Hỗ trợ xã viên trồng sầu riêng Ri 6 và trồng vú sữa Lò Rèn xuất khẩu
Theo tìm hiểu của phóng viên, Hợp tác xã vườn cây ăn trái Trường Khương A hiện có 45 thành viên, với diện tích trồng cây ăn trái 45,5ha, trong đó có 20ha trồng sầu riêng Ri6 và 25,5ha trồng vú sữa Lò Rèn.
Mô hình trồng sầu riêng Ri 6 của Hợp tác xã vườn cây ăn trái Trường Khương A (xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ). Ảnh: H.X
Toàn bộ diện tích sầu riêng Ri 6 và vú sữa Lò Rèn đều được trồng theo hướng VietGAP và Global GAP nên an toàn, thân thiện với môi trường, nên phần lớn đáp ứng được các yêu cầu của thị trường tiêu thụ.
Thời gian qua, hợp tác xã không những liên kết được với các doanh nghiệp cung cấp vật tư đầu vào (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,…) mà còn bao tiêu sản phẩm đầu ra.
Riêng vú sữa Lò Rèn, được doanh nghiệp thu mua đưa đi xuất khẩu sang Hoa Kỳ và nhiều thị trường khó tính khác.
Từ đó, các xã viên có thể bán được với giá lên đến 50.000 đồng/kg (có thời điểm cao hơn mức giá này), cao hơn 20.000 đồng/kg so với bán cho thương lái tiêu thụ trong nước, đem lại lợi nhuận 200 triệu đồng/ha.
Về sầu riêng Ri 6, Hợp tác xã vườn cây ăn trái Trường Khương A cũng hướng cho nông dân sản xuất theo hướng an toàn, đạt chất lượng cao để phục vụ xuất khẩu.
Đối với vườn vú sữa lâu năm có biểu biện già cỗi, năng suất kém, các xã viên đang chuyển hướng sang trồng sầu riêng.
Ông Trần Văn Chiến – Chủ tịch hội đồng quản trị, Giám đốc của Hợp tác xã Vườn cây ăn trái Trường Khương A (bên trái) thăm vườn trồng sầu riêng của xã viên. Ảnh: H.X
Đặc biệt, để đạt được lợi nhuận cao nhất, hợp tác xã đã thành lập tổ kỹ thuật hướng dẫn xã viên ưu tiên xử lý cho sầu riêng ra trái nghịch vụ, để bán được giá cao. Vụ sầu siêng vừa qua, đã có 10 xã viên tham gia xử lý cho sầu riêng ra trái nghịch vụ và trái sớm, nhờ vậy bán được giá cao, với từ 110.000-131.000 đồng/kg. Số hộ dân tham gia sản xuất sầu riêng cho trái nghịch mùa có thể tăng gấp đôi trong vụ tới.
Ông Trần Văn Chiến – Chủ tịch hội đồng quản trị, Giám đốc của Hợp tác xã Vườn cây ăn trái Trường Khương A vui mừng cho biết, gia đình có 2ha trồng sầu riêng. Vụ sầu riêng vừa qua, đã xử lý nghịch vụ toàn bộ diện tích cho sản lượng khoảng 38 tấn, với bán với giá 131.000 đồng/kg, sau khi trừ đi chi phí, ông thu về 4 tỉ đồng.
Đưa hợp tác xã không ngừng vươn lên
Ông Chiến cho hay, nhiều năm trước đây, gia đình trồng lúa và cam mật với tổng diện tích 3ha. Do việc trồng lúa và cam mật có giá bán thấp, thương xuyên gặp dịch bệnh nên ông quyết định chuyển dần sang cây vú sữa (1ha) và sầu riêng (2ha).
Vú sữa Lò Rèn được trồng trong Hợp tác xã Vườn cây ăn trái Trường Khương A, xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. Ảnh: H.X
Do kỹ thuật trồng tốt và thổ nhưỡng địa phương thích hợp cho cây vú sữa phát triển nên cho năng suất, sản lượng trái khá cao, giúp gia đình có nguồn thu nhập khá tốt từ loại cây trồng này.
Với 1ha trồng vú sữa, gia đình ông Chiến có thể thu nhập trên 300 triệu đồng/năm, cao gấp hơn 5 lần so với trồng lúa. Đối với sầu riêng, việc xử lý ra trái mùa nghịch, giúp bán được giá cao hơn gấp 2 lần so với sầu riêng mùa thuận.
Ông Chiến nói: “Để sầu riêng ra trái mùa nghịch, tôi đã tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm nhiều nơi, như dự các hội nghị, hội thảo và lớp tập huấn được các cơ quan chức năng tổ chức. Đồng thời đi tham quan học kinh nghiệm từ các mô hình trồng sầu riêng ở nhiều địa phương. Ngoài nắm vững kỹ thuật, tôi còn phải tìm hiểu thông tin thị trường để biết được thời điểm bán được giá cao nhất”
Sau khi nắm vững các kỹ thuật trồng vú sữa và sầu riêng, ông Chiến chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và cách làm hiệu quả để bà con nông dân tại địa phương làm theo, cùng phát triển kinh tế vườn.
Để kết nối các hộ dân trồng cây ăn trái tại địa phương lại với nhau nhằm có điều kiện hỗ trợ nhau trong sản xuất và thuận lợi kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp tiêu thụ trái cây. Từ năm 2017, ông Chiến đã vận động, thành lập Hợp tác xã Vườn cây ăn trái Trường Khương A.
Được biết, thời gian qua, Hợp tác xã Vườn cây ăn trái Trường Khương A luôn nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng trong việc xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, kết nối với doanh nghiệp thu mua. Song song với đó, họp tác xã cũng đẩy mạnh việc quảng bá thương hiệu qua các kênh truyền thông số và tham gia các hội chợ triển lãm nông sản nên đâu ra sản phẩm luôn ổn định.
Theo Sở NNPTNT TP.Cần Thơ, Hợp tác xã vườn cây ăn trái Trường Khương A là một điểm sáng trong việc phát triển kinh tế nông thôn tại địa phương. Thành công của hợp tác xã không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho người dân mà còn góp phần thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới.
Nguồn: https://danviet.vn/trong-2-loai-cay-dac-san-cay-nao-cung-ra-trai-ngon-mot-htx-o-can-tho-giup-nong-dan-giau-luon-20241002105308594.htm