Gần một tháng qua, TP Hà Nội liên tục xảy ra tình trạng vẩn đục không khí, bầu trời mù mịt từ sáng sớm tới gần trưa.
Đặc biệt, trong ngày 10/12, bầu trời Thủ đô mờ mịt ngay vào thời điểm giữa trưa (12h30).
Theo thông tin từ ứng dụng Air Visual (theo dõi chất lượng không khí trên toàn thế giới), chất lượng không khí (IQA) của TP Hà Nội ở ngưỡng 213, xếp thứ 5 trên toàn thế giới. Đây là mức rất không tốt, có hại cho sức khỏe.
Ghi nhận lúc 12h50, tại khu vực tòa nhà Keangnam (quận Cầu Giấy, Hà Nội) sương mù, bụi mịn dày đặc. Lúc này, chất lượng không khí của quận Cầu Giấy ở ngưỡng 167.
Đỉnh tòa nhà Keangnam cao 350m mờ mịt trong sương mù và bụi.
Tòa nhà Lotte Hanoi (quận Ba Đình) cao 63 tầng, bị bao phủ bởi lớp không khí trắng đục, dù vị trí quan sát của phóng viên chỉ cách gần 1km.
TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, lý giải ô nhiễm không khí ở Hà Nội một phần là do khí thải từ phương tiện giao thông.
Theo thống kê, Hà Nội có 7,8 triệu phương tiện, trong đó ôtô hơn 1 triệu, xe máy hơn 6,6 triệu. Chưa kể khoảng 1,2 triệu xe từ các tỉnh, thành tham gia giao thông tại Thủ đô.
Mặc dù những ngày qua Hà Nội đã hửng nắng, bầu trời vẫn mù mịt do bị bao phủ bởi lớp sương và bụi mịn dày đặc.
13h chiều, các tòa nhà dọc sông Tô Lịch vẫn ẩn khuất trong lớp sương mù, bụi mịn.
Theo TS Hoàng Dương Tùng, hiện tượng sương mù thường xuất hiện từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Nguyên nhân do trời ít mưa, lặng gió, sương mù kết hợp với nguồn phát thải từ mặt đất không được khuếch tán nên quẩn quanh ở tầng thấp.
Hồ Tây đoạn gần đường Lạc Long Quân thời điểm chiều 10/12 vẫn mù mịt.
Quận Tây Hồ trong hôm nay có nhiều thời điểm, chỉ số ô nhiễm lên tới 272. Chuyên trang đo lường không khí AQI khuyến nghị người dân tránh tập thể dục ngoài trời, đóng cửa sổ để tránh không khí bẩn bên ngoài, đeo khẩu trang khi ra ngoài, sử dụng máy lọc không khí để bảo vệ sức khỏe.
Từ 14h Hà Nội có nắng, bầu trời dần quang đãng. Đến 16h, mức chỉ số ô nhiễm ở Hà Nội là 130, xếp 17 thế giới.