải do Tùng Dương quá giữ gìn hình ảnh?
– Điều đó là tốt, khi một người nghệ sĩ muốn truyền cảm hứng đến cộng đồng mình. Nghệ sĩ ít nhất phải có một cái vóc. Xây dựng và giữ gìn được hình ảnh cũng là một thử thách đối với nghệ sĩ. Hoặc cũng có thể là cái số của mỗi người. Dương không nghĩ là những người đổ vỡ nhiều là do họ trăng hoa mà có thể do số của họ như vậy. Bằng chứng là chị Thanh Lam mà Dương rất thân thiết, hồi trước Dương vẫn nói chuyện tình yêu của chị ấy gập ghềnh là do số của chị như vậy.
Đương nhiên ai cũng có một bản mệnh nào đấy nhưng do mình quyết định. Một người muốn đi xa thì phải biết cách cân bằng, phải lý trí thì mới thành công được.
Mỗi dự án được thực hiện, người tính toán, quản lý cho Tùng Dương thì có phải bà xã không?
– Đương nhiên, bà xã đã cùng quản lý giúp cho, bởi vì người nghệ sĩ như Tùng Dương thì các con số cũng lơ mơ lắm và không có nghĩ nhanh như bài hát được. Ngoài ra có có các trợ lý, các bạn rất hiểu việc, rất khéo léo uyển chuyển để có thể kết nối với các nhà tổ chức âm nhạc.
Tùng Dương nhận định thế nào về thị trường âm nhạc Việt Nam hiện nay?
– Rất sôi động, nhiều nhân tố mới, âm nhạc phát triển một cách văn minh. Tuy nhiên vẫn thiếu những bài hát có những ca từ sâu sắc và triết lý nổi bật, nói đúng hơn là hơi hiếm, chứ không phải là không có, và nó hơi tản mát.
Ít các dự án âm nhạc, ít sự đầu tư về album, hầu như toàn MV, mà MV thì tuổi thọ ngắn hơn và người ta sẽ nghe, xem xong một lần rồi thôi. Không có các ca sĩ hoạch định có một dự án dài hơi để làm nên sự đột phá.
Dự báo của Tùng Dương về xu hướng âm nhạc những năm tới?
– Vẫn còn rất nhiều những bài hát dễ dãi về mặt ca từ, bên cạnh đó với chiều nhìn tích cực thì các bạn trẻ hiện nay rất chuyên nghiệp để tạo dựng nghề, mang thương hiệu cá nhân. Mà như thế thì trong tương lai thị trường âm nhạc trong nước vẫn sôi động nhưng vẫn thiếu tính kết nối với thế giới.
Khoan hãy nhìn về các nước lớn mạnh ở châu Âu hay là Mỹ, chúng ta chỉ cần nhìn thị trường châu Á, nhìn ngay sang nước láng giềng thì âm nhạc Việt Nam vẫn chưa ra được với thế giới, dù cơ hội rất nhiều, sự giao lưu cũng rất nhiều. Việc mang bản sắc ra thế giới có thành công được hay không, hay có hội nhập được không là những câu hỏi rất khó có thể trả lời được.
Chúng ta có thể có nhiều MV hàng triệu triệu views, thậm chí còn nhiều views hơn MV của các ngôi sao trên thế giới nhưng tại sao họ vẫn ở đẳng cấp khác và chúng ta vẫn biệt lập với họ?
Đây là câu trả lời bỏ ngỏ và chúng ta chỉ biết nỗ lực hết mình để một ngày nào đấy đưa được âm nhạc của Việt Nam ra bản đồ thế giới với rất nhiều sắc màu, những dự định âm nhạc của các nghệ sĩ thành công.
Có vẻ sự xuất hiện của các ca sĩ trẻ hiện nay đã có cá tính âm nhạc, nghiêm túc, chuyên nghiệp hơn thì có phải khán giả đã văn minh hơn trong gu thưởng thức không?
– Đúng là sự văn minh đến từ việc chúng ta học bằng sự quan sát hoặc là internet phát triển, nó có mặt mạnh tích cực và những mặt tiêu cực.
Nhìn vào mặt tích cực, internet cho chúng ta sự kết nối rất nhanh, cấp bách và bắt trend với thế giới xung quanh. Một sự kết nối từ những nhà sản xuất trong nước với những nhà sản xuất thế giới rất gần nhau thì chúng ta có nhiều cơ hội được giao lưu.
Dương đã từng mang cả ban nhạc của anh Nguyên Lê về Việt Nam trong dịp liveshow Độc Đạo. Đúng là ở ngưỡng nào đấy, thời điểm nào đấy thì khán giả đã tự nâng cấp việc nghe nhạc của mình, việc cảm thụ âm nhạc của mình và họ chọn nhạc sẽ khó tính hơn. Đặc biệt ngày nay khán giả kỹ tính và khó tính đấy.
Đương nhiên cũng có nhiều đối tượng khán giả khác nhau. Ca sĩ nào thì fan đấy, có lượng khán giả riêng của họ. Ngược lại ca sĩ hướng mình tới sự hoàn hảo nhất có thể, tốt nhất có thể thì phải cố gắng, ngoài việc duy trì phong độ thì cũng phải hiểu được thời đại ngày nay thì màu sắc âm nhạc không trộn lẫn là điều rất quan trọng để thể hiện được bản sắc riêng của mình.
Ca sĩ hiểu điều đấy và ê kíp đứng đằng sau họ hiểu điều đó để gây dựng cho họ. Dương nghĩ rằng cả hai yếu tố đều đúng.
Tùng Dương là một trong những người hiếm có scandal, vì Dương là người quá thận trọng trong phát ngôn?
– Scandal có thể gọi tên bất cứ ai nếu chúng ta không có ý thức sống lành mạnh, giữ gìn hình ảnh của mình. 18 tuổi trở lên là chúng ta phải tự lập rồi và có những quyết định chín chắn cho chính mình, đứng đắn thôi chứ chưa gọi là chín chắn đâu. Đến người sấp xỉ trung niên như Tùng Dương rồi nhưng vẫn đang thanh xuân, chưa hết thanh xuân (cười lớn) thì Dương nghĩ rằng càng cẩn trọng hơn rất nhiều đừng xem nhẹ scandal. Dù nó rất là nhẹ thôi, một việc tranh luận trên mạng xã hội thì cũng rất cẩn thận, việc này có đáng để tranh luận hay không.
Phải cân nhắc có nên thẳng thắn quá hay không. Ngày trước, Dương phát ngôn về bolero chẳng hạn đã dẫn đến tranh luận, dư luận chia thành 2 phe, một bên ủng hộ, một bên không đồng tình. Tuy nhiên có lẽ do hồi đó công chúng chưa đọc kỹ bài báo, mà chỉ nhìn vào tựa đề thôi thì cũng dễ gây hiểu nhầm là Tùng Dương đang phán xét bolero, nhưng hoàn toàn không phải như vậy.
Tôi vẫn nhắc đến bolero như dòng nhạc rất quan trọng và có dấu ấn của lịch sử. Nhưng nếu tất cả chúng ta đắm đuối vào một dòng nhạc đã là quá khứ rồi thì chắc chắn nó sẽ cản trở sự phát triển của nền âm nhạc hiện đại.
Tùng Dương chỉ nói và muốn bảo vệ điều đấy, tuy nhiên mọi người nghĩ rằng tôi lại chê bai bolero thì có thể một nửa những người họ chưa hiểu họ sẽ lên án.
Thế cũng cho Dương một kinh nghiệm, bài học rút ra là nói cái gì cũng phải gãy gọn và chuẩn xác cũng như là phát ngôn cẩn trọng hơn. Dương nghĩ rằng để gây ra sự hiểu lầm với mọi người lại trở thành một scandal thì nó không hay, mình lại bị thiệt. Cho nên đến thời điểm nào cần nói thì sẽ nói nhưng theo một cách nào đấy, với mục đích luôn tâm niệm là mong muốn xây dựng âm nhạc Việt Nam phát triển.
Ở nhà vợ giận thì làm thế nào?
– Vợ giận thì phải nịnh thôi. Bởi vì phụ nữ mà giận thì phải làm cho người ta hết giận bằng nhiều cách khác nhau. Muốn đàn bà hết giận phải là người đàn ông rất cao tay, hiểu được tâm lý của phụ nữ và có thể nhường nhịn, có thể xử lý làm sao tinh tế để người phụ nữ họ phục mình.
Dương nghĩ vợ chồng sống với nhau luôn luôn có sóng gió, cuộc đời chúng ta, bạn bè cũng vậy, mối quan hệ xã hội cũng không thể đảm bảo được sẽ thân thiết với một ai mãi mãi được, nhưng chúng ta hiểu được họ, tính nết của họ, cái tâm của họ. Vợ chồng cũng vậy, bên nhau trong những thăng trầm thì chúng ta phải bước qua 5 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm, chúng ta vượt qua từng chặng thì sau này chúng ta vẫn giữ lửa được tình yêu, chịu nhau, chiều chuộng nhau và nhường nhịn nhau.
Dương nói điều này là kinh nghiệm của một người ít nhất có 15 năm lập gia đình, cháu Voi đã được 7 tuổi rồi.
Con trai có theo con đường của Dương không?
– Bé Voi hiện nay chưa thấy bộc lộ năng khiếu âm nhạc lắm nhưng cũng rất thích nghe nhạc của bố. Thôi thì cứ để con trẻ phát triển một cách tự nhiên và không đòi hỏi gì, giống như ngày xưa tôi bộc lộ âm nhạc từ rất sớm thì bố mẹ, ông bà cũng rất ủng hộ, cho tôi chọn lựa con đường của mình.
Với thời trang, Tùng Dương sử dụng hàng hiệu hay là của các nhà thiết kế?
– Cả hai. Dương vẫn sử dụng hàng hiệu để bắt trend, bắt kịp với thế giới. Còn tôi sử dụng nhà thiết kế của Việt Nam là tôn vinh lòng tự tôn dân tộc, với những người con quê hương đất nước rất giỏi, cũng không thua kém những nhà thiết kế thế giới. Ví dụ chúng ta có nhà thiết kế Công Trí đã ra được thế giới. Năm 2007 Tùng Dương đã mặc trang phục của Công Trí, có phải tôi đã có con mắt rất tinh đời không (cười)?
Gạt qua tư cách của một nghệ sĩ, mà với tư cách là một người đàn ông thôi thì phẩm chất gì theo Tùng Dương là thể hiện sự nam tính nhất?
– Sự nhân văn trong tất cả các mối quan hệ xã hội, đấy là điều cho thấy người đàn ông đã trưởng thành đẹp đẽ nhất. Bản lĩnh đàn ông chính là chúng ta biết nhường nhịn, biết mình không phải lúc nào cũng là trung tâm của mặt trời. Chứ còn những người đàn ông mà vị kỷ, họ chỉ nghĩ rằng họ là nhất thôi thì Dương chắc họ không phải là người hay. Bản lĩnh của người đàn ông không phải cứ khăng khăng cái tôi, mà bạn biết làm điều gì đúng và đối xử tốt với mọi người xung quanh, quyết liệt với cái mình đã lựa chọn.
Cảm ơn Tùng Dương!