Đó là thông điệp mà TS Nguyễn Hải Ninh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đặc biệt nhấn mạnh trong bài viết ‘Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng và thi hành pháp luật để đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới’.
Vẫn còn những điểm nghẽn về thể chế
Dẫn lại lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, TS Nguyễn Hải Ninh cho rằng, ông cha ta đã dày công xây dựng nền pháp luật mang bản sắc riêng, đáng tự hào với những bộ luật nổi tiếng thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Cùng với “khoan thư sức dân”, “trọng pháp”, “trọng kỷ luật, kỷ cương”, “trọng hiền tài” đã trở thành những kế sách trị quốc được lưu truyền mãi.
Trên hành trình tìm đường cứu nước, cứu dân, Lãnh tụ thiên tài Nguyễn Ái Quốc – Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng ý thức rất rõ tầm quan trọng của Hiến pháp, pháp luật, của “thần linh pháp quyền” đối với việc “bảo toàn lãnh thổ”, “kiến thiết quốc gia”. Ngay sau khi giành độc lập, trong điều kiện cách mạng “ngàn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn ưu tiên hàng đầu cho việc tiến hành tổng tuyển cử để nhân dân được hưởng quyền tự do, dân chủ, lập nên chính quyền của dân. Người đã ban hành bản Hiến pháp dân chủ, tiến bộ vào ngày 9.11.1946, ngày sau này được lựa chọn là “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Theo ông Nguyễn Hải Ninh, trải qua cuộc trường chinh gian khổ, năm 1975 nước nhà thống nhất và đến năm 1986, Đảng ta phát động công cuộc đổi mới vĩ đại, từng bước hoàn thiện mô hình phát triển phù hợp hơn với thực tiễn đất nước. Nhu cầu xây dựng một hệ thống pháp luật đồng bộ, chuyển phương thức quản lý, điều hành từ chủ yếu dựa trên mệnh lệnh hành chính, quan liêu sang dựa trên luật lệ và tuân thủ quy luật thị trường ngày càng trở nên cấp thiết. Từ đó đến nay, Đảng đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam nói chung, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nói riêng, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật.
Trên cơ sở đó, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, chúng ta đã xây dựng được hệ thống pháp luật điều chỉnh hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tạo nền tảng pháp lý để phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Trong thành quả chung của quá trình Đổi mới, có đóng góp quan trọng của công tác xây dựng và thi hành pháp luật.
“Mặc dù vậy, thực tiễn phát triển kinh tế – xã hội ở nước ta thời gian qua cho thấy còn những hạn chế, bất cập và những “điểm nghẽn” về thể chế như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra. Chẳng hạn: Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi, nhiều quy định còn gây khó khăn, cản trở việc thực thi, chưa tạo môi trường thật sự thuận lợi để thu hút các nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khơi thông nguồn lực trong dân; thủ tục hành chính còn rườm rà; tổ chức thực thi pháp luật, chính sách vẫn là khâu yếu…” – Bộ trưởng Bộ Tư pháp chỉ rõ.
Xây dựng chính sách phải “đột phá của đột phá”
Trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước những cơ hội để bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đưa nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa, cùng những chỉ đạo sâu sắc của Tổng Bí thư và các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước thời gian gần đây, ông Nguyễn Hải Ninh khẳng định, đã rất chín muồi để thúc đẩy việc đổi mới căn bản công tác xây dựng và thi hành pháp luật.
Trong đó, giải pháp quan trọng đầu tiên là cần đổi mới căn bản tư duy xây dựng pháp luật, coi đây là “đột phá của đột phá” trong hoàn thiện thể chế phát triển. Trong kỷ nguyên mới, pháp luật phải thật sự là nền tảng của phát triển, phục vụ phát triển và thúc đẩy phát triển; “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể”.
Để đáp ứng yêu cầu này, pháp luật phải tháo gỡ các “điểm nghẽn” pháp lý, khẩn trương đưa nguồn lực xã hội bị đình trệ hoạt động trở lại; vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích đổi mới sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, huy động mọi nguồn lực phát triển đất nước; tạo cơ sở pháp lý hình thành các động lực tăng trưởng mới, các quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất mới, các ngành dịch vụ mới, các ngành công nghiệp mới.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật phải bắt đầu từ việc kiên quyết thay đổi nhận thức, phá bỏ mọi rào cản, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ của ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân trong xây dựng pháp luật. Tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí tuân thủ, xóa bỏ cơ chế “xin – cho”; tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, thuận lợi. Dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, thực hiện tốt nguyên tắc “công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm”.
Song song, đổi mới mạnh mẽ quy trình xây dựng pháp luật gắn với nâng cao chất lượng văn bản pháp luật. Cùng với đó, tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với sắp xếp lại bộ máy trong hệ thống chính trị, bảo đảm “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Trung ương, Chính phủ, Quốc hội tăng cường hoàn thiện thể chế, giữ vai trò kiến tạo và tăng cường kiểm tra, giám sát. Khẩn trương xây dựng khuôn khổ pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới, nhất là những vấn đề liên quan đến trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… Đặc biệt, cần có cơ chế đột phá thu hút nhân tài trong và ngoài nước.
Giải pháp tiếp theo là xây dựng cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán, bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật, đưa tuân thủ pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của xã hội. Thường xuyên theo dõi, rà soát, đánh giá hiệu quả pháp luật sau ban hành, ứng dụng công nghệ trong tiếp nhận, phản hồi và xử lý các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp liên quan đến việc thực hiện pháp luật, xác định lỗi của văn bản pháp luật để kịp thời hoàn thiện.
Sớm hoàn thiện pháp luật về tổ chức thi hành pháp luật; hoàn thiện quy định, cơ chế hướng dẫn, giải thích, áp dụng pháp luật theo hướng ban hành các nguyên tắc, tiêu chí, cơ sở giải thích, áp dụng pháp luật, để bảo đảm sức sống của quy định pháp luật thay vì thường xuyên thay đổi pháp luật. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số và bảo đảm nguồn lực tài chính cho tuyên truyền, phổ biến và thực thi pháp luật.
Cuối cùng, cần quan tâm phát triển nguồn lực cho công tác pháp luật, tương xứng với tính chất là một trong ba khâu đột phá chiến lược.
Quan tâm đầu tư nguồn lực thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ, ứng dụng các nền tảng số, trí tuệ nhân tạo trong công tác xây dựng, thi hành pháp luật và xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành để kết nối, liên thông, làm giàu cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
“Cần bám sát các chủ trương của Đảng, thực hiện nghiêm những chỉ đạo của Tổng Bí thư và các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước với tinh thần khẩn trương bằng quyết tâm, nỗ lực lớn, sự cố gắng vượt bậc, công tác xây dựng, thi hành pháp luật sẽ và phải đổi mới mạnh mẽ để đóng góp vào sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” – TS Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh.
Thanhnien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/trong-ky-nguyen-moi-phap-luat-phai-that-su-la-nen-tang-cua-phat-trien-185241109113506146.htm