Quyết tâm lấy lại những gì đã mất sau án phạt 4 năm sẽ là động lực tinh thần cho Trịnh Văn Vinh, cũng là hy vọng cuối cho đoàn thể thao Việt Nam ở Olympic này.
Olympic Paris 2024 đang đi dần về những ngày cuối, thể thao Việt Nam chỉ còn hai vận động viên là Trịnh Văn Vinh (cử tạ, hạng cân 61kg nam) và Nguyễn Thị Hương (canoeing, đua thuyền C1 200m nữ).
Nguyễn Thị Hương còn non nớt trong lần đầu dự Olympic, hy vọng huy chương chỉ còn thuộc về Văn Vinh với vị trí trong top 6 thế giới hiện tại.
Vào lúc 20h00 hôm nay (ngày 7/8), Trịnh Văn Vinh sẽ thi chung kết cử tạ nội dung 61kg nam. Có 12 lực sỹ tham gia tranh tài ở hạng 61kg và theo mức tạ đăng ký được chia làm 3 nhóm.
Nhóm đầu với tổng cử 310kg có Li Fabin (Trung Quốc), Eko Irawan (Indonesia) và Sergio Massidda (Italy). Tiếp theo, Trịnh Văn Vinh và Ivan Dimov (Bulgary) dẫn đầu ở nhóm 2 với 303kg, cao hơn một chút so với John Ceniza (Philippines, 300kg), Mohamad Bin Kasdan (Malaysia, 298kg), Theerapong Silachai (Thái Lan, 294kg).
Nhóm cuối, gồm 4 lực sỹ có mức đăng ký từ 290kg trở xuống.
Trong số này, đô cử 31 tuổi người Trung Quốc hiện nắm cả kỷ lục thế giới (318kg) lẫn Olympic (313kg) và đang là “độc cô cầu bại” ở hạng cân này.
Li Fabin có đầy đủ danh hiệu vô địch thế giới, châu Á, World Cup, giành Huy chương Vàng ASIAD, là đương kim vô địch Olympic và cũng mới đứng nhất vòng loại hồi tháng 4.
Thêm một cái tên nhận được sự đánh giá cao từ giới chuyên môn là Eko Irawn. Đô cử sinh năm 1989 đến từ Xứ Vạn đảo là đương kim á quân Olympic và sở hữu thành tích đáng khâm phục với lần thứ 5 dự Thế vận hội trong sự nghiệp.
Bốn kỳ trước, Eko đều giành huy chương, với 2 huy chương Đồng tại Bắc Kinh (2008), London (2012) và 2 huy chương Bạc tại Rio (2016), Tokyo (2021).
Tại Olympic Paris 2024, Trịnh Văn Vinh cũng tái ngộ với nhiều đối thủ quen mặt khi 5 trong 12 tên tuổi tới từ Đông Nam Á. Sự xuất hiện của họ vừa là lợi thế nhưng cũng là áp lực cho Văn Vinh bởi đến thời điểm này, Thái Lan, Philippines, Indonesia đều đã có huy chương.
Văn Vinh vừa phải cố tìm kiếm huy chương của riêng anh, vừa phải giúp thể thao Việt Nam tránh cảnh trắng tay tại đại hội.
Theo dự báo của giới chuyên môn, ngoại trừ Li Fabin là ứng viên sáng giá nhất cho tấm huy chương Vàng, cuộc đua tranh tới 2 vị trí trí còn lại trong top 3 sẽ rất căng thẳng.
Ít nhất 7 cái tên bao gồm cả Trịnh Văn Vinh đều có khả năng gây bất ngờ dù lợi thế về kinh nghiệm thi đấu hay thể lực và sức trẻ là khác nhau. Cơ hội giành huy chương chia đều cho cả nhóm nhưng kèm theo đó là nguy cơ tụt lại nếu như không tạo được đột phá về thành tích.
Nhìn từ 2 giải đấu quan trọng gần nhất gồm giải vô địch thế giới 2023 và vòng loại Olympic 2024, 3 lực sỹ dẫn đầu đều có mức tổng cử từ 301kg trở lên. Như vậy, thành tích này cũng được coi như điều kiện cần để một đô cử nhen nhóm hy vọng tranh chấp huy chương.
Bản thân Văn Vinh từng nhiều lần vượt qua mức tổng cử 300kg, cá biệt ở SEA Games 2017 tại Malaysia, Văn Vinh đạt tổng cử 307kg (cử giật 135kg, cử đẩy 172kg) khi thi đấu ở hạng 62kg.
Đại hội thể thao trong nhà châu Á cùng năm đó, anh giành huy chương Vàng với 302kg và cùng từng lên ngôi á quân Asian Games 2018 với mức 299kg.
Từ mức tổng cử 292kg ở giải vô địch thế giới hồi tháng 9 năm rồi, tương tự sau đó là Asian Games 19, Văn Vinh đã đạt thành tích 294kg tại giải gần nhất.
Trong số đó, thành tích cử giật của anh thời gian qua cũng cải thiện từ 128, 129 tới 131kg. Còn kết quả cử đẩy dao động từ 161kg đến 164kg.
Hơn ai hết, Văn Vinh hiểu rằng vượt qua 300kg là điều kiện cần để anh đua huy chương ngay sau khi có tên trong danh sách dự Olympic 2024. Anh chia sẻ: “Nhìn vào thành tích đối thủ, tôi nghĩ mình phải có thành tích từ 300-305kg mới có thể nghĩ đến việc tranh chấp huy chương.”
Ở tuổi 29, Văn Vinh cũng không còn nhiều thời gian ở Olympic. Quyết tâm cho lần tranh tài có thể là cuối cùng ở sân chơi đỉnh cao, quyết tâm lấy lại những gì đã mất sau án phạt 4 năm sẽ là động lực tinh thần cho Trịnh Văn Vinh, cũng là hy vọng cuối cho đoàn thể thao Việt Nam ở Olympic này./.