Tại hội thảo hậu cần vận tải và hàng không Đông Nam Á 2023, ông Nguyễn Công Luân, Phó Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập khẩu (Sở Công thương TPHCM) cho biết, ngành logistic (trữ vận hàng hóa) đang được thành phố tập trung phát triển mạnh mẽ.
“Trong tương lai, Việt Nam sẽ phát triển logistic theo mô hình đa phương thức vận chuyển hàng hóa, đảm bảo vận chuyển nhanh, tiết kiệm, chính xác”, ông Luân nhận định.
Theo ông Luân, TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2025 đưa logistics trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đạt 10-15% GDP. Để làm được điều này, thành phố đang tập trung phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực và chuyển đổi số trong ngành
TPHCM đang tham mưu xây dựng cơ sở dữ liệu chung và bản đồ logistics cho toàn thành phố, tập trung xây dựng các kho bãi, cảng quốc tế Cần Giờ… nhưng tiến độ khá chậm do vướng pháp lý và quy hoạch.
Trao đổi thêm về vấn đề trên, ông Đỗ Xuân Quang, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Hàng không Vietjet cho hay, hạ tầng cơ sở hàng không là một trong những trở ngại cho ngành hàng không nói riêng, cho lĩnh vực logistics nói chung.
“Hãng bay của chúng tôi dự kiến tới đây có 400 chiếc máy bay nhưng biết đỗ ở đâu khi sân bay nội địa không còn chỗ?”, ông Quang băn khoăn.
Chưa dừng lại ở đó, nhân sự ngành logistics cũng đang rất báo động. Để vận hành một kho ở sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất cần rất nhiều người nhưng nhân lực chưa thể đáp ứng, người thì ít còn việc thì nhiều.
Ông Quang còn chỉ ra rằng chính sách về thuế, quy định hải quan, thông quan chưa rõ ràng sẽ cản trở quá trình tiếp cận phát triển trong lĩnh vực logistic thời gian tới.
Theo ông Quang, thống kê của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế cho thấy vận tải hàng không đạt mức phát triển từ 5-6%/năm, thậm chí có thể đạt đến 9-10%.
Ngoài ra, lượng hàng hóa qua cảng Việt Nam trung bình 1,4 triệu tấn ở thị trường nội địa và 1,2 triệu tấn ở thị trường quốc tế. Trong đó, cả hai thị trường này giúp nước ta đạt tổng thu 4 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, thị phần hàng hóa hàng không nội địa chỉ chiếm 12%, trong khi nước ngoài là 88%.
Ông Trần Chí Dũng, Trưởng Ban Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistic Việt Nam (VLA) cũng cho biết, việc thiếu hụt nhân lực cho ngành hàng không nói riêng, logistic nói chung đang rất rõ ràng. Trong đó, lực lượng các cơ sở đào tạo như Học viện Hàng không chỉ mới chú trọng vào khai thác dịch vụ chứ chưa “đánh” mạnh vào kinh tế.
“Trong lĩnh vực này, hiệp hội hầu như phải chủ động đào tạo trong vòng 15 năm qua. Cả nước hiện có 300 đơn vị đào tạo khác nhau, chia làm 3 nhóm gồm dịch vụ khai thác, dịch vụ hành khách và dịch vụ hàng hóa nhưng mới chỉ tập trung được vào các chương trình cấp thiết nhất, mang tính bắt buộc”, ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, thực tế, để đào tạo nhân lực hàng hóa giỏi, các cơ sở đào tạo cần có các chương trình mang tính chuyên môn, giảng dạy sâu. Song, điều đó vẫn đang là thách thức do đòi hỏi năng lực của giáo viên, cơ sở thực hành, thực tập rất cao cấp.
Vị này dự đoán, trong tương lai, ngành logistics có thể tiếp nhận các đơn hàng lên đến hàng triệu tấn, cần các cơ sở phải đào tạo chuyên sâu để đáp ứng được nguồn nhân lực cho ngành dịch vụ hàng hóa.