Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 8/6, Quốc hội nghe các Tờ trình, Báo cáo liên quan đến việc phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (gọi tắt là Vương quốc Anh).
Trình bày Tờ trình của Chủ tịch nước đề nghị phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định CPTPP của Vương quốc Anh, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cho biết, ngày 1/2/2021, Vương quốc Anh chính thức gửi đơn xin gia nhập Hiệp định CPTPP.
Trên cơ sở đó, quá trình đàm phán gia nhập giữa Vương quốc Anh với các nước CPTPP đã được tiến hành. Về cơ bản, đàm phán gia nhập CPTPP là đàm phán một chiều, trong đó Vương quốc Anh đã đưa ra nhiều cam kết mở cửa thị trường mới và chấp nhận toàn bộ các cam kết hiện có trong CPTPP.
Ngày 16/6/2023, được sự ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương cùng Bộ trưởng các nước CPTPP và Vương quốc Anh đã ký Văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh, đưa nước này thành Thành viên ký kết thứ 12 của Hiệp định.
Đối với Việt Nam, Văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh gồm 2 phần chính: Nghị định thư gia nhập và các Phụ lục; Thư của Vương quốc Anh và các thư song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh, ở góc độ song phương, Việt Nam và Vương quốc Anh đã có quan hệ FTA song phương, việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP sẽ góp phần củng cố vai trò của Việt Nam đối với Vương quốc Anh tại khu vực này; góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong hợp tác kinh tế quốc tế và quan hệ hợp tác song phương với Vương quốc Anh.
Đặc biệt, việc Vương quốc Anh công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam cũng có ý nghĩa quan trọng tạo thêm cơ sở để ta tiếp tục vận động các nước khác, trong đó có Hoa Kỳ, công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cũng nêu rõ: Chính phủ đề xuất phê chuẩn Văn kiện tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV để Việt Nam nằm trong nhóm 6 nước CPTPP đầu tiên phê chuẩn Nghị định thư;
Chính phủ không có kiến nghị bảo lưu bất kỳ nội dung nào liên quan đến Việt Nam trong Nghị định thư gia nhập Hiệp định CPTPP của Vương quốc Anh và không có kiến nghị phản đối bảo lưu của Vương quốc Anh; Chính phủ kiến nghị áp dụng toàn bộ nội dung của Văn kiện gia nhập Hiệp định CPTPP của Vương quốc Anh;…
Cam kết mở cửa thị trường ở mức cao
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo thuyết minh về văn kiện gia nhập Hiệp định CPTPP của Vương quốc Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, kể từ khi khởi động đàm phán vào tháng vào tháng 6/2021, trải qua nhiều cuộc họp cấp Bộ trưởng, phiên họp cấp Trưởng đoàn đàm phán và các phiên họp cấp kỹ thuật chính thức và không chính thức và 5 phiên đàm phán trực tiếp, ngày 31/3/2023, các nước CPTPP và Vương quốc Anh đã tuyên bố kết thúc đàm phán.
Về phía Việt Nam, đã đạt được các mục tiêu trong việc yêu cầu Vương quốc Anh có cam kết mở cửa thị trường ở mức cao để đảm bảo phù hợp với tiêu chuẩn của Hiệp định, và thậm chí cao hơn cho Việt Nam so với cam kết cho các nước khác, cũng như cao hơn so với cam kết của Vương quốc Anh cho Việt Nam trong FTA song phương (UKVFTA) trong một số nội dung quan trọng đối với nước ta.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng báo cáo làm rõ nhiều nội dung liên quan đến sự cần thiết phê chuẩn Văn kiện; nội dung chính của Văn kiện gia nhập cũng như tác động của việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP với Việt Nam trên các lĩnh vực về chính trị, an ninh quốc gia và chiến lược đối ngoại; về kinh tế; về lao động, việc làm, xã hội; về các thách thức và giải pháp;…
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà nêu rõ, căn cứ khoản 3 Điều 54 Luật Điều ước quốc tế 2016, việc phê chuẩn Văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh, có nội dung sửa đổi, bổ sung Hiệp định CPTPP thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Việc Quốc hội phê chuẩn Văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XV sẽ đưa Việt Nam nằm trong nhóm 6 nước CPTPP đầu tiên phê chuẩn Nghị định thư, và nếu đến ngày 16/10/2024 có đủ 6 thành viên của CPTPP thông báo hoàn tất thủ tục phê chuẩn thì Văn kiện sẽ có hiệu lực sau 60 ngày đối với các nước đã phê chuẩn (tức là ngày 16/12/2024).
Việc Quốc hội phê chuẩn Văn kiện thể hiện sự tích cực và trách nhiệm của Việt Nam trong thúc đẩy quan hệ thương mại – đầu tư song phương với Vương quốc Anh nói riêng và giữa CPTPP với Vương quốc Anh nói chung, góp phần nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong hợp tác kinh tế quốc tế.
“Do đó, Ủy ban Đối ngoại nhất trí đề xuất Quốc hội phê chuẩn Văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XV”, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà nhấn mạnh.
Ông Hà cũng cho biết, trình tự, thủ tục đề nghị phê chuẩn Văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh đúng với quy định tại Hiến pháp 2013, Luật Tổ chức Quốc hội 2014 sửa đổi, bổ sung 2020 và Luật Điều ước quốc tế 2016. Hồ sơ kèm theo Tờ trình của Chủ tịch nước trình Quốc hội phê chuẩn Văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh đảm bảo theo quy định tại Điều 31 Luật điều ước quốc tế.
Ủy ban Đối ngoại cũng nhất trí với nội dung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc phê chuẩn Văn kiện. Dự thảo Nghị quyết đã tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 33, đồng thời đảm bảo đầy đủ các nội dung theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Luật Điều ước quốc tế.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/trinh-quoc-hoi-phe-chuan-van-kien-gia-nhap-cptpp-cua-vuong-quoc-anh-a667454.html