Ngày 16/1, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik đánh giá, Triều Tiên rõ ràng đã đạt được “một số tiến bộ” trong quá trình theo đuổi mục tiêu phát triển tên lửa siêu vượt âm.
Bức ảnh về vụ phóng thử tên lửa đạn đạo tầm trung sử dụng nhiên liệu rắn mang đầu đạn siêu thanh của Triều Tiên ngày 14/1. (Nguồn: KCNA) |
Yonhap cho hay, Bộ trưởng Shin Won-sik đưa ra nhận xét trên trong cuộc trả lời phỏng vấn đài KBS sau khi Triều Tiên phóng một tên lửa tầm trung ra vùng biển phía Đông hôm 14/1.
Ông Shin Won-sik cho biết, vụ phóng mới nhất liên quan đầu đạn hình nón giống tên lửa siêu vượt âm mà Triều Tiên thử nghiệm hồi tháng 1/2022.
Người đứng đầu lực lượng quốc phòng Hàn Quốc phân tích: “Sự khác biệt so với vụ phóng năm 2022 ở chỗ, hồi đó là tên lửa dùng nhiên liệu lỏng, trong khi lần này là tên lửa dùng nhiên liệu rắn mà họ mới phát triển. Chúng tôi đánh giá đã có một số tiến bộ”.
Tên lửa nhiên liệu rắn được cho là khó bị phát hiện trước khi phóng hơn so với tên lửa nhiên liệu lỏng vốn đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước lúc khai hỏa hơn, chẳng hạn như bơm nhiên liệu.
Vũ khí siêu vượt âm nằm trong danh sách vũ khí công nghệ cao mà Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố sẽ phát triển tại Đại hội đảng Lao động Triều Tiên năm 2021.
Liên quan vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, mới đây, Cơ quan hành động đối ngoại châu Âu (EEAS) cũng đã ra tuyên bố kêu gọi Bình Nhưỡng chấm dứt mọi hành động làm ảnh hưởng hòa bình và an ninh trong khu vực.
Theo EEAS, con đường duy nhất dẫn đến hòa bình và an ninh lâu dài trên bán đảo Triều Tiên nằm ở cam kết của Bình Nhưỡng tham gia đối thoại với các bên liên quan và duy trì các nghĩa vụ theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về việc từ bỏ vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Ngoài ra, EEAS nhấn mạnh, Liên minh châu Âu (EU) sẵn sàng hợp tác với tất cả các đối tác để thúc đẩy một tiến trình ngoại giao có ý nghĩa nhằm phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược trên bán đảo Triều Tiên.
Hôm 15/1, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) tuyên bố, một ngày trước đó, nước này đã bắn thử thành công tên lửa đạn đạo tầm trung sử dụng nhiên liệu rắn (IRBM) mang đầu đạn siêu thanh nhằm kiểm tra khả năng kiểm soát và ổn định bay của đầu đạn cũng như độ tin cậy của động cơ tên lửa.
Tuyên bố của KCNA nêu rõ: “Vụ thử nghiệm không gây ra bất kỳ tác động nào đến sự an toàn của các nước láng giềng của chúng tôi và không liên quan tình hình an ninh khu vực như thế nào”.