Ngày 26/9, Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo tư vấn thông tin và ứng dụng công nghệ AI cho xuất nhập khẩu thị trường Hoa Kỳ.
Tại hội thảo, một số chuyên gia về xuất nhập khẩu hàng hoá đã chia sẻ thông tin giúp doanh nghiệp hiểu hơn về hành lang pháp lý, nguồn gốc xuất xử sản phẩm, xuất xứ hàng hóa hưởng ưu đãi; công tác chuẩn bị, phòng ngừa rủi ro để đạt được thành công trong việc xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Hữu Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại – Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, những năm qua kể cả trong đại dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Để duy trì thành quả này và có những thành công tiếp theo, vai trò của các doanh nghiệp là không thể thiếu, đặc biệt các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Ông Nguyễn Hữu Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại – Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc hội thảo (Ảnh: Sỹ Đồng) |
Do đó, hội thảo tư vấn sẽ cung cấp thông tin xuất nhập khẩu mới nhất cho các doanh nghiệp đang xuất khẩu và quan tâm đến xuất khẩu ngành nông nghiệp và F&B vào thị trường Hoa Kỳ.
“Qua đó doanh nghiệp, doanh nhân có cái nhìn tổng quan cho ngành nông nghiệp và F&B xuất nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ sắp tới và vận dụng hiệu quả nguồn lực đang có vào phát triển doanh nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động sản xuất, kinh doanh để đón đầu những cơ hội mới trong thời gian tới”, ông Tâm nhấn mạnh.
Được biết, trong những năm qua, nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam như rau, quả, gạo, cà phê, hạt điều, hồ tiêu… đã tạo dựng được vị thế quan trọng trên thị trường thế giới. Nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam đã đáp ứng được ngày càng tốt hơn về tiêu chuẩn chất lượng của thị trường, ngay cả thị trường khó tính như Hoa Kỳ, châu Âu (EU).
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông sản của Việt Nam tăng 27% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 12,4 tỷ USD.
Hiện nay, có 8 loại trái cây tươi được phép nhập khẩu được vào thị trường Hoa Kỳ gồm thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, vú sữa, bưởi, dừa… Dự báo xuất khẩu hàng rau củ quả của Việt Nam sang Hoa Kỳ năm 2024 sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan.
Còn đối với ngành công nghiệp thực phẩm và dịch vụ ăn uống (F&B), trong 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đều tăng với so với cùng kỳ năm 2023 (trừ cà phê, gạo giảm). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu về bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc 87,4% triệu USD, tăng 4% so với 7 tháng năm 2023, xuất khẩu nước ép trái cây tăng 15%, rau củ tươi hoặc đông lạnh tăng 30,1%, rau củ quả chế biến tăng 23,5%…
Ngoài ra, một số doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu bia làm từ mạch nha, nước khoáng có ga và đồ uống không cồn. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này còn khá khiêm tốn.
Theo đánh giá của các chuyên gia, ngành thực phẩm và đồ uống của Việt Nam có nhiều lợi thế do nguồn nguyên liệu từ nông sản phong phú, dồi dào và khối lượng lớn. Tuy nhiên, vẫn còn hạn chế do sản xuất quy mô còn nhỏ, nguồn vốn hạn chế, sản xuất thô sơ, nhiều khâu phân tán… dẫn tới khó truy xuất nguồn gốc xuất xứ và kiểm sát chất lượng. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là thô, chưa chú trọng xây dựng thương hiệu và nhãn hiệu nên giá trị thấp, chưa được người tiêu dùng nước ngoài nhận biết.
Ông Phạm Minh Quân, Giám đốc Công ty TNHH Wisematch Việt Nam chia sẻ ứng dụng công nghệ AI trong xuất nhập khẩu (Ảnh Sỹ Đồng) |
Hơn nữa, thị trường Hoa Kỳ có quy định và tiêu chuẩn cao về nhóm thực phẩm và đồ uống. Do đó, theo các chuyên gia để thực phẩm và đồ uống thâm nhập được vào thị trường cần chú trọng đến chất lượng, đáp ứng đầy đủ đầy những quy định của FDA và Luật hiện đại hoá an toàn thực phẩm (FSMA) để tăng cơ hội xuất vào thị trường Hoa Kỳ.
Ngoài ra, vùng trồng và chế biến trái cây phải đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn như GlobalGAP, chứng chỉ môi trường, ISO, HACCP, USDA, đảm bảo không có dư thuốc bảo vệ thực vật, không nhiễm các loại vi vật, vi khuẩn, nấm. Trong quá trình thu hoạch phải đảm không ảnh hưởng đến chất lượng trái cây. Sản phẩm chế biến phải tuân thủ tục như đăng ký, lập hồ sơ theo quy định của Cơ quan thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cùng các yêu cầu đóng gói.
Ông Mã Thanh Danh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tư vấn Quốc tế CIB cho biết, rào cản lớn nhất đối với thị trường Hoa Kỳ đó là tính pháp lý và hàng rào kỹ thuật đòi hỏi tiêu chuẩn rất cao. Tiếp theo họ mua với số lượng lớn, đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải tối ưu hoá được chi phí sản xuất, chi phí vận hành và quản lý được chất lượng sản phẩm, hạ thành giá cả mới đủ sức cạnh tranh với các nước khác vì thị trường Hoa Kỳ là sân chơi lớn cho các doanh nghiệp trên thế giới.
Chuyên gia ông Mã Thanh Danh chia sẻ kinh nghiêm thị hàng hoá Việt Nam thâm nhập thị trường Hoa Kỳ (Ảnh: Sỹ Đồng) |
Ông Danh cũng đưa ra khuyến nghị, doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Hoa Kỳ cần lên kế hoạch cụ thể sẽ nhắm tới đối tượng khách hàng nào, sản phẩm cốt lõi gì? Sản phẩm cần có chất lượng vượt trội và gắn với đặc sản văn hoá Việt Nam thì mới có sức cạnh tranh, còn không khó tạo lợi thế.
“Hãy tận dụng ẩm thực văn hoá Việt, những sản đặc vùng miền ở Việt Nam như Bún, phở, bánh mỳ… và ‘đánh’ vào cộng đồng người Việt, cộng đồng người châu Á ở Hoa Kỳ trước, rồi sau đó mới chinh phục người Mỹ ”, ông Danh chia sẻ.
Nguồn: https://congthuong.vn/tro-giup-thong-tin-tao-thuan-loi-cho-doanh-nghiep-viet-tham-nhap-thi-truong-hoa-ky-348515.html