Chứng khoán “trở mặt” nhanh như chớp
Trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 2/2023, mặc dù VN-Index duy trì được sắc xanh tới giờ đóng cửa nhưng tính chung cả tháng, mất mát của VN-Index là rất lớn khi chỉ số này giảm 86,5 điểm, tương đương 7,78% xuống 1.024,68 điểm. Đây là mức thấp của VN-Index trong 2 tháng qua. Vì vậy, vốn hóa thị trường sàn Hose giảm 347.355 tỷ đồng.
Chứng khoán 1/3 chào tháng mới với tâm lý tiêu cực của nhà đầu tư. Sau chuỗi phiên giảm sâu cùng với thanh khoản xuống “đáy” 28 tháng, VN-Index được tin là tiếp tục chìm trong sắc đỏ. Dự báo đó sớm trở thành sự thật ngay từ giờ mở cửa.
Tuy nhiên, chỉ vài tiếng sau, VN-Index “trở mặt” nhanh như chớp. Từ chỗ giảm sâu, VN-Index bất ngờ tăng mạnh. Sắc xanh được duy trì tới cuối phiên của thị trường chứng khoán 1/3.
Chốt phiên chứng khoán 1/3, VN-Index tăng 15,87 điểm, tương đương 1,55% lên 1.040,55 điểm. Đà tăng đến từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn khi VN30-Index tăng 19,47 điểm, tương đương 1,92% lên 1.034,43 điểm.
Thị trường chứng khoán ngày càng khó dự báo và đi “chệch” quy luật nhiều hơn. Một trong những nguyên nhân chính là ảnh hưởng từ thị trường phái sinh. Chứng khoán 1/3 được tin là tiếp tục giảm điểm nhưng cuối cùng lại tăng mạnh.
Toàn sàn có 290 mã tăng giá, 61 mã đứng giá và chỉ có 106 mã giảm giá. Thanh khoản phục hồi từ “đáy” nhưng vẫn ở mức thấp. Có gần 524 triệu cổ phiếu, tương đương 8.262 tỷ đồng được giao dịch thành công. Nhóm VN30 vẫn được giao dịch ít khi chỉ ghi nhận 131 triệu cổ phiếu, tương đương 3.115 tỷ đồng trao tay.
Cổ phiếu vốn hóa lớn mà cụ thể là cổ phiếu ngân hàng đóng góp lớn cho sự “trở mặt” nhanh chóng ngày hôm nay. Trong đó, đáng chú ý nhất là STB của Sacombank. Trong phiên chứng khoán 1/3, STB là blue-chip duy nhất tăng trần, tăng 1.650 đồng/CP lên 25.400 đồng/CP. Khối lượng giao dịch STB cũng cải thiện đáng kể khi đạt 21,6 triệu cổ phiếu. Trong khi đó, khối lượng giao dịch bình quân 10 phiên liên tiếp của STB là 16 triệu cổ phiếu.
Một cổ phiếu khác cũng nhận được sự quan tâm lớn từ thị trường chứng khoán ngày 1/3. Đó là DIG của Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng. DIG giảm sàn xuống 12.600 đồng/CP sau thông tin bị thanh tra.
Các chỉ số trên sàn Hà Nội có tốc độ tăng mạnh hơn. HNX-Index tăng 4,45 điểm, tương đương 2,2% lên 206,83 điểm. HNX30-Index tăng 9,48 điểm, tương đương 2,68% lên 363,80 điểm. Thanh khoản được cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp. Chỉ có 59,5 triệu cổ phiếu, tương đương 925 tỷ đồng được giao dịch thành công.
Chứng khoán Hồng Kông nổi sóng
Thị trường châu Á – Thái Bình Dương chủ yếu tăng khi các nhà đầu tư đón nhận một loạt dữ liệu kinh tế quan trọng trong khu vực. Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cũng báo cáo chỉ số quản lý mua hàng sản xuất chính thức của nước này đã tăng lên 52,6 trong tháng 2, mức cao nhất kể từ tháng 4 năm 2012.
Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 4,15% – mức tăng hàng đầu trong khu vực và chỉ số Hang Seng Tech tăng 6,5%. Tại Trung Quốc đại lục, Shenzhen Component tăng 1,1% lên 11.914,32 và Shanghai Composite kết thúc phiên tăng 1% lên 3.312,35.
Chỉ số S&P/ASX 200 đã giảm nhẹ để đóng cửa ở mức 7.251,6 sau khi nền kinh tế Úc năm 2022 tăng trưởng 2,7% trên cơ sở hàng năm.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,26%, đóng cửa ở mức 27.516 và Topix tăng 0,23% lên 1.997,81 khi hoạt động của nhà máy trong tháng 2 giảm với tốc độ nhanh nhất trong hơn hai năm, một cuộc khảo sát riêng cho thấy.
Thị trường Hàn Quốc đóng cửa để nghỉ lễ khi quốc gia này chứng kiến thâm hụt thương mại được thu hẹp trong tháng Hai.
Đêm qua, tại thị trường Mỹ, cả ba chỉ số trung bình chính đều đóng cửa ở mức thấp hơn để kết thúc một tháng khó khăn, trong đó Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones dẫn đầu thua lỗ khi mất hơn 230 điểm hay 0,7%. S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt mất khoảng 2,61% và 1,11% trong tháng 2, nhưng vẫn cao hơn từ đầu năm đến nay.