Trình Thủ tướng chấp thuận đầu tư casino Vân Đồn (Quảng Ninh), thị trường TP. Hồ Chí Minh dần phục hồi, điều kiện kinh doanh dịch vụ môi giới… là những tin bất động sản (BĐS) mới nhất.
Bất động sản mới nhất: Casino Vân Đồn dự kiến được xây dựng tại xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Một góc huyện Vân Đồn. (Nguồn: BQN) |
Trình Thủ tướng chấp thuận đầu tư casino Vân Đồn, Quảng Ninh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thẩm định hồ sơ dự án Khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp tại Khu kinh tế Vân Đồn (casino Vân Đồn) và kiến nghị thông qua chủ trương đầu tư dự án.
Trong hồ sơ gửi tới Hội đồng thẩm định nhà nước, tỉnh Quảng Ninh cho biết, mục tiêu đầu tư casino Vân Đồn nhằm tạo lập một khu nghỉ dưỡng, giải trí có thưởng cao cấp, tổ chức sự kiện đẳng cấp quốc tế, là điểm đến hấp dẫn của thế giới. Theo đó, casino Vân Đồn dự kiến được xây dựng tại xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, với tổng vốn đầu tư dự kiến ban đầu khoảng 51.555 tỷ đồng (tương đương 2,18 tỷ USD), trong đó vốn góp của nhà đầu tư khoảng 7.733 tỷ đồng, vốn vay ngân hàng 43.822 tỷ đồng.
Qua thẩm định hồ sơ dự án, trước khi trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư casino Vân Đồn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị: Giao UBND tỉnh Quảng Ninh hoàn thiện hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng, rà soát đảm bảo tính chính xác đối với diện tích rừng đề nghị chuyển đổi, trình HĐND tỉnh quyết định chuyển đổi rừng; đề nghị tỉnh Quảng Ninh rà soát quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án khu phức hợp Vân Đồn 1 (thuộc quần thể casino Vân Đồn), thực hiện giám sát, đánh giá thực hiện dự án theo đúng quy định pháp luật về đầu tư, đất đai và pháp luật có liên quan.
Đồng thời, làm rõ dự án Khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp tại Khu kinh tế Vân Đồn (casino Vân Đồn) không đáp ứng điều kiện đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai do dự án tổ hợp casino Vân Đồn thuộc trường hợp phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất hoặc đấu giá đất và trong đề xuất dự án gửi tới Hội đồng thẩm định nhà nước, tỉnh Quảng Ninh lựa chọn đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng lưu ý, sau khi UBND tỉnh Quảng Ninh hoàn thành các nội dung này thì hồ sơ dự án casino Vân Đồn đủ điều kiện trình Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư. Và nếu dự án được Thủ tướng chấp thuận đầu tư thì từ nay đến cuối năm, tỉnh Quảng Ninh sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.
Theo đề xuất mới nhất của UBND tỉnh Quảng Ninh, tổ hợp casino Vân Đồn có quy hoạch sử dụng đất 244,45ha, thời gian sử dụng đất 70 năm tính từ ngày giao đất, trong đó phần diện tích đất xây tổ hợp casino 182,37ha, phần diện tích rừng tự nhiên trong quy hoạch 62,08ha. Phần diện tích đất rừng này nằm xen kẽ trong phạm vi thực hiện dự án, theo tỉnh Quảng Ninh sẽ được giữ nguyên hiện trạng, được quản lý theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp.
Theo tỉnh Quảng Ninh, việc thực hiện dự án casino Vân Đồn với các hoạt động chính là kinh doanh casino, kinh doanh BĐS, dịch vụ du lịch, khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng… sẽ góp phần nâng cao lợi thế cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực dịch vụ, tạo sức lan tỏa, tạo động lực phát triển, cân bằng kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn Khu kinh tế Vân Đồn, tăng thu ngân sách Nhà nước và giải quyết việc làm.
Cụ thể, tỉnh Quảng Ninh tính toán trong 70 năm hoạt động, tổ hợp casino Vân Đồn sẽ đóng góp ngân sách khoảng 228.928 tỷ đồng (tương đương 9,67 tỷ USD) tiền thuế. Trong đó, thuế thu nhập doanh nghiệp 134.369 tỷ đồng, thuế VAT 94.559 tỷ đồng.
Đến nay, dự án casino Vân Đồn cùng với casino Phú Quốc là hai casino được Bộ Chính trị đồng ý thí điểm cho người Việt vào chơi, thời gian thực hiện thí điểm và điều kiện kinh doanh casino thực hiện theo quy định pháp luật.
Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh: Thị trường dần hồi phục
Tại họp báo định kỳ thông tin về tình hình kinh tế – xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, ông Vũ Anh Dũng – Phó Trưởng Phòng Phát triển nhà và thị trường BĐS Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đã thông tin về tình hình thị trường BĐS trên địa bàn.
Theo ông Dũng, hoạt động kinh doanh BĐS trong 9 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng âm 8,71% so với cùng kỳ. Trước đó, 6 tháng đầu năm tăng trưởng âm 11,58% và quý I/2023 tăng trưởng âm đến 16,2%. Doanh thu hoạt động kinh doanh BĐS 10 tháng đầu năm 2023 ước tính đạt 186.662 tỷ đồng, giảm 4,3% so với cùng kỳ. Trước đó, 6 tháng đầu năm giảm 8,3% và 4 tháng đầu năm giảm đến 14,6%.
Về thành lập doanh nghiệp hoạt động kinh doanh BĐS, trong 10 tháng đầu năm đã có 1.252 doanh nghiệp được cấp phép thành lập, giảm 43,7% so với cùng kỳ và vốn đăng ký đạt 46.792 tỷ đồng giảm 58,3% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào hoạt động kinh doanh BĐS 9 tháng đầu năm là 72,2 triệu USD, giảm 66,3% so với cùng kỳ.
Trong 11 tháng đầu năm 2023, Thành phố Hồ Chí Minh có 16 dự án nhà ở thương mại được thông báo đủ điều kiện để bán, cho thuê mua sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai. Theo đó, 16.063 căn được đưa ra thị trường gồm 14.810 căn hộ chung cư và 1.253 căn nhà thấp tầng (phân khúc cao cấp có 11.012 căn, phân khúc trung cấp 5.051 căn, không có nhà ở thuộc phân khúc bình dân). Như vậy, nguồn cung nhà ở được đưa ra thị trường trong 11 tháng đầu năm 2023 tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước.
Đại diện Sở Xây dựng đánh giá, hoạt động kinh doanh BĐS tại Thành phố Hồ Chí minh đến nay vẫn còn nhiều khó khăn nhưng đã dần hồi phục cả về tỷ lệ tăng trưởng và doanh thu; nguồn cung nhà ở thương mại cao hơn cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, vốn đầu tư trong nước và nước ngoài rót vào hoạt động kinh doanh BĐS giảm mạnh, nguồn cung nhà ở phân khúc bình dân không có sản phẩm đưa ra thị trường.
Sở Xây dựng cho biết đã có những tham mưu, giải pháp để thị trường nhà ở hướng đến nhu cầu ở thật, thúc đẩy đưa giá nhà phù hợp với túi tiền người mua. Cụ thể, Sở đã đề xuất một số giải pháp như rút ngắn thủ tục hành chính về đầu tư, giao thuê đất; có chính sách ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ thêm để thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Cùng với đó, rà soát và yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện nghiêm việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của dự án nhà ở thương mại, nâng cao chất lượng nhà ở xã hội tương đương nhà ở thương mại, cơ cấu sản phẩm, giá thành hợp lý để đáp ứng cho người thu nhập thấp, công nhân có cơ hội tiếp cận, cải thiện về nhà ở.
Lai Châu: Duyệt bổ sung các công trình, dự án vào kế hoạch định giá đất cụ thể năm 2023
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Hà Trọng Hải vừa ký ban hành Quyết định số 2045/QĐ-UBND về việc phê duyệt bổ sung các công trình, dự án vào Kế hoạch định giá đất cụ thể năm 2023 trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Thời gian thực hiện đến hết ngày 31/12/2023.
Theo quyết định, tỉnh Lai Châu sẽ bổ sung 34 công trình, dự án cần định giá đất cụ thể vào kế hoạch năm 2023. Trong đó, công trình, dự án cần xác định giá cụ thể để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo Điều 61 và Điều 62 Luật Đất đai năm 2013 là 32 công trình, dự án, cụ thể gồm: (Huyện Phong Thổ là 07, Sìn Hồ là 01, Nậm Nhùn 22, Mường Tè 01, Tam Đường 01). Bên cạnh đó, cần xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất là 02 công trình, dự án, cụ thể gồm: (Huyện Nậm Nhùn là 01 và huyện Tam Đường 01).
Dự toán kinh phí được thực hiện theo Thông tư số 20/2015/TT-BTNMT ngày 27/4/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành định mức kinh tế – kỹ thuật để lập dự toán ngân sách Nhà nước phục vụ công tác định giá đất và Quyết định số 08/2018/QĐ-UBND ngày 29/3/2018 của UBND tỉnh ban hành đơn giá xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất và định giá đất cụ thể trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Bổ sung các công trình, dự án vào Kế hoạch định giá đất cụ thể năm 2023 trên địa bàn tỉnh Lai Châu. (Ảnh: Phượng Nguyễn). |
UBND tỉnh Lai Châu giao UBND các huyện: Mường Tè, Nậm Nhùn, Sìn Hồ, Phong Thổ, Tam Đường tổ chức triển khai xây dựng, thẩm định, phê duyệt giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền đã được UBND tỉnh ủy quyền tại Quyết định số 696/QĐ UBND ngày 22 tháng 5 năm 2023.
Điều kiện kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS
Điều 60 Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 quy định, tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài có quyền kinh doanh các dịch vụ môi giới BĐS, sàn giao dịch BĐS, tư vấn BĐS, quản lý BĐS theo quy định của Luật.
Bộ Xây dựng nhận được công văn của Công ty Cổ phần One Mount Real Estate đề nghị hướng dẫn việc cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS.
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết, tại khoản 1 Điều 3 Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 quy định: “1. Kinh doanh BĐS là việc đầu tư vốn để thực hiện hoạt động xây dựng, mua, nhận chuyển nhượng để bán, chuyển nhượng; cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua BĐS; thực hiện dịch vụ môi giới BĐS; dịch vụ sàn giao dịch BĐS; dịch vụ tư vấn BĐS hoặc quản lý BĐS nhằm mục đích sinh lợi”. Theo đó, thực hiện dịch vụ môi giới BĐS là một hoạt động kinh doanh BĐS.
Đồng thời, tại Điều 60 Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 quy định: “Tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài có quyền kinh doanh các dịch vụ môi giới BĐS, sàn giao dịch BĐS, tư vấn BĐS, quản lý BĐS theo quy định của Luật này”. Theo đó, việc kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS phải tuân thủ theo quy định của Luật Kinh doanh BĐS.
Trong khi đó, tại Điều 62 Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 quy định: “1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS phải thành lập doanh nghiệp và phải có ít nhất 02 người có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
Cá nhân có quyền kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS độc lập nhưng phải có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS và đăng ký nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS không được đồng thời vừa là nhà môi giới vừa là một bên thực hiện hợp đồng trong một giao dịch kinh doanh BĐS”.
Bộ Xây dựng đề nghị Công ty Cổ phần One Mount Real Estate nghiên cứu quy định của Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 đối chiếu với trường hợp cụ thể để thực hiện theo đúng quy định.