Hành chính, kinh tế, khoa cử
Về hành chính, năm 1401 Hồ Hán Thương cho làm sổ hộ tịch trong cả nước. “Biên hết vào sổ những nhân khẩu từ 2 tuổi trở lên và lấy số hiện tại làm số thực, không cho phép người lưu vong mà vẫn biên tên trong sổ. Yết thị cho các phiên trấn hễ có người kinh nào trú ngụ thì đuổi về nguyên quán”, sách Đại Việt sử ký toàn thư viết.
Năm 1403, ông cho di dân không có ruộng đến Thăng Hoa – vùng đất mới thu được sau khi Chiêm Thành dâng nộp năm 1402 (nay thuộc tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi). Cùng năm, nhà Hồ đặt ra cơ quan trông coi y tế là Quảng tế.
Về luật pháp, cuối năm 1401, nhà Hồ cho định quan chế và hình luật nhà nước Đại Ngu. Tuy nhiên, sử sách không nói rõ việc sửa đổi như thế nào so với thời Trần.
Về kinh tế, nhà Hồ cho lưu hành tiền giấy, cấm tiền đồng. Thực chất, việc đổi tiền được Hồ Quý Ly khởi xướng và thực hiện từ cuối thời Trần, năm 1396. Thể thức tiền giấy là tờ 10 đồng vẽ rong, tờ 30 đồng vẽ sóng, tờ 2 tiền vẽ rùa, tờ 3 tiền vẽ lân, tờ 5 tiền vẽ phượng, tờ một quan vẽ rồng. Kẻ làm tiền giả bị tội chết, ruộng đất, tài sản tịch thu.
Việc đánh thuế của nhà Hồ có sự phân loại rõ ràng hơn so với trước đây. “Triều trước, mỗi mẫu thu 3 thăng thóc, nay thu 5 thăng. Bãi dâu, triều trước thu mỗi mẫu 9 quan hoặc 7 quan tiền, nay thu hạng thượng đẳng mỗi mẫu 5 quan tiền giấy, hạng trung đẳng mỗi mẫu 4 quan tiền giấy, hạng hạ đẳng 3 quan tiền giấy. Tiền nộp hàng năm của đinh nam trước thu 3 quan, nay chiếu theo số ruộng. Người nào chỉ có 5 sào ruộng thì thu 5 tiền giấy, từ 6 sào đến một mẫu thì thu 1 quan…”, sách Đại Việt sử ký toàn thư viết. Nhà Hồ còn lập kho thường bình dự trữ thóc để ổn định kinh tế.
Về giáo dục, nhà Hồ cho thay đổi chế độ thi cử, bỏ cách thi ám tả cổ văn chuyển sang tứ trường văn thể.
Các cải cách của nhà Hồ được đánh giá là có giá trị thực tiễn, đi trước thời đại. Tuy nhiên vì bị mất lòng dân các thủ đoạn của Hồ Quý Ly khi cướp ngôi nên các cải cách thất bại.