Cây đào phai đang được phát triển mạnh ở xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). Nhờ sự đổi mới trong tư duy phát triển trồng đào kết hợp du lịch trải nghiệm, nhiều hộ dân tại nơi đây thoát nghèo, có cuộc sống ấm no
Cây đào phai thay đổi vùng đất khó
Trước đây, thôn Hưng Thắng, xã Cẩm Hưng được biết đến là vùng quê thuần nông, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, người dân chủ yếu trồng lúa nước. Nhờ chuyển đổi sang trồng đào phai chơi Tết, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.
Ông Đặng Hữu Thái, trú tại thôn Hưng Thắng, Cẩm Xuyên, cho biết: “Trước đây, toàn bộ diện tích đất vườn này tôi trồng sắn, chè, thu nhập thấp. Là người yêu thích cây cảnh, tôi đã tìm hiểu một số nơi, trước nhu cầu chưng đào phai Tết của người dân ngày càng tăng, tôi đã mua giống trồng thử mấy gốc, nhận thấy đào phát triển tốt, nở hoa đúng dịp Tết nên tôi bắt đầu nhân rộng”.
“Tôi trồng thử một số giống đào, nhưng chỉ có giống đào phai truyền thống phù hợp với chất đất ở vùng này. Giống đào phai bông hoa to, nhiều cánh, bền hoa, được nhiều người ưa chuộng. Năm ngoái, gia đình tôi xuất bán được từ 130 cây đào. Năm nay, trong số 300 gốc, dự kiến có 200 cây sẽ được xuất bán, tùy theo kích cỡ, thế mỗi cây và năm tuổi mà giá bán giao động từ 500.000 – 2.000.000 đồng/cây, đem lại thu nhập 100 -120 triệu đồng”, ông Đặng Hữu Thái, bật mí.
Theo ông Đặng Hữu Thái, để có những gốc đào đẹp phải chăm sóc quanh năm, bận rộn nhất là khoảng thời gian 3 tháng cuối năm. Thời điểm này, người trồng đào phải theo dõi thời tiết, tác động nhiều biện pháp chăm sóc, tuốt các lá già, chắn rễ, cắt tỉa các cành khô, cành sâu bệnh, cành thừa, tưới nước giữ ẩm, mới giúp cây đào có dáng đẹp, nở đúng dịp Tết Nguyên đán.
Là hộ tiên phong đưa cây đào phai về trồng tại địa phương, ông Hà Văn Vĩnh, trú tại thôn Hưng Thắng, xã Cẩm Hưng trở thành hộ có quy mô trồng đào lớn nhất với số lượng trên 350 gốc. Vụ Tết năm nay, gia đình ông Vĩnh xuất bán ra thị trường khoảng 200 cây, giá bình quân khoảng1- 2 triệu đồng/cây, nhiều cây lên tới 3 – 4 triệu đồng. Hiện nhiều cây đã được thương lái và nhiều khách lẻ đến đặt cọc.
Theo ông Hà Văn Vĩnh, kỹ thuật trồng đào không quá khó nhưng đòi hỏi sự tỷ mẩn. Ngoài việc hàng năm phải cải tạo đất trồng bằng phân chuồng hoai mục, hạn chế bón phân vô cơ để đất khỏe, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho cây trồng. Đặc biệt, người trồng cần nắm rõ các khâu kỹ thuật, cắt tỉa, tạo cho cây đào có những thế đẹp, chăm sóc để đảm bảo đào nở đúng dịp Tết.
Thương hiệu đào phai, thành thương hiệu du lịch trải nghiệm Cẩm Xuyên
Ngoài trồng đào phai cảnh để phục vụ nhu cầu chơi hoa và cây cảnh của người dân trong dịp Tết. Những năm gần đây, nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch từ cây đào phai, một số hộ dân đã lồng ghép các hoạt động du lịch trải nghiệm, thu hút du khách tới check in, trải nghiệm, tận hưởng không khí Tết và tìm hiểu về kỹ thuật chăm sóc cây.
Tại vườn đào của gia đình ông Hà Văn Vĩnh, ngoài việc tập trung chăm sóc cây để phục vụ Tết Nguyên đán, còn trang trí thêm các tiểu cảnh, làm bảng biển giới thiệu rất đẹp mắt. Từ đầu tháng chạp đến nay, vườn đào của gia đình ông Vĩnh luôn tấp nập du khách đến tham quan và mua đào.
Mỗi lần đón khách, ông Vĩnh lại say sưa giới thiệu về quy trình, kỹ thuật trồng và chăm sóc vườn cây, vừa tạo điều kiện để du khách có thêm cơ hội trải nghiệm bổ ích và lan tỏa thêm những nét đẹp của quê hương mình.
“Mảnh đất thôn Hưng Thắng nơi gắn với địa điểm khu di tích Tổng Bí thư Hà Huy Tập, cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về rất đông du khách đến viếng thăm. Những năm gần đây, họ còn thường ghé tham quan các vườn đào, chụp ảnh, trải nghiệm. Tôi đã đầu tư thêm các tiểu cảnh, mở dịch vụ cho thuê vườn đào để chụp ảnh.
Những người đến đây, tôi còn giới thiệu về kỹ thuật trồng chăm sóc, những giá trị văn hóa của địa phương để từ đó sẽ thu hút được du khách đến tham quan và mua đào, biết đến làng đào Hưng Thắng nhiều hơn”, ông Vĩnh chia sẻ thêm.
Chị Chu Thúy Huệ (du khách đến tham quan vườn đào tại thôn Hưng Thắng) chia sẻ: “Chúng tôi lựa chọn làng đào thôn Hưng Thắng không chỉ để mua về chưng Tết, còn để trải nghiệm, chụp ảnh vì không gian ở đây yên bình và đẹp”.
Trước nhu chưng đào phai của người dân mỗi dịp Tết đến xuân về ngày càng tăng. Phong trào phát triển xây dựng nông thôn mới, trong đó chú trọng phát triển kinh tế vườn hộ nâng cao thu nhập, chính quyền địa phương, người dân nơi đây đã dần khôi phục và phát triển lại nghề trồng đào.
Những ngày cận kề Tết Nguyên đán, xã Cẩm Hưng trở nên nhộn nhịp, rộn ràng. Khắp các nẻo đường đều được bao trùm bởi sắc thắm của những cánh hoa đào chào đón xuân mới, mang theo niềm tin yêu và ước vọng ấm no, sung túc.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Đình Dũng – Bí thư Đảng ủy UBND xã Cẩm Hưng, cho biết: “Nhờ thay đổi cách canh tác, áp dụng khoa học kỹ thuật nên nghề trồng đào phai ở thôn Hưng Thắng đang ngày càng phát triển mạnh, trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế vườn hộ của xã Cẩm Hưng cũng như huyện Cẩm Xuyên.
“Hiện nay, toàn xã có trên 300 hộ trồng đào phai cảnh, tập trung chủ yếu ở thôn Hưng Thắng với trên 250 hộ. Thời gian qua, UBND xã cẩm hưng đã có những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân tiếp cận nguồn vốn vay, phối hợp với các đơn vị chuyên môn tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, khuyến khích mở rộng diện tích kết hợp với phát triển du lịch trải nghiệm, góp phần nâng cao thu nhập và phát triển bền vững nghề trồng đào tại địa phương“, ông Nguyễn Đình Dũng – Bí thư Đảng ủy UBND xã Cẩm Hưng, nói.
Nguồn: https://danviet.vn/trong-dao-phai-cay-canh-dang-hot-dan-xa-nay-o-ha-tinh-con-tha-ho-cho-nguoi-thien-ha-vo-chup-anh-20250118155106314.htm