Quế đã trở thành cây lâm nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao, giúp người dân tại nhiều địa phương thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Huyện miền núi Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, với diện tích đất tự nhiên hơn 45.000ha cộng với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết khí hậu phù hợp với phát triển cây quế. Huyện đang nghiên cứu định hướng người dân trồng cây quế Bắc (quế Yên Bái).
Thử nghiệm với cây quế Bắc, nhưng lãi lớn
Mô hình trồng cây quế Bắc của anh Võ Tấn Dũng (thôn 3, xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, Quảng Nam) là một ví dụ. Với lợi thế sở hữu diện tích đất gò đồi rộng hơn 3ha. Trước đây, vợ chồng anh Dũng trồng keo, dó bầu, nhưng rồi dần dần cây keo bị thoái hóa và bộc lộ nhiều hạn chế như bị sâu bệnh, dễ ngã đổ trong gió bão hiệu quả không cao.
Vườn quế Bắc của nông dân đang phát triển tốt, cho thu nhập cao. Trong ảnh, vườn quế của anh Phạm Xuân Hoàng, anh Hoàng chia sẻ đã lấy hạt giống quế Bắc về ươm trồng thử nghiệm hơn 1.000m2. Sau gần 4 năm mà quế đã đạt chiều cao từ 4 – 5m. Ảnh: N.H
Một lần thăm bà con ở tỉnh Sơn La, nhìn những vườn quế bạt ngàn, anh Dũng nảy sinh ý định đưa cây quế Bắc về thay thế diện tích cây keo. Rồi cơ duyên trong lần bán bớt diện tích đất rừng anh lại gặp được một chủ doanh nghiệp tại huyện Núi Thành chuyên sản xuất tinh dầu quế xuất khẩu là người mua đất nên đã động viên anh phát triển cây quế và hứa sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Anh Dũng nhận thấy đây thời cơ tốt, hướng đi mới để phát triển kinh tế gia đình lại khá phù hợp với điều kiện của anh, khi con cái đi làm ăn xa, bản thân tuổi cao không đủ sức khỏe để quản lý, chăm sóc rừng keo như trước đây.
Do vậy, từ năm 2021 anh bắt đầu đưa quế vào trồng. Nhờ nghiên cứu kỹ đặc tính của cây quế bắc lại là người yêu thích làm vườn nên việc đầu tư của gia đình anh khá thuận lợi. Đến nay, sau hơn 2 năm vườn quế phát triển khá tốt, đúng theo dự tính của người trồng.
“Theo tôi tính toán bình quân 1ha keo nguyên liệu qua 4 đến 5 năm khai thác, tổng thu nhập khoảng 160 triệu đồng, lãi ròng hơn 84 triệu đồng/5 năm.
Bình quân mỗi năm đạt 20 triệu đồng/ha. Trong khi đó, đối với cây quế bắc, bình quân 1 ha chu kỳ 10 năm khai thác, tổng thu nhập lãi ròng hơn 960 triệu đồng/ha. Bình quân mỗi năm đạt 96 triệu đồng/ha, cao gấp gần 5 lần so với cây keo”, ông Dũng chia sẻ.
Không riêng Tiên Lãnh, tại nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Tiên Phước người dân cũng bắt đầu có xu hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây keo sang trồng cây quế Bắc. Điển hình như mô hình của anh Phạm Xuân Hoàng (trú tại thôn Trung An, xã Tiên Hà). Là gia đình có truyền thống làm vườn, trồng quế nên trong một lần đi mua và khai thác quế tại Tây Nguyên anh Hoàng đã lấy hạt giống quế Bắc đem ươm trồng thử nghiệm hơn 1.000m2 vườn nhà. Sau gần 4 năm mà quế đã đạt chiều cao từ 4 – 5m, đường kính gốc gần 40 cm.
Hay như mô hình trồng cây quế Bắc của hộ ông Nguyễn Nhật (thôn 2, xã Tiên Hiệp, huyện Tiên Phước). Cũng xuất phát từ mong muốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng phát huy hiệu quả cao hơn, anh Nhật đã nghiên cứu, tìm tòi rồi quyết định đưa cây quế Bắc vào trồng thử nghiệm 2.000 cây quế trên diện tích 6.000m2 đất đất gò đồi của gia đình.
Bước đầu cây quế sinh trưởng, phát triển tốt. Ông Nhật dự định nếu đầu ra ổn định sẽ tiếp tục mở rộng diện tích lên 5ha. “Trước đây, trên diện tích đất đồi này gia đình trồng keo lai nhưng hiệu quả kinh tế không cao nên chuyển sang trồng thử nghiệm cây quế Bắc.
Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên cây quế của gia đình sinh trưởng phát triển tốt, bắt đầu tỉa cành, lá bán cung cấp cho các cơ sở chế biến dược liệu.
Hiện tại, bà con nông dân trồng quế Bắc theo kiểu tự phát theo lối truyền thống, chưa được các cấp chính quyền, chuyên gia, doanh nghiệp hướng dẫn cách thức, phương thức canh tác, chưa liên kết từ khâu sản xuất giống, chăm sóc, kế hoạch khai thác, chế biến và bán sản phẩm. Bà con chúng tôi cũng mong muốn huyện có định hướng để phát triển cây quế và tìm đầu ra cho sản phẩm từ quế”, ông Nhật chia sẻ.
Nghiên cứu định hướng phát triển cây quế Bắc
Ông Tăng Ngọc Đức – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam cho biết, xác định quế là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, về phía chính quyền, nhằm phát huy hiệu quả nhiều mặt trên diện tích rừng sản xuất, ổn định bền vững, giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.
UBND huyện đã xây dựng kế hoạch trồng thí điểm cây quế Bắc (quế Yên Bái) trên địa bàn huyện giai đoạn 2024 – 2025. Theo đó, huyện sẽ vận động nhân dân chuyển đổi một phần diện tích đất rừng sản xuất phù hợp sang trồng quế Bắc để tăng hiệu quả kinh tế.
Thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển cây quế Bắc, xây dựng cơ sở sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm quế cho người dân. Năm 2025, vận động trồng thêm tối thiểu 30ha trên đất rừng sản xuất. Năm 2026, huyện sẽ kiểm tra, đánh giá quá trình sinh trưởng, phát triển, sự phù hợp của cây quế Bắc trên địa bàn huyện qua 2 năm trồng thử nghiệm để xây dựng kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo.
“Để phát triển cây quế Bắc, huyện đã tổ chức đoàn cán bộ đến tỉnh Yên Bái tham quan tìm hiểu, học tập kinh nghiệm về quy trình kỹ thuật thâm canh cây quế, tạo ra các sản phẩm từ quế. Từ đó có cơ sở để huyện nghiên cứu đưa cây quế về trồng tại địa phương tạo sinh kế thoát nghèo cho người dân”, Ông Đức nói.
Theo ông Nguyễn Hùng Anh – Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam thông tin, vào những thập niên 80 của thế kỷ trước, cùng với Trà My thì nói đến Tiên Phước người ta nghĩ ngay đến cây tiêu, cây quế. Bởi quế Tiên Phước có hương vị riêng không phải nơi đâu cũng trồng được.
Thời điểm đó, hầu như nhà nào cũng trồng quế, ít cũng vài ba chục cây, nhiều thì vài nghìn cây. Tuy nhiên khoảng 20 năm lại đây diện tích cây quế ở huyện Tiên Phước ngày càng thu hẹp bởi quế trồng ra không ai mua, hoặc mua với giá rất rẻ.
Người dân dần dần chuyển qua trồng các loại cây ăn quả trên đất vườn và trồng keo nguyên liệu trên đất đồi núi. Tuy nhiên những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã chuyển đổi dần cơ cấu cây trồng từ keo sang trồng quế Bắc và bước đầu phát cho kết quả khá tốt.
Ngoài bảo vệ môi trường sinh thái, làm tăng độ che phủ rừng, giữ đất, giữ nước ở các vùng đất đồi núi dốc, cây quế Bắc còn tạo việc làm và tăng thêm nguồn thu nhập cho người nông dân. Hiện nay, một số cơ sở sản xuất, người dân địa phương sản xuất ra nhang quế, đũa quế, trà quế túi lọc, nước rửa tay, nước lau sàn từ quế bán ra thị trường và khẳng định thương hiệu.
“Để đưa kế hoạch vào thực tiễn, UBND huyện đã đề ra các nhóm giải pháp cụ thể. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, vận động để thay đổi nhận thức của nhân dân về đầu tư, thâm canh, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Chỉ đạo ngành chuyên môn triển khai nhiều giải pháp mời các doanh nghiệp, hợp tác xã cùng liên kết sản xuất quế gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Tổ chức tập huấn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch cây quế. Đồng thời cũng đề xuất lên tỉnh có cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân chuyển đổi từ trồng cây nguyên liệu, cụ thể là cây keo sang trồng và phát triển cây quế Bắc. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân”, ông Anh nói.
Nguồn: https://danviet.vn/trong-cay-que-to-bu-lay-vo-ban-co-mui-thom-cay-nhu-ot-nong-dan-quang-nam-lai-gan-1-ty-ha-20240911080834606.htm