Quân đội Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên đã phóng khoảng 200 đạn pháo ra vùng biển ngoài khơi phía Tây, gần hòn đảo biên giới Yeonpyeong trong sáng 5/1.
Một bức ảnh chụp ‘Cuộc trình diễn hỏa lực tổng hợp’ ở Wonsan, Triều Tiên hồi năm 2017. (Nguồn: AP) |
Yonhap đưa tin, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân (JCS) thông báo phát hiện các loạt đạn pháo từ hướng mũi Jangsan, phía Bắc đảo cực Bắc Baengnyeong của Hàn Quốc và mũi Deungsan, phía Bắc của đảo biên giới Yeonpyeong ở Tây Hàn Quốc, từ khoảng 9h-11h sáng cùng ngày (giờ địa phương, khoảng 7-9h sáng giờ Hà Nội).
Theo lực lượng trên, các loạt đạn pháo đã rơi xuống vùng đệm phía Bắc của Đường giới hạn phía Bắc (NLL), đường ranh giới trên biển thực tế giữa 2 miền Triều Tiên. Hiện chưa có báo cáo về thiệt hại đối với Hàn Quốc.
Giới chức Hàn Quốc đã yêu cầu người dân ở đảo biên giới Yeonpyeong sơ tán tới nơi trú ẩn an toàn.
Yêu cầu sơ tán được đưa ra vào 12h02, giờ địa phương (khoảng 10h sáng 5/1 cùng ngày giờ Việt Nam) và lặp lại vào lúc 12h30.
Một quan chức địa phương cho biết, chính quyền đảo Yeonpyeong đã yêu cầu người dân tìm nơi trú ẩn an toàn sau khi nhận được cuộc gọi từ một đơn vị quân đội cho biết chuẩn bị tiến hành một cuộc diễn tập hàng hải trên đảo Yeonpyeong do phát sinh tình huống căng thẳng tại khu vực.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ra tuyên bố cho hay, động thái của Triều Tiên là hành động “đe dọa hòa bình trên bán đảo Triều Tiên”, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng “ngay lập tức chấm dứt những hành động này”.
Đáp trả lẫn nhau
Vụ phóng đạn pháo diễn ra 1 ngày sau khi Lục quân Hàn Quốc thông báo, nước này và Mỹ đã tiến hành tập trận bắn đạn thật gần biên giới với Triều Tiên nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu chung.
Theo đó, sư đoàn bộ binh cơ giới thủ đô của Hàn Quốc và Đội tác chiến Lữ đoàn Stryker thuộc Sư đoàn bộ binh số 2 của Mỹ đã tham gia tập trận ở thành phố Pocheon, cách thủ đô Seoul 46 km về phía Đông Bắc, từ ngày 29/12/2023-5/1/2024.
Hàn Quốc và Mỹ đã sử dụng hơn 100 khí tài quân sự trong cuộc tập trận, trong đó có xe tăng K1A2, máy bay tiêm kích A-19, xe bọc thép Stryker và hệ thống pháo binh.
Cuộc tập trận mô phỏng cuộc tấn công có hệ thống dẫn đường chính xác của máy bay A-10 vào các mục tiêu và cuộc tấn công có sử dụng súng phòng không của xe tăng K1A2.
Trong tuần này, quân đội Hàn Quốc cũng tiến hành một loạt cuộc tập trận bắn đạn thật và các cuộc diễn tập khác, bất chấp sự phản đối của Triều Tiên.
Hình ảnh chụp hàng rào dây thép gai và các cọc kim loại chạy dọc một bãi biển trên đảo Yeonpyeong, Hàn Quốc, vào ngày 26/6/2020. (Nguồn: Bloomberg) |
Nhiều động thái mới từ Triều Tiên
Vụ bắn đạn pháo cũng diễn ra trong bối cảnh cùng ngày 5/1, một nguồn tin của chính phủ Hàn Quốc cho hay, lực lượng giám sát quân sự đã phát hiện binh sĩ Triều Tiên chôn mìn gần tuyến đường sắt Gyeongui và các trạm gác tiếp giáp từ đầu tháng 12/2023.
Vị trí chiến lược của tuyến đường sắt này cho thấy ý định của Triều Tiên nhằm củng cố các chốt canh gác hoặc ngăn chặn nguy cơ xảy ra các cuộc đào tẩu.
Hồi năm 2000, Triều Tiên đã tiến hành dỡ bỏ tất cả mìn tại khu vực này sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào ngày 15/6, như một phần trong nỗ lực mở lại tuyến đường sắt Gyeongui, biểu tượng của hợp tác kinh tế và nền tảng của sự thống nhất giữa hai miền Triều Tiên.
Ngoài ra, một nguồn tin quân sự ngày 5/1 cho biết, Triều Tiên đã cho xây dựng lại một số trạm gác bằng bê tông bên trong Khu phi quân sự (DMZ) ngăn cách hai miền từ tháng 11/2023
Căn cứ thỏa thuận năm 2018 được ký kết dưới thời Tổng thống Moon Jae-in, Hàn Quốc và Triều Tiên mỗi bên phá hủy 10 trạm gác bên trong DMZ và giải giáp thêm một trạm nữa. Theo đó, Triều Tiên sẽ còn khoảng 150 trạm gác và Hàn Quốc có 67 trạm trong DMZ.
Tuy nhiên, Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ khôi phục tất cả các biện pháp quân sự bị tạm dừng theo thỏa thuận sau khi Seoul đình chỉ một phần thỏa thuận để phản đối việc Triều Tiên phóng thành công vệ tinh do thám quân sự đầu tiên vào ngày 21/11.
Triều Tiên chưa đưa ra bình luận về các thông tin trên.