Ngày 29/1, báo Rodong Sinmun – cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên – đã đưa tin về hoạt động của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khi Bình Nhưỡng phóng thử tên lửa hành trình từ tàu ngầm trước đó một ngày.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát vụ phóng tên lửa hành trình từ tàu ngầm hôm 28/1. (Nguồn: KCNA) |
Yonhap dẫn thông tin từ báo trên cho hay, ông Kim Jong-un đã thị sát vụ phóng thử tên lửa trên.
Tờ báo này nêu rõ, hôm 28/1, Triều Tiên đã phóng tên lửa hành trình chiến lược Pulhwasal-3-31 từ một tàu ngầm. Tên lửa đánh trúng các mục tiêu định trước trên một hòn đảo ở vùng biển phía Đông Triều Tiên sau khi bay khoảng 7.421 giây đến 7.445 giây.
Tuy nhiên, Rodong Sinmun không công bố thêm thông tin liên quan vụ phóng, chẳng hạn như quãng đường di chuyển của tên lửa trước khi đánh trúng mục tiêu.
Trong khi đó, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời Chủ tịch Kim Jong-un nói trong buổi thị sát rằng, tình hình hiện tại và các mối đe dọa tồn tại trong tương lai đòi hỏi quốc gia Đông Bắc Á “phải tăng tốc hơn nữa nỗ lực bảo vệ chủ quyền biển”.
Triều Tiên cũng sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch hiện đại hóa quân sự nhằm xây dựng một lực lượng hải quân hùng mạnh.
Ngoài ra, ông Kim Jong-un một lần nữa tuyên bố, việc trang bị vũ khí hạt nhân cho hải quân là nhiệm vụ cấp bách của thời đại và là yêu cầu cốt lõi trong việc xây dựng lực lượng chiến lược hạt nhân quốc gia nhằm mở rộng không gian hoạt động của lực lượng răn đe hạt nhân theo nhiều cách khác nhau.
KCNA khẳng định vụ phóng thử tên lửa từ tàu ngầm nói trên “không gây ra bất kỳ tác động nào đối với an ninh của một nước láng giềng và không liên quan tới tình hình khu vực”, đồng thời cho biết, nhà lãnh đạo Triều Tiên “hết sức hài lòng” với kết quả của vụ phóng.
Quân đội Hàn Quốc tuyên bố đã phát hiện Triều Tiên phóng một số tên lửa hành trình vào khoảng 8h00 ngày 28/1 (6h00 cùng ngày theo giờ Hà Nội) về vùng biển gần phía Đông thành phố cảng Shinpo
Ngày 24/1, Triều Tiên lần đầu tiên xác nhận phóng thử tên lửa hành trình mới Pulhwasal-3-31. Theo Bình Nhưỡng, đây là một nỗ lực nhằm tăng cường năng lực mang đầu đạn hạt nhân chiến thuật.
Tên lửa hành trình bay ở độ cao thấp và có nhiều phương án điều khiển, khiến chúng khó bị phát hiện và đánh chặn. Không giống như tên lửa đạn đạo, hoạt động thử nghiệm các loại tên lửa hành trình không bị cấm theo quy định trong các nghị quyết hiện nay của Liên hợp quốc về vấn đề Triều Tiên.
Phản ứng trước động thái mới nhất của Triều Tiên, ngày 28/1, một người phát ngôn của Lầu Năm Góc khẳng định, Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với Hàn Quốc và Nhật Bản để ngăn chặn những mối đe dọa quân sự.
Người phát ngôn trên nêu rõ: “Chúng tôi đang giám sát chặt chẽ những động thái của Bình Nhưỡng. Chúng tôi đã làm sáng tỏ về mối đe dọa do các chương trình quân sự của Triều Tiên gây ra, cam kết của chúng tôi đối với thế trận phòng thủ của Hàn Quốc, Nhật Bản cũng như duy trì hòa bình và ổn định của khu vực”.