Là dịch giả và tác giả của nhiều đầu sách đã xuất bản, Nguyễn Quốc Vương còn được biết đến trong vai trò là một diễn giả với các hoạt động khuyến đọc tại nhiều địa phương trên cả nước.
Nhân dịp anh vừa đến Tiền Giang tham gia buổi nói chuyện chuyên đề “Phát triển văn hóa đọc trong thời đại số”, Nguyễn Quốc Vương đã chia sẻ về vai trò, ý nghĩa cũng như kinh nghiệm xây dựng “Tủ sách gia đình”.
Theo chia sẻ của diễn giả Nguyễn Quốc Vương thì một thực trạng ở nước ta hiện nay là trong các ngôi nhà thường có đầy đủ những thứ cần thiết trừ tủ sách. Muốn có những công dân có thói quen đọc sách thì phải có môi trường đọc sách ngay tại nhà, thông qua xây dựng và khai thác tủ sách gia đình. Tủ sách gia đình tuy nhỏ nhưng sẽ đem lại rất nhiều lợi ích.
Thứ nhất, nó tạo ra điểm kết nối các thành viên gia đình. Bố mẹ, ông bà đọc sách cho con, cháu nghe. Các hoạt động đó sẽ giúp gắn kết mọi người, thắt chặt sợi dây tình cảm, nhân lên sự đồng cảm.
Thứ hai, tủ sách gia đình tạo ra một môi trường văn hóa, học tập phù hợp với sự phát triển lành mạnh của trẻ em, giúp các con say mê tìm hiểu thế giới xung quanh.
Thứ ba, tủ sách gia đình là công cụ hữu ích để cả gia đình tham gia xây dựng xã hội học tập, nâng cao chất lượng đời sống của gia đình trên phương diện vật chất và tinh thần.
* PV: Cho đến thời điểm này thì sách đã có tác động như thế nào đối với anh và gia đình, cũng như con đường riêng mà anh đã chọn?
* Dịch giả Nguyễn Quốc Vương: Tôi sinh ra ở một làng nhỏ, nghèo khó của tỉnh Bắc Giang, xa trung tâm nhưng tôi có may mắn là được đọc sách từ nhỏ vì bố tôi là một giáo viên dạy Toán nhưng lại yêu sách. Ông có tủ sách trong nhà cho cả gia đình đọc từ những năm 1980.
Nhờ vậy, tôi đọc sách từ rất sớm và đọc được rất nhiều sách trong suốt thời gian học phổ thông. Cả bốn chị em tôi đều như thế. Kết quả là sau này cả bốn chị em đều học lên đại học, riêng tôi học cao học và nghiên cứu sinh tại Nhật Bản.
Nguyễn Quốc Vương chụp hình cùng độc giả Tiền Giang. |
Bây giờ cả tôi và chị gái tôi đều theo nghề viết. Tôi cho rằng, những cuốn sách tôi đã đọc và môi trường sách vở trong gia đình đó có ảnh hưởng lớn đến việc học hành cũng như công việc của tôi hiện tại.
Các con tôi cũng là những đứa trẻ thích đọc sách và đọc thường xuyên. Sống ở chung cư tại Hà Nội, tôi biến phòng khách thành “thư viện gia đình” với rất nhiều sách. Cuộc sống của tôi hiện tại gắn liền với sách từ công việc tới thú vui, giải trí…
Đối với tôi, một người làm nghề dịch, viết và khuyến đọc thì sách là công cụ, phương tiện cực kỳ quan trọng.
* PV: Một câu hỏi cũng là băn khoăn của nhiều người, đó là làm sao để tạo thói quen đọc sách, nhất là đối với giới trẻ?
* Dịch giả Nguyễn Quốc Vương: Muốn có thói quen thì phải có môi trường, tập luyện trong thời gian dài và có phương pháp đúng đắn. Nếu bố mẹ xây dựng được không gian đọc sách trong gia đình phù hợp, đọc sách cho con nghe từ khi trẻ 0-6 tuổi đều đặn, bền bỉ thì khả năng cao đứa trẻ ấy sẽ trở thành người yêu sách, có thói quen đọc sách. Khi trẻ càng lớn, việc hình thành thói quen tốt như đọc sách sẽ càng khó.
Diễn giả Nguyễn Quốc Vương (sinh năm 1982), là tác giả của hơn 70 đầu sách dịch và sách viết về nhiều lĩnh vực như: Lịch sử học, văn hóa đọc, giáo dục trường học… đã được xuất bản. Anh tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chuyên ngành Lịch sử, từng có 8 năm du học và làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Nhật Bản. Với biệt danh “Người bán sách rong”, Nguyễn Quốc Vương còn được biết đến trong vai trò là diễn giả sôi nổi ở lĩnh vực khuyến đọc tại Việt Nam. |
Để việc xây dựng và khai thác tủ sách gia đình có hiệu quả thì cần thiết kế không gian đọc, không gian bố trí tủ sách phù hợp. Nơi đặt tủ sách nên gần gũi, là không gian người trong gia đình luôn lui tới, dễ tập trung. Sách đưa vào tủ cần phù hợp với nhu cầu của từng thành viên trong gia đình và nên được cập nhật, bổ sung thường xuyên.
Sách dành cho trẻ em nên bố trí ở dưới thấp, thuận tầm với của trẻ em. Bố mẹ, ông bà cần làm gương trong việc đọc sách và cần phải tích cực đọc sách cho con nghe hoặc thảo luận với con về các cuốn sách con đang đọc hoặc đã đọc. Các gia đình cũng có thể mở tủ sách gia đình cho các gia đình ở gần mượn, đọc, tạo ra cộng đồng những người yêu sách…
Bên cạnh đó, mỗi gia đình cần chọn các cuốn sách phù hợp với bản thân thay vì cố đọc sách khó ngay khi xuất phát. Có thể lấy những mối quan tâm hiện tại của bản thân (bóng đá, sức khỏe, tình yêu, công việc…) làm điểm xuất phát để lựa chọn sách. Cũng có thể tìm kiếm lời khuyên, gợi ý về danh mục cần đọc từ khác.
Khi đọc, không nên tham đọc nhiều. Mỗi lần đọc chỉ đọc một chút, đến chỗ hay có thể dừng lại “để dành” cho ngày hôm sau. Khi đọc một thời gian thấy ổn thì có thể tăng thời gian đọc lên dần…
Kiên trì tập luyện trong một khoảng thời gian như 6 tháng hay 1 năm sẽ có kết quả vững chắc. Trong quá trình đọc, cần kết hợp nhiều thao tác song song như: Đọc – tưởng tượng, đọc – suy ngẫm, đọc – viết, đọc – nói, đọc – thực hành…
* PV: Hành trình lan tỏa văn hóa đọc đến với mọi người của anh trong những năm qua là hành trình dài, không kém phần gian nan. Anh có thể chia sẻ thêm về niềm công việc của mình…
* Dịch giả Nguyễn Quốc Vương: Tôi bắt đầu dồn trọng tâm công việc vào khuyến đọc từ năm 2017 và dành toàn thời gian cho nó từ năm 2020. Ban đầu thì tôi gặp rất nhiều khó khăn khi không có sự ủng hộ của những người xung quanh.
Có rất nhiều khác biệt giữa lý tưởng và hiện thực, giữa sứ mệnh và đời sống thực tế. Tuy nhiên, tôi cũng may mắn khi một số chính sách vĩ mô đã góp phần thúc đẩy khuyến đọc như: “Ngày sách Việt Nam”, “Luật Thư viện”… được kịp thời ban hành. Trước tôi đã có nhiều người khai phá con đường khuyến đọc mà tiêu biểu có anh Nguyễn Quang Thạch với phong trào “Sách hóa nông thôn” nên tôi có rút được nhiều kinh nghiệm cho bản thân.
Bên cạnh đó, càng làm khuyến đọc tôi càng có được nhiều người ủng hộ, giúp đỡ. Họ kết nối cho tôi tới nói chuyện ở khắp nơi, cùng với tôi xây dựng các tủ sách, thư viện, vận động người thân, bạn bè đọc sách, tặng sách cho vùng khó khăn và mua các cuốn sách tôi dịch và viết… Đây là nguồn động viên lớn đối với tôi.
* PV: Đến Tiền Giang để trao đổi về sách lần này, điều gì khiến anh ấn tượng nhất?
* Dịch giả Nguyễn Quốc Vương: Đây là lần đầu tiên tôi giao lưu, nói chuyện về khuyến đọc ở Tiền Giang. Thật bất ngờ khi mọi người tham gia rất đông đảo và nghiêm túc, lắng nghe thật sự. Trong chương trình có nhiều bạn trẻ đã đặt ra cho tôi nhiều câu hỏi thú vị và sâu sắc.
Điều này cho thấy tiềm năng lớn của Tiền Giang trong việc phát triển văn hóa đọc. Những câu hỏi của các bạn trong buổi giao lưu cũng một lần nữa nhắc nhở tôi về sứ mệnh của mình. Tôi hy vọng sẽ có nhiều dịp được trở lại đây để giao lưu với bạn đọc và tiến hành các hoạt động khuyến đọc trong thời gian sắp tới.
* PV: Xin cảm ơn dịch giả!
KHÁNH NHƯ (thực hiện)
.