TS. Lợi Nguyễn, Phó chủ tịch Tập đoàn Marvell: Trở về để tri ân nơi chôn nhau cắt rốn
Mong ước trở về quê hương để hỗ trợ đào tạo kỹ sư thiết kế vi mạch của TS. Lợi Nguyễn, Phó chủ tịch cao cấp Tập đoàn Marvell đã trở thành hiện thực khi Marvell thành lập Trung tâm Thiết kế vi mạch tại TP.HCM.
TS. Lợi Nguyễn giới thiệu về Trung tâm Thiết kế vi mạch tại TP.HCM vào tháng 5/2023 |
1.
TS. Lợi Nguyễn là người Mỹ gốc Việt, sinh ra và lớn lên tại TP.HCM, từng học 2 năm tại Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM trước khi sang Mỹ học tập và sinh sống. Tại xứ sở cờ hoa, ông từng làm việc tại Trung tâm Khoa học vật lý Honeywell từ năm 1984 đến 1988.
Sau đó, ông học tiến sĩ ngành kỹ thuật điện của Đại học Cornell năm 1989 và lấy bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học UCLA năm 1997. Ông từng viết luận văn tốt nghiệp về sự phát triển của thiết bị GaAs dùng cho vệ tinh phát sóng trực tiếp, radio ô tô và thiết bị quốc phòng.
Với hiểu biết rất sâu về ngành điện tử, năm 2000, TS. Lợi Nguyễn cùng hai người bạn quyết định khởi nghiệp bằng việc thành lập Công ty Inphi để cung cấp các giải pháp bán dẫn quang, DSP, dịch vụ viễn thông tốc độ cao. Thời điểm đó, mỗi người chỉ có 2.000 USD để góp vốn thành lập Inphi và Công ty chỉ đủ tiền lo các vấn đề về thủ tục, thuê địa điểm làm việc.
Sau đó, Inphi gọi vốn đầu tư được thêm 12 triệu USD, ông Lợi cùng các cộng sự bắt tay vào nghiên cứu các giải pháp bao gồm cả thiết kế chip để tăng tốc độ Internet. Khi đó, thị trường rất cần điều này, nếu làm được, sẽ có doanh thu cao. Thế nhưng, mọi thứ không dễ dàng, bởi hàng loạt công ty cùng đổ xô vào nghiên cứu, nên các sản phẩm của Inphi không cạnh tranh nổi.
Trong 3 năm đầu, Inphi không có khách hàng và không có doanh thu. “Khi mới thành lập, tôi cứ nghĩ rằng, sau 3-4 năm là sẽ có lợi nhuận. Nhưng thực tế không theo ý mình và tôi mới thấm thía rằng, mở công ty thì dễ, nhưng phát triển thành công là cả một chặng đường khó khăn”, ông Lợi chia sẻ.
Dù thất bại, nhưng ông Lợi Nguyễn không nản chí và quyết tâm tìm ra hướng đi mới. Sau nhiều đêm trắng, ông và các cộng sự quyết định chuyển hướng sang nghiên cứu các sản phẩm và giải pháp kết nối dữ liệu tốc độ cao để cung cấp cho các trung tâm dữ liệu đám mây, mạng truyền dẫn có dây và không dây.
Các sản phẩm này đã được nhiều doanh nghiệp đón nhận, số lượng đơn hàng tăng vọt. Sau 3 năm, từ chỗ không có doanh thu, đến năm 2007, lần đầu tiên Inphi đạt doanh thu 31 triệu USD. Dù vậy, sau khi trừ hết các chi phí, Công ty cũng chỉ hòa vốn.
Sau giai đoạn khởi đầu đầy khó khăn, những năm tiếp theo, doanh thu của Inphi tăng đều đặn và đạt mức 83 triệu USD vào năm 2010. Với sự phát triển không ngừng, Inphi được trao giải thưởng công ty tư nhân có sự phát triển vượt bậc ở Thung lũng Silicon, nên được rất nhiều doanh nghiệp biết đến.
TS. Lợi Nguyễn thăm Trường THPT Nguyễn Du – nơi ông từng học tập – trong một lần về thăm Việt Nam |
2.
Năm 2010 là cột mốc đáng nhớ với Inphi, khi Công ty tiến hành IPO với giá 12 USD/cổ phiếu và chỉ sau một năm tăng lên 20 USD/cổ phiếu. Dù vậy, sang năm 2012, thị trường đi xuống, giá cổ phiếu của Inphi giảm chỉ còn 8 USD/cổ phiếu. Lúc đó, hai đồng sáng lập quyết định bán hết cổ phần. “Quả thực, tôi đã rất chán nản, song tôi tin bản thân sẽ thành công”, ông Lợi kể lại.
Để vực dậy Inphi, ông Lợi tìm kiếm nhân sự lãnh đạo mới để đồng hành với mình. Bằng sự nỗ lực và kiên trì của ông, doanh thu của Inphi đã tăng trở lại và đạt 340 triệu USD vào năm 2017, tiếp tục tăng lên 680 triệu USD vào năm 2020. Nhờ doanh thu tăng, giá cổ phiếu của Inphi tăng lên 175 USD/cổ phiếu vào ngày 20/4/2021.
Bước ngoặt đến vào tháng 4/2021, khi TS. Lợi Nguyễn quyết định bán Inphi cho Marvell (tập đoàn dẫn đầu thế giới về thiết kế vi mạch bán dẫn) với giá hơn 10 tỷ USD. Thương vụ này khi đó đã gây “chấn động” trong ngành bán dẫn.
Ông cho biết, với công nghệ mà Inphi sở hữu khi sáp nhập Marvell, đây sẽ là mảnh ghép hoàn hảo để Marvell mở rộng trung tâm dữ liệu và mảng kinh doanh 5G. Việc ông bán công ty mà mình dày công vun đắp cho Marvell cũng là cơ hội tốt để Inphi có cơ sở phát triển mạnh hơn, có thể cạnh tranh với các tập đoàn lớn khác.
“Nếu Inphi không được bán cho Marvell, thì năm 2021, doanh thu của Công ty cũng sẽ cán mốc 1 tỷ USD. Với mức doanh thu như vậy, mức giá 10 tỷ USD không phải là cao”, ông Lợi nói về quyết định của mình.
Với số tiền bán Inphi, TS. Lợi Nguyễn không hưởng một mình, mà chia cho các kỹ sư, nhân viên đã gắn bó với mình từ những ngày đầu và cả trong thời gian công ty gặp khó khăn. Sau khi Inphi sáp nhập về Marvell, ông cũng về đầu quân cho Marvell và giữ vị trí Phó chủ tịch cấp cao Tập đoàn phụ trách mảng quang và đồng. Ông tin rằng, với kinh nghiệm của mình, ông sẽ giúp Marvell thành công hơn.
3.
Với vốn tiếng Việt khá tốt, TS. Lợi Nguyễn được Marvell giao phụ trách các hoạt động kinh doanh của Tập đoàn tại Việt Nam. Nhờ vậy, ông có dịp về Việt Nam nhiều hơn. Đây cũng là cơ hội để ông tri ân quê hương của mình.
Tháng 5/2023, Marvell chính thức thành lập Trung tâm Thiết kế vi mạch tại TP.HCM. Đây sẽ là một trong 4 trung tâm thiết kế vi mạch hàng đầu của Marvell tại châu Á. Ông Lợi Nguyễn được giao trực tiếp theo dõi trung tâm này.
Nói về quyết định thành lập Trung tâm Thiết kế vi mạch tại TP.HCM, ông Lợi Nguyễn cho biết, 10 năm trước, Marvell làm chủ yếu về các sản phẩm lưu trữ (storage). Khi mua lại Inphi, Tập đoàn mới mở rộng sang mảng kết nối quang (optical connectivity). Hơn nữa, kỹ sư thiết kế tại Việt Nam rất sáng tạo, có những dự án, những con chip được thiết kế ngay tại Marvell Việt Nam, và người lãnh đạo dự án đó là người Việt.
Chính vì vậy, điều mà TS. Lợi Nguyễn mong muốn khi trở lại quê hương là giúp các trường đại học tại Việt Nam đào tạo được nhiều hơn kỹ sư ngành thiết kế vi mạch. Trong chuyến trở về giữa tháng 1/2024, ông đã gặp gỡ lãnh đạo các trường đại học tại TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội và giúp các trường đào tạo thêm nhiều kỹ sư thiết kế vi mạch.
Khi các công ty bán dẫn Mỹ tìm đến Việt Nam, nhất là sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, thì nhân lực thiết kế vi mạch sẽ trở nên rất hot. Điều quan trọng là Việt Nam phải đào tạo được nhân sự đủ đáp ứng nhu cầu của đối tác. Đây cũng là điều TS. Lợi Nguyễn trăn trở và mong muốn đào tạo thêm nhiều kỹ sư thiết kế vi mạch không chỉ phục vụ Marvell, mà còn phục vụ các công ty vi mạch đa quốc gia chưa bao giờ vơi bớt trong ông…
“Tôi vẫn rất nhớ hương vị Tết Việt”
Ông nhớ hương vị nào nhất của Tết Việt?
Tôi vẫn rất nhớ hương vị Tết truyền thống của Việt Nam. Ở Mỹ, những ngày Tết Nguyên đán, bữa cơm gia đình tôi vẫn có bánh chưng, giò, chả, thịt gà, nhưng chúng tôi chỉ ăn Tết một ngày thôi, chứ không kéo dài như ở Việt Nam.
Ông kỳ vọng gì vào TP.HCM trong năm 2024?
Tôi kỳ vọng vài năm nữa, TP.HCM sẽ có thêm các tàu điện ngầm để không còn kẹt xe, tiết kiệm thời gian đi lại. Năm 2024, hy vọng các trường đại học ở TP.HCM sẽ đào tạo thêm nhiều kỹ sư thiết kế vi mạch.
Marvell sẽ hỗ trợ các trường đào tạo nhân lực ngành này để cung cấp cho Marvell và các công ty đa quốc gia khác, thưa ông?
Marvell đã quyết định tăng số suất học bổng từ 10 lên 30 suất trong năm nay dành cho các sinh viên tài năng. Hy vọng Việt Nam sẽ thu hút các nhà đầu tư đến mở nhà máy sản xuất chip do Marvell thiết kế.