Các hộ tham gia mô hình trồng mướp lấy xơ được Hội Nông dân huyện Thanh Chương (Nghệ An) tập huấn, chuyển giao kỹ thuật. Đồng thời những hộ này được tham quan doanh nghiệp chuyên chế biến xơ mướp ở Bắc Ninh. Ngoài ra, họ còn được hỗ trợ vật tư như: hạt giống, màng phủ, phân bón, vôi bột, lưới làm giàn leo, thuốc bảo vệ thực vật và hệ thống tưới tiêu…
Sau 3 tháng gieo trồng, mướp cho thu hoạch, do thời tiết thuận lợi, quy trình trồng tuân thủ nghiêm ngặt đúng kỹ thuật nên mướp cho quả to, có những quả đạt hơn 80cm. Cây sinh trưởng từ 7-9 tháng với trung bình 3 tháng/đợt thu hoạch. Mỗi vụ người nông dân sẽ thu hoạch mướp từ 3-4 đợt.
Theo người dân về quy trình lấy xơ, khi quả có màu vàng, cuống bắt đầu đen, nâng quả thấy nhẹ và bóp quả thấy giòn thì người dân bắt đầu thu hoạch. Quả mướp thu hoạch về người dân sẽ đập cho vỡ lớp vỏ bên ngoài, sau đó ngâm vào nước khoảng 2 tiếng vỏ tự tách ra. Họ tiếp tục rũ xơ mướp cho hạt rời khỏi quả, tiếp tục ngâm một lần trong nước sạch khác để xơ mướp sạch, trắng. Trong đợt đầu tiên, mô hình tập thể của Hội Nông dân xã Thanh Tiên dự kiến thu hoạch 15.000-20.000 chiếc xơ mướp, chủ yếu kích cỡ 47-70cm, cho nguồn thu khoảng từ 45-60 triệu đồng.
Để xơ mướp đảm bảo chất lượng người dân phơi trên giàn, dưới ánh nắng trực tiếp. Dưới cái nắng từ 35-38 độ C, chỉ cần một ngày nắng là xơ mướp khô giòn, có thể đóng vào túi ni lông để bảo quản. Sản phẩm xơ mướp sau sơ chế được đơn vị liên kết thu mua toàn bộ, tuy nhiên giá cả được phân loại theo độ dài của từng xơ mướp. Đối với những xơ mướp dài 70cm trở lên được thu mua với giá 5.000 đồng/chiếc; xơ mướp 47-70cm có giá 4.000 đồng/chiếc, 37-47cm giá 3.000 đồng/chiếc, còn xơ mướp dưới 37cm có giá 2.000 đồng/chiếc.
Sau khi thu hoạch đợt 1, người dân tiếp tục bón phân, dọn cỏ để thúc mướp ra quả đợt 2. Thời gian ra quả của mướp là 5 tháng nhưng càng về sau, năng suất sẽ giảm dần. Dự kiến toàn vụ, Hội Nông dân xã thu hoạch khoảng trên 50.000 quả. Xơ mướp sau khi được người dân sơ chế, đơn vị thu mua sẽ sản xuất ra các sản phẩm gia dụng như: bông tắm, lót giày, dép… xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và một số nước ở châu Âu.
Ông Dương Đắc Thắng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương (Nghệ An) cho biết, trồng mướp lấy xơ đang mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mang lại nguồn thu nhập khá cho bà con nông dân. Ngoài việc lấy xơ người trồng có thể bán quả non, vỏ quả mướp được tận dụng ủ phân vi sinh. Năng suất cao, giá thành ổn định, kháng bệnh tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, bước đầu có thể khẳng định hiệu quả của mô hình trồng mướp lấy xơ trên địa bàn. Thời gian tới, địa phương sẽ đẩy mạnh tập huấn và mở rộng diện tích trồng theo mô hình này.
Nguồn: https://baodantoc.vn/trong-muop-lay-xo-nguoi-dan-co-thu-nhap-kha-1718007352708.htm