Buổi giao lưu, trò chuyện về những nét văn hóa dân gian đặc sắc của vùng đất Chín Rồng, do NXB Tổng hợp TP.HCM, UBND Tp. Cao Lãnh, Công ty CP Ngôi Sao Biển Trung tâm Sài Gòn, Ban điều hành Đường Sách Tp. Cao Lãnh phối hợp cùng thực hiện, thu hút gần 300 người tham dự.
Là tác giả của nhiều tác phẩm nghiên cứu về văn hóa dân gian, mang đậm dấu ấn sâu nặng về tình yêu quê hương và những giao đãi thân tình của con người miền Tây chân chất, nhiệt thành, tác giả Trần Minh Thương đưa ra những nhận định tương đối chân thực về “Dư vị miền xưa” trong đời sống ngày nay.
“Chuyện xưa đến nay vẫn còn tồn tại chỉ có điều nó biến dạng đi. Ngày xưa đi chợ bằng chèo ghe thì bây giờ đi bằng xe máy, ngày xưa đi học lội bộ, bơi xuồng bây giờ cũng đi bằng xe. Chuyện cà phê xưa pha bằng vợt nay uống cà phê pha máy! Xưa anh em năm bảy người quây quần bên góc chái với chai rượu đế và một cái ly, ngày nay thì uống bia lon… Dư vị thì vẫn còn nhưng có lẽ cũng đã lạt phai ít nhiều!”, tác giả Trần Minh Thương nhận định.
Sinh ra và lớn lên ở miệt đất Hậu Giang, được trải nghiệm qua nhiều chuyến đi điền dã, lượm lặt ghi chép từ vốn sống dân gian, tác giả Trần Minh Thương đã đem đến cho khán giả tại buổi giao lưu cũng như bạn đọc nhiều trải nghiệm mang đậm nét văn hóa xứ này. Tản mạn theo dòng ký ức, “Dư vị miền xưa” đưa mọi người về lại với miền xưa nơi đó còn lắng đọng lại chút dư vị dịu mát, ngọt lịm của tình đất, tình người.
Không gian văn hóa xưa ở Nam Bộ nói chung, ở miệt Nam sông Hậu (Hậu Giang) nói riêng đã dần thay đổi theo sự phát triển hiện đại hóa. Đời sống của người bình dân ở thôn quê cũng theo đó mà biến đổi. Trần Minh Thương đã ghi lại vào trang sách những ký ức một thời đã từng diễn ra trong đời sống người dân quê chân lấm tay bùn mà đậm đà tình nghĩa trong văn hóa ứng xử, chính vì thế mà “Dư vị miền xưa” là trục chính cho các bài viết và khảo cứu của tác giả.
“Dư vị miền xưa” khiến cho người đọc nhớ mãi những kỷ niệm từ thuở ấu thơ, những câu chuyện ông bà cha mẹ kể, đến những nỗi nhớ quê nhà thắm đượm trong lòng để mỗi người chúng ta nhắc nhớ và trở về. Thông điệp tác giả gửi đến qua “Dư vị miền xưa” là những hoạt động văn hóa dân gian trong đời sống của người bình dân quê mình.
Ai đã từng trải qua những trò chơi thời thơ dại như tắm sông, mò tôm, bắt cá; những lần đi đào chuột, đặt vó, đặt lờ, soi nhái, thọt trứng kiến câu cá rô đồng… sẽ thấy bóng dáng của mình, của kỷ niệm qua những câu chuyện, những dòng tản văn man mác.
Rồi chuyện theo mẹ, theo bà đi đám cúng cơm đến những chuyện nghe được từ những bậc trưởng thượng kể lại về cách ứng xử của tình sui gia, chuyện trộm cắp, chuyện đi uống cà phê sáng, chuyện chèo ghe đi chợ, chuyện mùa mưa đến, mùa nước nổi tràn đồng, mùa gió chướng thổi, mùa Tết…
Người nông dân thì chờ mưa xuống ra đồng cày, cấy. Rảnh rang thì ra tắm sông mò tôm, móc lịch để cải thiện bữa ăn… những hoạt động tự nhiên đó hiện lên qua những trang miêu tả cũng sống động không kém trong sách.
Khán giả giao lưu, trò chuyện cùng tác giả Trần Minh Thương
Tác giả Trần Minh Thương cũng không quên khi kể lại những câu chuyện không may trong cuộc sống, người bị ăn cắp, ăn trộm, kẻ khốn khó đi ăn mày, hay chuyện những người bệnh, đau ốm chỉ uống đọt cây lá cỏ… may mắn thì coi như phước phần còn lớn, không qua khỏi thì coi như vắn số, bạc phần.
Những nét văn hóa dân gian đặc sắc của vùng đất Chín Rồng trù phú thể hiện rõ nét hơn trong tập sách “Vấn vương hương vị bánh quê”, những ai đọc cuốn sách cũng sẽ thưởng thức hương vị “bánh quê”, cảm thấy gần gũi và dễ tìm gặp hơn qua lời kể, tả lại của bà con miền quê, kết hợp với những kiến thức văn hóa dân gian của tác giả sau nhiều chuyến đi tìm hiểu.
Các tác phẩm của Trần Minh Thương đều viết về văn hóa miền quê, phong cách sống và ẩm thực tinh hoa của dân tộc Việt, nhất là nếp sống của bà con vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Chia sẻ về những câu chuyện trong các tác phẩm, tác giả Trần Minh Thương cho hay: “Khi viết những dòng này là tôi muốn tái hiện lại không gian ở đó có những nét văn hóa ứng xử vừa chân chất, mộc mạc, thắm đượm tình làng nghĩa xóm của người miền quê. Hơn thế, đó cũng chính là hơi thở, cuộc sống thời niên thiếu mà tôi đã từng trải qua”.
Tại buổi giao lưu, trò chuyện cùng tác giả Trần Minh Thương, khán giả một lần nữa được trở về không gian văn hóa xưa của vùng đất Hậu Giang, thêm hiểu hơn về những nét văn hóa dân gian qua những câu chuyện và trang viết.
Với mong muốn đưa những câu chuyện văn hóa vào trong nhà trường, may mắn khi là thầy giáo đang giảng dạy tại trường THPT Ngã Năm (Sóc Trăng), tác giả Trần Minh Thương vui mừng chia sẻ, “Trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018 có phần Văn hóa địa phương, nên việc lồng ghép những nội dung về bánh dân gian hay những hoạt động văn hóa xưa cũng có nhiều thuận lợi. Các em rất say mê và trông chờ để được nghe những nội dung đó”.
Bạn đọc cũng có thể tìm hiểu thêm trong cuốn “Dư vị miền xưa”, cuốn sách sẽ “đưa người đọc trở về với những gì đã từng diễn ra ở một bộ phận, một vùng nào đó của người bình dân xưa…”./.