Đến dự buổi họp mặt có nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Tư lệnh Quân khu 7 Nguyễn Trường Thắng, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ…
Và đông đảo cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia hai cuộc chiến…
Hai dấu son chói lọi trong lịch sử
Phát biểu tại buổi họp mặt, Bí thư Nguyễn Văn Nên khẳng định trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, chiến thắng Điện Biên Phủ 7-5-1954 và sự kiện lịch sử ngày 30-4-1975 là hai trong số những mốc son chói lọi.
Sự kiện này không chỉ đánh dấu kết thúc hai cuộc kháng chiến của dân tộc mà còn mang tầm vóc quốc tế.
Nó tác động sâu sắc đến phong trào đấu tranh giành độc lập tự do của nhiều quốc gia trên thế giới. Theo thời gian, giá trị và ý nghĩa càng tỏa sáng hơn, to lớn hơn, sâu đậm hơn.
Chứng minh ý chí kiên cường, bất khuất, sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam.
Ông chia sẻ mỗi lần họp mặt, gặp nhau thì trong lòng mỗi người đều bồi hồi, xúc động. Mọi người cùng nhắc lại những ký ức năm xưa, ký ức của một thời hào hùng, không thể nào quên.
Với thế hệ hiện nay, đó là niềm động viên khích lệ to lớn để chúng ta tiếp tục phấn đấu, cống hiến xứng đáng với những gì người đi trước đã để lại.
Ông Nên bày tỏ thế hệ hôm nay xin tỏ lòng thành kính và tri ân những anh hùng bình dị đã cống hiến, hy sinh tuổi xuân của mình cho Tổ quốc.
Ông nhấn mạnh cuộc chiến đã đi qua nhưng người ta vẫn nói về những điều “thần kỳ”, chẳng hạn tại sao Việt Nam lại có thể vượt qua cuộc chiến khốc liệt như thế.
Vị Đại tướng Võ Nguyên Giáp chưa từng qua một trường quân sự nổi tiếng nào trở thành một vị tướng huyền thoại.
Phi công anh hùng Nguyễn Văn Bảy chất phác, ít học nhưng lập được nhiều chiến công đáng kinh ngạc trên không.
Sau cuộc chiến, ông trở về làm người nông dân bình dị ở Đồng Tháp.
Ông Nên và các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo đều nhìn nhận cuộc chiến của chúng ta rất vĩ đại và hôm nay chúng ta cố gắng bảo vệ Tổ quốc, giúp quốc gia cường thịnh để không có những cuộc chiến như vậy, bởi hy sinh, mất mát lớn lắm. Và bởi dân tộc ta luôn yêu chuộng hòa bình.
Nỗ lực với công tác đền ơn đáp nghĩa
Trong buổi họp, các đại biểu cũng đã lắng nghe những trải lòng của các cựu chiến binh như ông Nguyễn Minh Hoàng, anh hùng Nguyễn Thị Thảo, thiếu tướng Trần Ngọc Thổ…
Đó là những chứng nhân lịch sử, những người đã trực tiếp xả thân cho hai cuộc chiến.
Và đến ngày hòa bình họ vẫn tiếp tục phát huy phẩm chất tốt đẹp của người lính năm nào. Tham gia các hoạt động chăm lo cho nhân dân, chăm lo cho đồng đội…
Họ cũng đã gởi đến các lãnh đạo trăn trở về những vấn đề hậu chiến. Như nỗi đau dai dẳng của người lính và bao nhiêu gia đình nhiễm chất độc da cam.
Lãnh đạo TP cho biết thời gian qua thành phố đã kịp thời triển khai những hoạt động hướng về kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
Tổ chức Tuần lễ Văn hóa – Thể thao – Du lịch Tây Bắc tại TP.HCM. Hỗ trợ xây dựng lưới điện nông thôn, xây dựng đền thờ Bác Hồ, xây nhà tình nghĩa tại Điện Biên…
TP cũng sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa trong công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo thương bệnh binh, gia đình có công… như một hoạt động ý nghĩa của việc uống nước nhớ nguồn.
Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng, chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP.HCM, bày tỏ sự tin tưởng của lực lượng cựu chiến binh với đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và niềm vinh dự, tự hào được sống, tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của thành phố.
Thay mặt thế hệ trẻ, Phó bí thư Thành Đoàn, chủ tịch Hội đồng Đội TP.HCM Trịnh Thị Hiền Trân khẳng định tuổi trẻ TP mãi mãi khắc ghi công ơn to lớn của các thế hệ cha ông đi trước làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ và Chiến thắng 30-4-1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tuổi trẻ TP quyết tâm tiếp nối và phát huy những giá trị, truyền thống anh hùng của dân tộc, biến quyết tâm thành những hành động cụ thể để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh và hạnh phúc dưới ngọn cờ cách mạng của Đảng quang vinh.