Các bệnh thường gặp thời điểm nắng nóng
Tại khoa khám Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, hiện nay mỗi ngày khu khám tiếp nhận khoảng 1.600 – 1.900 lượt bệnh nhân đến khám. Trong đó khoảng 700 trường hợp liên quan đến nhiễm khuẩn hô hấp (chiếm tỉ lệ 40 – 45% lượng bệnh khám), nhiễm khuẩn đường ruột khoảng 200 trường hợp; còn lại là các bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, thủy đậu, quai bị…
Bác sĩ Trương Cẩm Trinh, trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, cho biết thời tiết nóng là điều kiện cho các loại vi khuẩn, vi rút, các côn trùng truyền bệnh như ruồi, muỗi sinh sôi và phát triển. Do đó tăng nguy cơ mắc các bệnh từ đường hô hấp, tiêu hóa… Vì vậy các gia đình nên chú ý và chủ động phòng bệnh, đặc biệt ở các đối tượng nhạy cảm với thời tiết như người già và trẻ em.
Còn tại Kiên Giang, bác sĩ Danh Tý, phó giám đốc Bệnh viện Sản – Nhi Kiên Giang, cho hay từ đầu năm 2024 đến nay, bệnh viện tiếp nhận hơn 1.000 bệnh nhi đến điều trị bệnh viêm đường hô hấp; hơn 300 em bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy cấp và đặc biệt có 6 trẻ bị viêm màng não, viêm não.
Theo bác sĩ Tý, nguyên nhân khiến nhiều trẻ đến khám và nhập viện có thể liên quan đến thời tiết năm nay nắng nóng bất thường, môi trường sống bị ô nhiễm, khói bụi…
Ghi nhận mấy ngày qua, tại Bệnh viện Sản – Nhi Kiên Giang có hàng trăm lượt cha mẹ bồng bế con đến khám bệnh. Khoa nội nhi bệnh viện lúc này cũng đông trẻ em đến nằm điều trị bệnh viêm đường hô hấp, tiêu chảy cấp và các bệnh ngoài da, sốt phát ban.
Chị Trần Thị Tuyết Trinh ở Hòn Tre (huyện Kiên Hải), có con đang điều trị tại Bệnh viện Sản – Nhi Kiên Giang, kể con chị đi học về có triệu chứng đau bụng, nôn ói. Sau đó chị đưa ngay đến bệnh viện khám bệnh. Các bác sĩ chẩn đoán bị nhiễm trùng đường ruột và chỉ định nhập viện điều trị.
Phòng bệnh thế nào mùa nắng nóng
Bác sĩ Trương Cẩm Trinh cho rằng mùa nắng nóng trước hết nên ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước để giúp cơ thể có sức đề kháng tốt với bệnh tật. Tránh đến những nơi đông người khi có dịch bệnh đang lưu hành, hạn chế tiếp xúc với khói thuốc lá, nơi ô nhiễm, khói bụi…
Tạo môi trường nhà cửa xung quanh sạch sẽ, thoáng mát; hạn chế ra đường và các hoạt động ngoài trời khi thời tiết nắng nóng.
Đối với các bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa, đặc biệt ở trẻ nhỏ nên chú ý cách thức chế biến, bảo quản thức ăn trong thời tiết nắng nóng. Thời điểm này vi khuẩn, vi rút dễ phát sinh, sinh sôi nên việc bảo quản thực phẩm sau chế biến là rất quan trọng.
“Sử dụng nước sạch trong ăn uống và sinh hoạt, đảm bảo các quy tắc an toàn như “ăn chín, uống sôi”, không ăn các thức ăn sống, thức ăn có mùi ôi thiu, không rõ nguồn gốc; vệ sinh tay trong quá trình chế biến và ăn uống. Hiện nay là thời điểm nắng nóng, thức ăn đường phố để ngoài trời rất dễ bám bụi bẩn, ôi thiu, vì vậy cần hết sức chú ý lựa chọn khi cho trẻ ăn”, bác sĩ Trinh nói.
Và theo bác sĩ Trinh, trong trường hợp trẻ nhỏ đang bệnh đường tiêu hóa, nếu trẻ còn bú mẹ nên tiếp tục bú sữa mẹ. Trẻ nhỏ và cả người lớn khi bị bệnh nên chọn các thức ăn dễ tiêu hóa, hạn chế dầu mỡ.
Khi có các dấu hiệu bị rối loạn tiêu hóa, nên đến khám tại bệnh viện. Đặc biệt, cha mẹ không nên tự ý mua thuốc cho trẻ uống, nhất là các thuốc kháng sinh, thuốc cầm tiêu chảy… có thể không đạt hiệu quả điều trị, mà còn gây hại cho trẻ.
“Đối với trẻ nhỏ, nên chủ động cho bé chích ngừa đầy đủ theo chương trình tiêm chủng tại y tế địa phương, cũng như chủng ngừa thêm một số bệnh thường gặp khác”, bác sĩ Trinh khuyến cáo thêm.